Chưa đến giờ bắt đầu, trung tâm hội nghị Kuala Lumpur (KLCC) đã đông nghịt người. Ngoài 3 phóng viên đến từ Việt Nam, còn có sự góp mặt của giới truyền thông từ các nước trong khu vực như Singapore, Myanmar, Thái Lan và dĩ nhiên, cả các phóng viên bản địa. Chiến dịch “The great stay thirsty” bắt đầu với bài phát biểu của giám đốc điều hành Khalid Alvi của tập đoàn Fraser & Neave, người lý giải vì sao họ quyết định chọn Pele làm đại sứ. “Đơn giản vì ông ấy là một huyền thoại. Ai có thể dừng cả một cuộc chiến? Pele đã làm được điều đó, khi khiến cuộc nội chiến ở Nigeria tạm dừng trong 48 giờ để mọi người có thể xem mình thi đấu tại Lagos năm 1967”, ông Alvi giải thích.
Sau đó là bài phát biểu đầy cảm hứng của Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, Khairy Jamaluddin, người bước lên sân khấu trong trang phục của một… vận động viên. Và đáp lại, Pele thừa nhận ông đã rất cố gắng mới có thể có mặt ở đây. “Gần đây tôi phải phẫu thuật và trong ca mổ, tôi chợt nhớ rằng mình còn phải tới Malaysia. Tôi đã cầu Chúa và giờ đây, đã có mặt ở đất nước xinh đẹp này”, Vua bóng đá thổ lộ.
Những gì diễn ra sau đó thì giống như một cuộc chiến, khi giới truyền thông nhanh chóng “quây” Pele với hàng loạt câu hỏi. Ngay cả khi theo chân Oscar sang hội trường bên cạnh để chứng kiến tiền vệ của Chelsea thể hiện kỹ năng và chơi bóng cùng các cậu bé bản địa, cánh phóng viên cũng liên tục bị các vệ sĩ to con can thiệp. Sự xuất hiện của những anh chàng cao gần 1m90, mặt lạnh lùng khiến ước muốn được “nói chuyện riêng” hay chụp ảnh với Oscar hay Pele của nhiều người bất thành.
Phải may mắn lắm, bạn mới có thể tranh thủ chụp... tự sướng với Oscar, còn Pele thì gần như không thể. Cuộc chiến xin chữ ký cũng gian nan không kém. Tuy nhiên, việc được đặt câu hỏi cho “O Rei” (Vua bóng đá), chứng kiến Oscar... thua một cậu bé Malaysia trong trò sút bóng vào lỗ, hay tận mắt nhìn thấy cầu thủ vốn chỉ được xem trên TV mỗi cuối tuần vẫn là một trải nghiệm đặc biệt mà không phải lúc nào, bạn cũng có thể có được.