Sáng nay, VPF đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các đội tham dự V.League 2020, xoay quanh phương án và thời điểm có thể tổ chức trở lại giải đấu. 13/14 đội (ngoại trừ HAGL không tham dự) đã đưa ra những quan điểm của mình. Trong số đó, có 4 CLB chung quan điểm rằng V.League 2020 không nên có đội xuống hạng và chỉ có tranh chức vô địch.
GĐĐH Hồ Văn Chiêm của SLNA chia sẻ: “Khi nào giải đấu được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì sẽ tổ chức trở lại. Thời điểm cho phép có thể là đầu tháng 5 hoặc tháng 6. Còn tổ chức với quy mô, hình thức như thế nào thì đó thuộc về phẩm quyền của VFF và VPF. SLNA thống nhất phương án thi đấu tập trung không có khan giả. Tất nhiên một số CLB không tán thành, một số quan điểm cũng bày tỏ khó khăn. Nhưng vì cái chung, vì bóng đá, chúng ta cùng cố gắng vượt qua. Nếu giải không tổ chức thì càng nguy hiểm hơn khi ảnh hưởng đến nguồn thu, nguồn tài trợ từ giải, từ CLB. Vì vậy nên lên phương án thi đấu, hoàn thành giải đấu. Nhưng có một ý nữa mà tôi muốn nói là năm nay nên không có đội xuống hạng. Cầu thủ sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho ĐTQG ở giải đấu khu vực. Tất nhiên đó là ý kiến của SLNA. Còn được hay không thì VFF và VPF cần xem xét”.
Ông Bùi Xuân Hòa - GĐĐH của SHB Đà Nẵng đồng ý với đề xuất của ông Hồ Văn Chiêm. “Tôi chờ cuộc họp này để có ý kiến trực tiếp luôn. Nhìn từ phương án mà VPF đưa ra thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa giải quyết được nên tôi không đồng ý. Nhưng phải nói là VPF đã cố gắng, nỗ lực để tìm ra phương án giải quyết trong bối cảnh hiện tại. Tôi nghĩ nếu giải trở lại, với mục tiêu đảm bảo cho ĐTQG có thời gian và lực lượng tham gia những giải đấu được định sẵn (Vòng loại World Cup, AFF Cup - PV) thì sẽ gặp nhiều áp lực, có thể xảy ra chấn thương đáng tiếc.
Vì vậy để giải quyết vấn đề thời gian, vấn đề đội tuyển hay áp lực đối với CLB thì tôi đồng tình với ý kiến của anh Chiêm, tức là V.League có thể không xuống hạng. Ngoài ra chúng ta có thể thi đấu mà không có cầu thủ ngoại và chỉ đá 1 lượt thôi. Cầu thủ nội sẽ được tham gia nhiều, việc tuyển chọn cũng dễ hơn, tránh chấn thương đáng tiếc. Còn nếu V.League không có xuống hạng thì hạng Nhất sẽ ra sao? Tôi đề xuất năm sau áp dụng 2 đội V.League xuống hạng và 2 đội hạng Nhất thăng hạng”.
Phía đại diện lãnh đạo của DNH Nam Định đưa ra quan điểm: “Tôi nghĩ VPF cần tính thêm các phương án về thời điểm, cụ thể nếu dịch hết tháng 4 thì sao, hết tháng 5, 6 hay 7 thì sao. Chúng ta cũng cần lên phương án kể cả cho đội tuyển. Nếu như tới tháng 6 mới hết dịch mà đến cuối tháng 10 đã kết thúc giải thì cầu thủ có sức để đá không, hay vật vờ. Họ đá hết sức cho CLB thì sức lên ĐTQG sẽ thế nào, nguy cơ chấn thương có thể xảy ra. Chúng ta không phải là những người đầu tiên. Trên thế giới cũng có tiền lệ, có trường hợp năm nay thêm 2 rồi năm sau lại bớt 1”.
Về phía Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, đại diện của CLB này chia sẻ qua video trực tuyến: “Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đồng ý hoàn toàn với sự sắp xếp phương án dự phòng để tổ chức giải của VPF, khi Chính phủ, Nhà nước, cơ quan chức năng cho phép giải trở lại. Tôi đánh giá cao tính chủ động của VPF trong việc đưa ra phương án. Song có thể diễn biến dịch sẽ kéo dài tới tận tháng 6, hoặc thậm chí là xa hơn. Như thế quãng thời gian thi đấu của giải cho đến trước tháng 11 là rất ngắn. Nếu có thể thì Hồng Lĩnh Hà Tĩnh xin tham mưu phương án cho phép V.League không có đội xuống hạng. Tất nhiên việc sửa Điều lệ giải là khó khăn, phức tạp. Nhưng nếu không có đội xuống hạng thì CLB đỡ áp lực hơn. Các cầu thủ có thể rèn luyện tố chất, phục vụ cho ĐTQG vào dịp cuối năm”.
XEM THÊM
Ngoại hạng Anh và V.League trùng hợp về ý tưởng đá tập trung
Công Phượng và đồng đội giảm lương, chung tay chống dịch Covid-19
Văn Quyết kêu gọi hơn 100 triệu đồng hỗ trợ các y, bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai