Trong vòng 2 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam chứng kiến hàng loạt các cầu thủ quan trọng bị đứt dây chằng chéo trước. Có thể kể đến trường hợp của tiền vệ Phan Văn Đức, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh hay các trung vệ Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh…
Trao đổi với phóng viên Bongdaplus xoay quanh câu hỏi vì sao nhiều cầu thủ chủ lực của Việt Nam lại liên tục bị đứt dây chằng trong thời gian kể trên, bác sỹ Choi Ju Young lý giải cơ bản: “Theo tôi thì các cầu thủ chẳng ai muốn bị bị chấn thương, cụ thể trong trường hợp này là bị đứt dây chằng chéo trước cả. Chấn thương của họ đến thật sự là không may. Bản thân các cầu thủ cũng gặp tâm lý khi bị chấn thương như thế”.
Ông tiếp tục nói: “Chấn thương đứt dây chằng chéo trước với các cầu thủ xảy ra ở 3 trường hợp. Thứ nhất là trạng thái của cầu thủ là tốt nhất. Thứ hai là khi cầu thủ ở trạng thái thi đấu xấu nhất. Thứ ba là bất ổn về mặt tâm lý, cầu thủ ra sân khi phải suy nghĩ quá nhiều những thứ không liên quan đến trận đấu. Các bạn có thể hơi bất ngờ về trường hợp đầu tiên. Nhưng tôi lấy ví dụ ở trường hợp của Xuân Trường.
Cậu ấy bị đứt dây chằng chéo trước (tháng 10/2019 - PV) khi ở trạng thái thi đấu tốt nhất. Lúc Xuân Trường bị thương, tôi chạy đến trị liệu thì cậu ấy rất ngạc nhiên vì mình lại bị chấn thương nặng đến vậy, trong khi trạng thái thi đấu lúc đó là rất tốt. Xuân Trường còn hỏi tôi là tại sao cậu ấy lại bị chấn thương. Không chỉ Xuân Trường mà nhiều cầu thủ khác cũng băn khoăn như thế. Tôi xin lý giải kỹ hơn là trong điều kiện trạng thái của cầu thủ tốt, thì họ thi đấu với tinh thần hơn mức cơ thể chịu được. Vì vậy họ rất dễ gặp chấn thương trong lúc thi đấu hưng phấn như thế.
Còn trường hợp tâm trạng không ổn định thì càng dễ bị chấn thương hơn. Bởi lúc đấy, họ đang suy nghĩ điều gì đó ngoài bóng đá. Vì vậy rất dễ gặp chấn thương ở thời điểm như vậy”.
Hiện nay, bác sỹ Choi Ju Young đang hướng dẫn tập luyện hồi phục chấn thương cho 8 cầu thủ nữ. Trong đó có Nguyễn Thị Liễu, Trần Thị Duyên, Lại Thị Tuyết và Lê Thu Thanh Hương của CLB Hà Nam; Trần Mai Tuyền của CLB Thái Nguyên, Nguyễn Kim Anh của Hà Nội và hai vận động viên của đội dự tuyển nữ trẻ là Ngô Thị Thư và Phan Thị Ngọc Liên.
Ông Choi Ju Young cho biết: “Tôi có nhiều thời gian làm việc với các cầu thủ, từ cầu thủ nam đến cầu thủ nữ, từ các đội tuyển trẻ đến đội tuyển quốc gia. Sau khi làm việc cùng các vận động viên nữ, tôi thấy họ có tâm trạng nóng vội hơn các cầu thủ nam. Các cầu thủ nữ rất mong nhanh chóng được hồi phục để ra sân. Tôi đã giải thích rõ hơn cho các cầu thủ về từng quá trình phục hồi, lúc nào có thể hoặc chưa thể ra sân. Vấn đề y tế trong thể thao rất quan trọng. Tôi nghĩ dù nam hay nữ cũng nên được quan tâm và được điều trị kịp thời, như vậy các vận động viên sẽ có phong độ thi đấu tốt nhất. Tôi cũng đánh giá cao tinh thần tập luyện của các vận động viên nữ để có thể hoàn thành bài tập của tôi, dù khá khó khăn”.
XEM THÊM
Làm thế nào để cầu thủ giảm nguy cơ đứt dây chằng chéo trước?
Chi tiết cực may trong chấn thương đứt dây chằng của Duy Mạnh