Bóng Đá Plus trên MXH

'Pele Nga' Eduard Streltsov (kỳ 2): Chết vì khinh nhờn con gái bà Bộ trưởng
22:29 ngày 12/06/2024
“Tôi không bao giờ cưới con khỉ ấy”. “Tôi thà bị treo cổ còn hơn cưới một đứa con gái như vậy”. Nhiều người đã nghe Streltsov nói những câu như vậy trong lúc trà dư tửu hậu. Coi như Streltsov đã bị “kết án tử” bởi những câu nói như vậy. 

    Vì “cô ấy” trong câu chuyện này là Svetlana Furtseva – con gái cưng của Bộ trưởng Văn hóa Liên Xô Ekaterina Furtseva.

    KHÔNG MUỐN CƯỚI THÌ PHẢI VÀO TÙ?

    Như đã nêu ở kỳ trước, Eduard Streltsov bị “phản kèo” bởi đề nghị “nhận tội thì sẽ được dự World Cup”. Chẳng những không được dự World Cup 1958, sự nghiệp bóng đá của một ngôi sao rực rỡ đang chuẩn bị chinh phục làng cầu thế giới còn tan vỡ bởi phiên tòa nhanh chóng được thiết lập sau khi có lời nhận tội. 

    Đúng dịp sinh nhật thứ 21, Streltsov bị kết án 12 năm tù. Ogonkov và Tatushin tuy rút cuộc không hề hấn gì nhưng cũng bị gạch tên khỏi danh sách ĐT Liên Xô. Sau này, họ gần như không có dịp xuất hiện trên mặt báo nữa, như thể họ “phải” rơi vào quên lãng để đừng gợi lại bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến vụ án Streltsov.

    Vì sao viên sĩ quan Karakhanov mời Streltsov đến nhà dự tiệc? Chỉ biết mù mờ: nhân vật này vừa bất ngờ được kết thúc chuyến công tác chẳng ai muốn có ở vùng Viễn Đông, được trở về Moscow sớm hơn hạn định, và ông ta chỉ vừa trở về trước đó vài ngày. Karakhanov có chút quen biết với Tatushin và muốn nhờ cầu thủ này mời thêm 2 cầu thủ đến dự tiệc “cho vui”. 

    Chấm hết. Karakhanov không hề nói ra bất cứ câu nào liên quan đến sự việc. Tuy nhiên, sau này, người ta biết rằng, Karakhanov đã đề nghị bà Bộ trưởng Ekaterina tác động tới người bạn lớn Khruschev giúp ông ta được ở lại Thủ đô. Và giá của “ân sủng” đó là sinh mạng của Streltsov.

    Trong khi đó, thủ quân Valentin Ivanov chỉ biết lắc đầu quầy quậy: “Chuyện này quá sức mờ ám. Cho dù tất cả đều là sự thật đi nữa, cũng không thể tin là Streltsov cưỡng hiếp Lebedeva. Bạn cứ hình dung tình huống một cô gái 22 tuổi ban đêm đi đến một căn nhà ở ngoại ô và bị một chàng trai nhỏ tuổi hơn mình cưỡng hiếp. Phải hỏi ngược lại: ai cưỡng hiếp ai?”.

    Ngoài đời, cuộc sống riêng của Streltsov cũng chẳng có gì bí mật. Ông cũng rượu chè, nhiều là đằng khác, bởi có ngày ông đã uống hết 4 chai vodka. Không có gì lạ đối với một ngôi sao trẻ. Cũng vậy, không có gì lạ nếu như Streltsov quen biết nhiều cô gái trẻ. Nhưng nếu một trong những cô gái trẻ mê Streltsov như điếu đổ lại là nàng Svetlana, con gái cưng của bà bộ trưởng văn hóa Ekaterina Furtseva, thì đấy lại là chuyện khác. 

    Của đáng tội, trong con mắt của Streltsov, cô nàng Svetlana chẳng hấp dẫn bằng một cái móng tay của những mỹ nhân vây quanh ông. Đó là một cô gái tóc hung, dáng vóc gầy gò, mặt đầy tàn nhang, đường nét thô kệch và chẳng “sexy” một tẹo nào. Nhưng đó lại là “thiên kim tiểu thư” của một nhân vật đầy quyền lực.

    Chuyện quá nghiêm trọng. Không chỉ giữ ghế Bộ trưởng Văn hóa, Ekaterina còn được xem là người phụ nữ có quyền lực nhất trong toàn bộ nền chính trị Liên Xô trước đây. Bà có mối quan hệ “gần gũi” với Nikita Khruschev, người giữ ghế Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô sau khi Stalin qua đời vào năm 1953. Ekaterina là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Bộ Chính Trị Liên Xô (mãi đến khi Liên Xô gần tan rã, mới có người phụ nữ thứ hai lọt vào Bộ Chính Trị).

    Ekaterina hẳn đã biết rõ nỗi lòng con gái. Trong một lần gặp Streltsov ở điện Kremlin vào năm 1957, trong lễ mừng công sau Olympic 1956, Furtseva có nói với Streltsov, rằng không chóng thì chầy cũng sẽ tổ chức hôn lễ cho ông và Svetlana. 

    Nhưng Streltsov cự tuyệt: “Tôi đã có hôn thê. Tôi không thể cưới cô ấy”. Cứ như bấy nhiêu còn chưa đủ làm cho bà Bộ trưởng mất mặt, Streltsov lại còn nhiều lần nói với bạn bè: “Tôi không bao giờ cưới con khỉ ấy”, hoặc “Tôi thà bị treo cổ còn hơn phải cưới một đứa con gái như vậy”. Bản án ập xuống Streltsov 1 năm sau đó chính là hình phạt cho việc từ chối ép duyên? Tất nhiên, không ai dám khẳng định đấy là sự thật.

    Trong vụ án cưỡng hiếp, còn có chi tiết là “nạn nhân” Lebedeva từng rút lại đơn kiện Streltsov, nhưng sau đó lại đổi ý lần nữa. Vì sao? Tất cả vẫn nằm trong vòng bí mật. 

    Nhà báo Kevin O’Flynn cho biết: “Các chứng cứ để kết tội Streltsov trong phiên tòa mâu thuẫn đến mức kỳ lạ. Sau này, khi Streltsov đã qua đời, có người bắt gặp một phụ nữ lớn tuổi quỳ và khóc trước mộ ông sau khi đặt vòng hoa hàng năm. Báo giới lân la hỏi chuyện thì người phụ nữ bỏ chạy. Và trong một thoáng lộ diện, người ta nhận ra: người phụ nữ già kia chính là cô gái Lebedeva đã tố cáo Streltsov cưỡng hiếp năm nào”.


    SỐNG KIẾP ĐÀY ĐỌA TRONG LAO TÙ

    Bà Ekaterina Furtseva

    Muốn biết về bóng đá Liên Xô, cứ phải hỏi chuyện Axel Vartanyan. Đấy là châm ngôn của báo giới châu Âu. Vartanyan trước là một nhà giáo, sau này chuyển sang nghiên cứu bóng đá, và ông còn nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác với kiến thức uyên thâm. 

    Vartanyan cho biết: “Vụ án Streltsov hoàn toàn đen tối. Không có bất cứ bằng chứng nào nói lên được rằng đấy quả là một vụ cưỡng hiếp, ngoài chi tiết duy nhất là chính Streltsov nhận tội chỉ để được dự World Cup 1958”. Mặt khác, cũng có khá nhiều chi tiết nói lên rằng những bài viết đả kích Streltsov sau khi kết án là có hệ thống, có chủ đích. 

    Vartanyan đã nghiên cứu tất cả những bản án đưa người đi cải tạo tại Liên Xô trong giai đoạn 1954-1958. Ông nói: “Loại người phải đi cải tạo như Streltsov thường là những người đối lập về chính trị hoặc các văn nghệ sỹ phản đối chế độ. Streltsov là trường hợp duy nhất thuộc về giới thể thao”. 

    Có rất nhiều người đi cải tạo với tội danh nặng nề hơn Streltsov, nhưng báo chí chỉ đưa tin vắn hoặc không nhắc đến. Không ai bị báo chí phê phán nặng nề trong suốt một thời gian dài như Streltsov. Đại khái, đấy không phải là người hùng. Đấy là quỷ sứ. Đấy là hiện thân của lối sống tư bản bê tha... 

    Cũng có lần, HLV ĐTQG Khavriil Kachalin kể với Vartanyan trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi tất tả chạy đến các ban ngành liên quan để yêu cầu can thiệp sao cho Streltsov dự World Cup rồi mới xét xử. Ai cũng chỉ tay lên trời, nói rằng đây là ý bên trên. Thế là tôi hiểu, mọi chuyện đã chấm hết”.

    Trong trại cải tạo, Streltsov vẫn cứ tin rằng đấy chỉ là một trò đùa trong thoáng chốc, và sẽ có người bảo lãnh cho mình trở về trong nay mai. Bạn tù kể: “Suy nghĩ như thế làm cho Streltsov mất đi bản năng sinh tồn để ít nhất cũng giữ được phần nào sức khỏe trong điều kiện tù tội”. 

    Ngoài chuyện lao động cưỡng bức, Streltsov còn phải thường xuyên hứng lấy những cuộc đánh đập mà tuy không ai hiểu rõ vì sao nhưng thực tế thì ai cũng hiểu. Những người hành hung Streltsov đến từ đâu, vì mục đích gì? Tất cả chẳng bao giờ được giới quản giáo làm rõ. Người ta thậm chí đã thầm thì với nhau về một kết cục bi đát cho Streltsov là chết trong trại cải tạo. Thức ăn của ông có nhiễm độc tố hoặc chất phóng xạ.

    Chỉ đến năm cải tạo thứ hai, Streltsov mới thực sự hiểu rõ, rút cuộc điều gì đã xảy ra với mình. Sức khỏe của ông suy giảm đáng kể: sút cân, ho ra máu, chân bị teo vì ngồi xà lim biệt giam... Đó là những gì ông mô tả trong những bức thư viết cho mẹ. Cuộc sống trong trại cải tạo của Streltsov cũng dần dần khá hơn, khi ngoài đời, thiên hạ bắt đầu quên đi cái tên Streltsov. Ông chuyển từ trại này sang trại khác, cho đến khi được thả sau 5 năm lao động cải tạo...

    Ekaterina Furtseva (1910-1974) xuất thân là một công nhân dệt. Khôn ngoan, biết tận dụng các mối quan hệ và những “lợi thế” khác, bà dần được cấp trên dìu dắt vào con đường chính trị. Dưới sự “yêu mến” của Khrushchev, bà thăng tiến vù vù và còn lọt vào Bộ Chính Trị. Bà luôn tỏ rõ sự trung thành tuyệt đối với Khrushchev trong việc hạ gục những đối thủ như Molotov, Malenkov hay Kaganovich... Năm 1960, KBG đã ghi âm được cuộc điện thoại của bà, trong đó tiết lộ những chính sách mật của Khrushchev. Ekaterina bị loại khỏi BCT, sau đó tự sát nhưng bất thành.

    Năm 1952, Ekaterina đã viết bài trên tờ Pravda khiến tài tử hàng đầu Liên Xô Boris Babochkin thân bại, danh liệt vì cho rằng diễn viên này đã bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ.


    (Còn tiếp) 

    KINH KHA • 22:29 ngày 12/06/2024
    Tags: Streltsov

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay