Benfica và Porto có thể không đạt được thành công ở châu lục như những Real Madrid, Barca hay nhiều tên tuổi lớn khác, song họ đã xây dựng được một đế chế tại quê nhà bằng cách làm ăn đầy thông minh của mình. Hai CLB lừng danh của bóng đá Bồ Đào Nha này rất thành thạo nghệ thuật tạo ra "thứ gì đó từ hư không", với việc chiêu mộ những tài năng triển vọng với giá rất rẻ, rồi "nhào nặn" và bán đi với số tiền lớn hơn gấp nhiều lần.
Theo thống kê, tính từ đầu thế kỷ 21 cho đến nay, Benfica đã thu về hơn 1 tỷ euro doanh thu chuyển nhượng. Porto khiêm tốn hơn nhưng cũng đạt gần con số đó. Enzo Fernandez, Darwin Nunez, Pedrinho, Luis Diaz hay trước đó là những Hulk, Radamel Falcao, James Rodriguez, Danilo, Alex Sandro, Angel Di Maria đã giúp Benfica và Porto bỏ túi các khoản tiền kếch xù. Nhìn vào đây, có thể thấy, mẫu số chung là Benfica cùng Porto rất thích chiêu mộ các cầu thủ tài năng từ Nam Mỹ thay vì châu Âu.
Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ như vậy bởi cầu thủ Nam Mỹ khéo léo, kỹ thuật và tài năng hơn so với các đồng nghiệp ở châu Âu. Dù vậy, bí mật đằng sau chính là những cầu thủ Nam Mỹ có mức phí chuyển nhượng vô cùng thấp. Ngoài ra, hai CLB của Bồ Đào Nha còn có một phương thức mua cầu thủ với giá rẻ: quyền sở hữu của bên thứ ba (TPO). Hiểu nôm na, đây là một tổ chức ngoài bóng đá sở hữu một cầu thủ. Nếu một đội bóng muốn chuyển nhượng một cầu thủ, họ sẽ phải kí 2 hợp đồng, gồm 1 với CLB chủ quản và 1 với tổ chức sở hữu cầu thủ.
Năm 2015, Gianni Infantino - khi ấy còn đảm nhận cương vị Tổng thư ký của LĐBĐ châu Âu (UEFA) - từng nói: "Quyền sở hữu cầu thủ của bên thứ ba là một dạng nô lệ hiện đại, nơi bạn thấy các cầu thủ thuộc về các quỹ đầu tư hoặc các tổ chức, công ty khác, thường không xác định được danh tính". Bóng đá Anh đã cấm mô hình này từ năm 2008, nhưng nó vẫn phổ biến với những người đại diện và CLB ở Mỹ Latinh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. TPO cho phép các đội bóng ký hợp đồng với những cầu thủ mà khả năng tài chính của họ không đủ.
Việc mua cầu thủ từ Nam Mỹ dưới quyền sở hữu của bên thứ ba đã mang lại lợi ích tài chính cho Benfica và Porto. Ví dụ, Benfica đã mua Enzo Fernandez từ River Plate với giá 44 triệu euro hồi năm 2022. Chỉ 6 tháng sau, họ bán tiền vệ người Argentina cho Chelsea, thu về 121 triệu euro, cao hơn 2,5 lần. Dù vậy, việc sử dụng TPO để mua cầu thủ với giá bèo sẽ là bất khả thi, nếu không có mạng lưới trinh sát rộng khắp. Cả Benfica và Porto đều sở hữu lượng tuyển trạch viên đông đảo trên khắp Nam Mỹ, giúp họ săn lùng nhiều cái tên tiềm năng.
Thêm một yếu tố nữa quan trọng chẳng kém là các cầu thủ Nam Mỹ sẽ không cần xin giấy phép lao động khi đến Bồ Đào Nha thi đấu, bất chấp họ đến từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Điều này trái ngược hoàn toàn ở Anh, biến nó trở thành một trở ngại không hề nhỏ.
Cuối cùng, Bồ Đào Nha trở thành cửa ngõ cho những cầu thủ chất lượng và ngôi sao tương lai vì một lý do khác: sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ. Văn hóa Bồ Đào Nha tương tự như văn hóa Nam Mỹ, nên các cầu thủ từ các quốc gia này dễ dàng thích nghi hơn so với bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Thời tiết, ngôn ngữ, văn hóa đóng một vai trò rất lớn trong việc giúp các cầu thủ nước ngoài thích nghi với một giải đấu mới, và người ta thường cho rằng, những vấn đề bên ngoài sân cỏ của một cầu thủ sẽ ảnh hưởng lớn đến màn trình diễn của họ trên sân.
Điều này biến giải VĐQG Bồ Đào Nha nói chung hay các CLB như Benfica và Porto nói riêng trở thành điểm khởi đầu lý tưởng cho hành trình đến châu Âu của các cầu thủ đến từ Nam Mỹ. Trong quá khứ, Di Maria từng thừa nhận bản thân đã gặp khó khăn trong thời gian thi đấu tại MU do thời tiết khắc nghiệt ở Manchester, bên cạnh việc đối mặt với rào cản ngôn ngữ. Tất cả những điều đó đã thể hiện qua màn trình diễn của anh trên sân.
Tóm lại, "đất lành thì chim đậu"!.