Chúng ta vẫn thường nói bóng đá mà không có người hâm mộ thì chẳng là gì. Tuy nhiên, trong biến cố mới nhất mà cả nhân loại phải chịu đựng, có lẽ chúng ta buộc phải cân nhắc những thứ chúng ta từng cho là không thể.
Khi Bundesliga trở lại với trận cầu tâm điểm giữa Dortmund và Schalke trên một SVĐ không khán giả, nó trông không giống như bóng đá mà chúng ta thường biết, nhưng ít ra nó vẫn là bóng đá. Đương nhiên, nhìn hay nghe, tất cả đều thật lạ. Signal Iduna Park của Dortmund là một trong những SVĐ có bầu không khí cuồng nhiệt nhất châu Âu mỗi khi các khán đài được lấp kín, nhưng vào ngày hôm qua, trong trận derby vùng Ruhr với đại kình địch đáng ghét bậc nhất, nó lại trống vắng.
Người hâm mộ Đức gọi những trận đấu kiểu này là "geisterspiele" (tạm dịch: ma ám) và rõ ràng là họ có lý do chính đáng. Với rất nhiều người, đá bóng như thế này chỉ là vì tiền mà thôi, làm gì có tình yêu hay đam mê.
Đáng buồn thay, đây lại là thứ tốt nhất chúng ta có thể hy vọng cho tới khi thế giới này trở lại là một nơi an toàn như trước. Đương nhiên, bây giờ liệu mọi thứ có an toàn với các cầu thủ hay không vẫn đang là điều không ai dám chắc.
Hãy thành thật với nhau, 22 con người ra sân ở Signal Iduna Park ngày hôm qua là những "con chuột bạch" được trả lương cao. Vào lúc này, Premier League, Serie A, La Liga và hàng loạt giải đấu khác đang nhìn vào Bundesliga để xem trải nghiệm này sẽ đưa bóng đá chuyên nghiệp đến đâu. Tất cả mọi người đều đang nín thở.
Bên ngoài sân, những chiếc xe lăn được chuẩn bị sẵn. Những người tham gia, từ cầu thủ, HLV, BHL, trọng tài đến nhân viên trên sân đều hiểu và chấp nhận nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Câu hỏi là nó có đáng không? Cho đến lúc này, phần lớn đều từ chối trả lời thẳng vào trọng tâm.
Đừng giả vờ như không có rủi ro nào ở đây. Đừng phủ nhận việc chúng ta - cụ thể ở đây là người Đức - đang khuyến khích cầu thủ làm những việc mà chính phủ sẽ bảo với dân chúng rằng nó không an toàn.
Nhắc cho những ai không xem trọn 90 phút hôm qua, các cầu thủ Schalke vẫn đan tay vào nhau khi lập hàng rào và cảnh tượng vật lộn diễn ra nhiều không kể xiết. Nếu virus không thể lây lan theo cách đó thì tại sao phần còn lại của thế giới vẫn được khuyến cáo cách xa nhau 2m?
Đó là lý do những cầu thủ như Troy Deeney, Raheem Sterling, Tammy Abraham và Glenn Murray đại diện cho rất nhiều người khác lên tiếng nghi ngờ về dự án trở lại của Premier League. Các HLV như Frank Lampard và Nigel Pearson cũng cảnh báo ở mức cao độ. Nhưng như cựu cầu thủ Owen Hargreaves bình luận trên sóng truyền hình: "Ai đó vẫn phải bắt đầu chứ". Chính xác, cái gì cũng có lần đầu tiên và nếu không phải nước Đức thì sẽ có một nước khác đi tiên phong.
Trải nghiệm này cũng dẫn chúng ta tới những cảm nhận chưa bao giờ có trước đây. Bóng đá mang vẻ đẹp ở các SVĐ 75.000 chỗ ngồi như Old Trafford, 3.000 chỗ như sân trường đại học hay chỉ có các ông bố bà mẹ cổ vũ con trai trong mảnh sân vườn nhà. Vì thế, nếu có thể chấp nhận mọi thứ, tại sao lại không chấp nhận một loại bóng đá trong... yên lặng?
Các cầu thủ Dortmund đã cố gắng tuyên truyền điều tuyệt vời nhất của môn thể thao này, đó chính là vẻ đẹp chuyên môn. Bốn bàn thắng, bốn pha phối hợp đẹp mắt cùng những nụ cười rạng rỡ. Sau trận đấu, các cầu thủ đội chủ nhà thậm chí vẫn xếp hàng ngang chạy ăn mừng trước mặt khán đài như truyền thống, dù rằng nó chẳng có một bóng người.
Bóng đá bây giờ giống như một người bạn cũ đã quay lại, chỉ là anh ấy không còn y hệt như trước. Vì thế giới này chỉ tiến bộ bởi những người lạc quan, chúng ta vẫn nên nhìn nhận rằng việc hoàn thành mùa giải này (nếu có thể) vẫn tốt hơn là quyết định chức vô địch hay xuống hạng bằng những thủ tục trên bàn giấy. Và cho đến khi mọi thứ vẫn an toàn thì việc tận hưởng sự trở lại của bóng đá vẫn là một thú vui tội lỗi.
XEM THÊM
Haaland ghi bàn vào lưới Schalke với pha bứt tốc chớp nhoáng