Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Vạch trần mạng lưới CLB toàn cầu: Tiến bộ hay tham lam?". Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết khác thuộc BIG STORY này:
1. Mạng lưới CLB toàn cầu, mô hình của những gã khổng lồ tham lam
2. Đi sâu vào dự án của Chelsea, vì sao họ lại chọn Strasbourg làm CLB chị em?
3. Top 10 ông chủ sở hữu nhiều CLB trong tay ở châu Âu
4. Liefering, sân sau tuyệt vời của Red Bull Salzburg
5. Những kẻ kiếm bộn tiền nhờ thách thức mọi quy định của FIFA hay UEFA
Tập đoàn Pacific Media, King Power International, INEOS hay Eagle Football Holdings đang nhăm nhe soán ngôi của City Football và Red Bull trong tương lai. Giống như "nấm mọc sau mưa", sự kết nối của các đội bóng trên toàn thế giới khiến cho diện mạo của các CLB trở nên rất khác.
Đầu năm nay, báo cáo của UEFA chỉ ra có hơn 180 CLB trên toàn thế giới tham gia vào mô hình đa CLB này. Nên nhớ, cách đây hơn 10 năm, năm 2012, chỉ có không tới 40 CLB mà thôi. Số cầu thủ liên quan tới những mạng lưới kiểu này là hơn 6.500 người. Đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng nhiều.
Việc này buộc cơ quan quản lý bóng đá châu Âu, UEFA phải xem xét cải tiến luật lệ để theo kịp thời cuộc. Trái với những suy nghĩ ban đầu cho rằng UEFA sẽ phản đối gay gắt việc một ông chủ có thể sở hữu nhiều CLB vì nó có thể gây xung đột lợi ích, chủ tịch Aleksander Ceferin cho biết:
"Có tới 5, 6 ông chủ các đội bóng muốn mua thêm một đội khác. Chúng tôi đang cân nhắc xem phải làm gì. Lựa chọn có thể là giữ nguyên mọi thứ hoặc cho phép họ tham dự cùng một giải đấu. Tôi chưa biết chắc chắn. Chúng tôi phải bàn bạc các quy định và xem có thể làm gì. Ngày càng có nhiều sự quan tâm về cấu trúc đa sở hữu các CLB. Chúng tôi không nên cứ thế nói không với cấu trúc này, mà phải đưa ra quy định phù hợp bởi các điều luật cần thật chặt chẽ".
"Từ một góc độ, không sai khi cho rằng nếu 1 ông chủ sở hữu 2 CLB ở cùng một giải đấu, họ có thể ra lệnh cho một đội thua đội còn lại. Nhưng từ góc độ cầu thủ, chẳng dễ để làm việc đó chút nào, để bảo HLV hay các học trò của ông ta phải thua trận vì có người khác muốn thắng", Ceferin kết luận.
Vào tuần trước, UEFA chấp nhận việc tham gia các giải đấu cấp châu lục của 6 CLB, bất chấp nguy cơ xung đột lợi ích giữa Aston Villa và Vitoria Guimaraes, Brighton và Union Saint-Gilloise, AC Milan và Toulouse. Nếu INEOS của Jim Ratcliffe mua thành công MU, UEFA cũng sẽ phải có một đánh giá tương tự khi Quỷ đỏ thi đấu chung giải với 2 đội bóng khác "cùng cha INEOS" là Nice và Lausanne. Câu chuyện tương tự cũng xảy đến nếu MU về dưới tay Sheikh Jassim Bin Hamad Al Thani bởi tỷ phủ Qatar này cũng có liên quan tới PSG.
Nhưng với việc RB Leipzig và RB Salzburg đã được UEFA chấp thuận cho cùng thi đấu tại Champions League thì đây là tiền lệ tốt để các mô hình đa CLB học theo. Chắc chắn, phải có lợi, rất nhiều lợi ích thì mô hình này mới trở thành xu hướng toàn cầu. Vậy cụ thể là như thế nào?
Hãy lấy một ví dụ. Tập toàn City Football (CFG) sở hữu 13 CLB trên toàn cầu, bao gồm Manchester City, New York City FC (Mỹ), Melbourne FC (Australia), Yokohama F. Marinos (Nhật Bản), Montevideo City Torque (Uruguay), Girona (Tây Ban Nha), Mumbai City (Ấn Độ), Sichuan Jiuniu (Trung Quốc), Lommel (Bỉ), Troyes (Pháp), Palermo (Italia), Bahia (Brazil) và Club Bolivar (Bolivia).
Vẫn biết Man City là đội bóng nổi tiếng nhất trong số này nhưng nếu ông chủ của CFG muốn tạo ra tầm ảnh hưởng ở Mumbai, thì Man City đâu thể hiệu quả bằng Mumbai City. Yếu tố địa phương rất quan trọng, cho người dân bản địa cảm giác mình đang thuộc về một tập đoàn toàn cầu sẽ kích thích tăng trưởng ở nhiều phía, đặc biệt là kinh doanh.
Tập đoàn Red Bull cũng sở hữu 5 CLB trên giấy tờ, gồm RB Leipzig (Đức), New York Red Bulls (Mỹ), Red Bull Bragantino (Brazil), Red Bull Brasil (Brazil) và FC Red Bull Salzburg (Áo). Mô hình của Red Bull cho thấy rõ sự ưu việt của việc phát triển cầu thủ.
Danh mục đầu tư của Red Bull đại diện cho cách tiếp cận của một kim tự tháp (bao gồm FC Liefering - một câu lạc bộ hạng Hai của Áo, được coi là câu lạc bộ trung chuyển cho Red Bull Salzburg và RB Leipzig), cung cấp một bậc thang lý tưởng cho một cầu thủ trẻ có thể phát triển trước khi đạt đến giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Rất nhiều cầu thủ thành danh bây giờ từng được "tráng" qua FC Liefering như Naby Keita, Dayot Upamecano, Konrad Laimer, Amadou Haidara và tân bình đắt giá của Liverpool, Dominik Szoboszlai.
Phân loại cầu thủ là chuyện bình thường, nhưng phân loại cả CLB sẽ tạo ra những môi trường phù hợp cho từng "phân khúc" cầu thủ, để không ai phải ngồi "sai lớp", càng ưu việt hơn trong từng giai đoạn phát triển sự nghiệp.
Ngoài 2 chuỗi nổi tiếng này thì thì đồng sở hữu New City Capital và tập đoàn Pacific Media cũng có 8 CLB: Barnsley (Anh), Thun (Thụy Sĩ), Oostende (Bỉ), Nancy (Pháp), Esbjerg (Đan Mạch), Den Bosch (Hà Lan), Kaiserslautern (Đức) và Tychy (Ba Lan).
Chủ sở hữu của Leicester, King Power cũng đang nắm quyền kiểm soát Leuven của Bỉ. Doanh nhân người Mỹ, John Textor, ông chủ của Eagle Football Holdings, cũng đang điều hành Crystal Palace, Lyon (Pháp), Botafogo (Brazil), Molenbeek (Bỉ) và FC Florida (Mỹ).
Đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh, phát triển thương hiệu, tiếp cận toàn cầu hoặc tối ưu hóa hoạt động là một trong những lợi ích tiềm năng thúc đẩy chủ sở hữu hướng tới cấu trúc nhiều CLB. Giống như việc phát triển chuỗi thương hiệu nhượng quyền trong kinh doanh, cấu trúc này chia sẻ lợi ích và cũng giảm bớt rủi ro khi chỉ tập trung vào 1 CLB duy nhất theo cách truyền thống. Khi xu hướng toàn cầu hóa bùng nổ trong xã hội, tạo ra những nhóm lợi ích kiểu này chắc chắn là xu hướng không thể đi ngược. Thực tế, nó đã manh nha từ những ý tưởng các CLB "anh em", "kết nghĩa", qua đó tạo ra những giá trị mà đôi bên cùng có lợi.
Lấy ví dụ về việc tại sao có nhiều CLB Bỉ tham gia những chuỗi "đa vũ trụ" kiểu này. Đến cuối mùa trước, 8/18 CLB ở giải đấu cao nhất của Bỉ có ông chủ người nước ngoài: 4 trong số đó thuộc về các CLB của Anh, 4 CLB còn lại lần lượt nằm trong tay của người Qatar, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Shiv Jhangiani, trưởng bộ phận Chiến lược, Sáp nhập & Mua lại tại công ty tư vấn thể thao Sportsology giải thích: "Các yêu cầu để có được giấy phép lao động để chơi ở Bỉ đối với các cầu thủ không thuộc EU là một trong những yêu cầu thấp nhất ở châu Âu, vì vậy những cầu thủ không xin được giấy phép ở Anh có thể đạt được chứng chỉ khi chơi cho một CLB Bỉ. Đó là một thị trường dễ vận hành cho các chủ sở hữu người Mỹ hoặc người Anh vì khoảng cách gần, hơn nữa có những ưu đãi thuế lớn".
Nhiều người nghi ngại cho rằng, đây chỉ là một sự biến tướng của mô hình sở hữu cầu thủ của bên thứ 3 từng bị FIFA cấm năm 2015. Theo đó, FIFA chỉ cho phép việc cầu thủ thuộc quyền sở hữu của CLB họ thi đấu, chứ không chịu sự quản lý của một bên thứ 3 nào khác. “Khi mà quyền sở hữu của bên thứ 3 bị FIFA cấm, cách duy nhất để có quyền tác động tới cầu thủ trong thế giới bóng đá chỉ có thể là sở hữu một CLB bóng đá,” Jhangiani nói.
Đương nhiên, việc gì cũng có 2 mặt. Suy nghĩ phải trở thành một mắt xích, phục vụ cho một CLB "mẹ" chứ không mang lại lợi ích tự thân khiến người hâm mộ các CLB nhỏ cảm thấy bức xúc. Năm 2019, khi Girona xuống hạng từ La Liga, fan đội bóng này đã biểu tình phản đối tập đoàn City Football, cho rằng họ không hề quan tâm tới việc phát triển đội bóng mà chỉ muốn lợi dụng, biến đại diện Tây Ban Nha thành sân sau.
Năm 2022, City Football thậm chí bị chặn ngay ở cửa khi tiếp cận mua lại CLB Hà Lan, NAC Breda. Khi người hâm mộ mất niềm tin, sự sụp đổ cũng có thể theo dây chuyền. Gia đình Pozzo cũng gặp vấn đề tương tự từ fan của Watford và Udinese.