Cuộc điều tra quy mô này là một phần của chiến dịch trấn áp tham nhũng trong thể thao. Theo hãng thông tấn Xinhua, cảnh sát đã phát hiện được 120 trận đấu bị dàn xếp với sự tham gia của 41 câu lạc bộ. Những nguồn tin không khẳng định tất cả các trận đấu bị dàn xếp đều diễn ra ở Trung Quốc.
Theo kết quả điều tra được công bố hôm thứ Ba, hai cựu tuyển thủ Trung Quốc Jin Jingdao và Gu Chao cùng tuyển thủ Hàn Quốc Son Jun-ho nằm trong số những người bị cấm thi đấu suốt đời, với các giải đấu trong khuôn khổ ở Trung Quốc.
Các cầu thủ liên quan không đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào. Người đại diện của Son Jun-ho là Park Dae-yeon, cho biết thật "nực cười" khi cáo buộc thân chủ của mình dàn xếp tỷ số. Họ sẽ tổ chức một cuộc họp báo "để nói tất cả những gì chúng tôi phải nói". Son được thả vào tháng 3/2024 sau khi bị giam giữ 10 tháng ở Trung Quốc và trở về Hàn Quốc để khoác áo Suwon FC.
Giám đốc thể thao của Suwon FC, Choi Soon-ho, cho biết họ sẽ tiếp tục để Son thi đấu trừ khi có lệnh không được làm như vậy. Bởi phán quyết của CFA không áp dụng cho họ. "Anh ấy đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc hối lộ khi ký hợp đồng với chúng tôi và tôi tôn trọng điều đó", Choi tuyên bố.
Theo ông Zhang Xiaopeng, đại diện Bộ công an Trung Quốc, 44 cá nhân phải đối mặt với án phạt hình sự vì tội hối lộ, đánh bạc và mở sòng bạc trái phép. 17 người khác bị phát hiện có hành vi hối lộ và dàn xếp tỷ số.
Chủ tịch CFA, Song Kai, cho biết 43 trong số 44 người đã bị cấm vĩnh viễn khỏi các hoạt động liên quan đến bóng đá của Trung Quốc và 17 người khác bị cấm trong 5 năm. Bóng đá Trung Quốc từ lâu đã vật lộn với nạn tham nhũng. Người hâm mộ nước này cho rằng tham nhũng là nguyên nhân khiến thành tích ĐT Trung Quốc xuống dốc.
Vào tháng 8 vừa qua, một cựu phó chủ tịch của CFA đã bị kết án 11 năm tù vì nhận hối lộ và một cựu lãnh đạo khác bị kết án bảy năm tù vì cùng một tội danh. Trước đó vào tháng 3, một cựu chủ tịch CFA đã bị kết án tù chung thân.