Ban đầu, giới hâm mộ Hà Lan trút cơn giận dữ lên... bà vợ Johan Cruyff. Thiên hạ vẫn thường đồn rằng Cruyff “sợ vợ”, và nhiều quyết định trong cuộc sống cũng như trong bóng đá của ông là do ảnh hưởng của vợ, Danny Coster. Cũng có suy đoán cho rằng Cruyff bất đồng quan điểm với LĐBĐ Hà Lan nên không chịu cùng đội tuyển này tham dự World Cup 1978.
Hay ho hơn thì đấy là những câu chuyện liên quan đến nhà tài trợ. Johan Cruyff là một trong những ngôi sao bóng đá đầu tiên “hốt bạc” bằng những hợp đồng quảng cáo. Không ai không biết, ông nhận tài trợ từ hãng Puma trong khi bóng đá Hà Lan lại nhận tài trợ từ Adidas. Chuyện này phức tạp đến mức khi Hà Lan dự World Cup 1974 trong chiếc áo Adidas luôn có 3 vạch đặc trưng, thì áo của Cruyff chỉ có 2 vạch chạy dọc tay áo.
Nhưng, chi tiết lớn nhất được dùng làm nguyên nhân giải thích vì sao Cruyff không dự World Cup 1978 là vấn đề chính trị. Ông phản đối chính quyền quân sự của nước chủ nhà Argentina, vươn lên bằng con đường đảo chính? Bóng đá Hà Lan nổi tiếng về truyền thống dân chủ bao nhiêu, thì Cruyff lại càng nổi tiếng bấy nhiêu trong khía cạnh này. Dân chủ đến mức, khi CLB Ajax chọn thủ quân thì HLV phải đi ra ngoài để các cầu thủ bỏ phiếu, và dù Cruyff tài hoa đến mức độ nào thì ông cũng phải mất băng thủ quân do thua Piet Keizer về số phiếu bầu (Cruyff “tự ái” bỏ sang Barcelona sau vụ bầu thủ quân này).
Thật bất ngờ, vào năm 2008, chính Cruyff kể lại nguyên nhân vì sao ông không dự World Cup 1978: đấy là một vụ bắt cóc xảy ra tại Barcelona hồi năm 1977, mà Cruyff đã trải nghiệm cảm giác bị kê súng vào đầu là như thế nào!
Theo lời kể của Johan Cruyff thì ông bị trói chặt và kê súng vào đầu ngay trong nhà mình. Vợ ông cũng bị trói chặt. Cả ba đứa con nhỏ khi ấy đều đang ở trong nhà, và mọi chuyện đành phó thác cho số phận. Cảnh sát sau đó đã phải đưa đón bọn trẻ đi học. Họ thậm chí ngủ luôn trong nhà ông để bảo vệ. Khi Cruyff đến sân tập thì luôn có vệ sĩ đi kèm trong xe. Giai đoạn kinh hoàng ấy kéo dài đến 4 tháng liền. Còn tinh thần nào nữa, mà dự World Cup? Cruyff bình luận thêm: “Muốn thành công ở sân chơi World Cup, bạn phải có đến 200% của sự sẵn sàng. Mặt khác, tôi không dự World Cup vì chợt thấy ra rằng có những giá trị to tát hơn nhiều so với bóng đá”.
Chính Cruyff kể đã đành. Mặt khác, theo nội dung câu chuyện thì đấy cũng là lý do quá chính đáng để một ngôi sao phải quay lưng với vinh dự tranh tài ở trận địa World Cup. Dù sao đi nữa, đấy vẫn cứ là... chuyện kể - tin hay không, tùy bạn.
Rút cuộc, Cruyff mất gì trong vụ bắt cóc kinh hoàng ấy? Bọn tội phạm sau đó có bị bắt hay vẫn nhởn nhơ trong xã hội châu Âu? Ông không nói thêm bất cứ chi tiết gì. Cũng khó hiểu, vì sao Barcelona không hay biết gì về cái tình trạng kéo dài suốt 4 tháng ấy, của ngôi sao số 1 thế giới trong hàng ngũ của họ. Chưa thấy bất cứ tài liệu thực tế hay sự xác nhận nào từ phía cảnh sát về câu chuyện này.
Có Cruyff, Hà Lan sẽ vô địch World Cup 1978? Suốt một thời gian dài, giới cầm bút luôn bàn như vậy. Quả là đội tuyển Hà Lan tại World Cup 1978 vẫn vào chung kết và thủ hòa với đội chủ nhà Argentina trong 90 phút chính thức (thua 1-3 sau 120 phút). Mấy ai biết rằng: cách suy luận “ngây thơ” của báo giới là nguyên nhân khiến danh thủ Rob Rensenbrink “tuyệt tích giang hồ” trong suốt một thời gian dài. Về sau, có người tìm ra được chỗ “ẩn cư” của Rensenbrink.
Ông nói: đời nào có chuyện Argentina lại không vô địch World Cup 1978 tại sân nhà của họ! Cứ hỏi người Brazil (không thể vào chung kết vì chung bảng với Argentina), để thấy Rensenbrink có lý như thế nào.
Cruyff cũng có lúc... thất sủng Hà Lan 2 lần liên tiếp á quân World Cup 14. Số áo 14 của Johan Cruyff là một “thương hiệu” nổi tiếng, đến nỗi dù đội Hà Lan đánh số theo alphabet tại World Cup 1974, áo số 14 vẫn phải dành riêng cho ông. Nhưng tại World Cup 1978 thì Johan Boskamp mặc áo số 14 trong ĐT Hà Lan. |
XEM THÊM
Top 10 'già gân' đang chơi bóng ở châu Âu