Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao các đội bóng Thái Lan nhất loạt yêu cầu phải thi đấu trong điều kiện có khán giả? Họ chấp nhận lùi giải, thậm chí là chưa biết đến bao giờ có thể thi đấu trở lại nhưng sẵn sàng chờ đợi. Với bóng đá Thái Lan, khán giả là tiền. Rất nhiều tiền. Tiền thu từ bán vé, từ các dịch vụ ăn theo, từ các nhà tài trợ. Các đội bóng Thái Lan cơ bản sống nhờ khai thác những giá trị gia tăng từ bóng đá. Họ định hình ngành công nghiệp bóng đá một cách thực sự.
Với BĐVN thì khác. Khán giả vô cùng quan trọng nhưng đó không phải là nguồn thu chính của đội bóng. Một CLB cũng chẳng cần quan tâm xem một năm bán được bao nhiều chiếc áo cho CĐV. Thậm chí, có những đội bóng chưa bao giờ nghĩ đến việc bán áo. Với họ, đó là điều chưa cần làm hoặc chưa mang lại ích lợi cho hiện tại dù tất cả đều biết, cái đích cần hướng tới phải là kinh doanh bóng đá.
Một đội bóng ở Việt Nam sống chủ yếu nhờ bao cấp. Bao cấp từ ông bầu, từ các doanh nghiệp, từ ngân sách nhà nước. Thoạt nhìn sẽ tưởng, BĐVN là thành trì vững chắc mà những tác động từ xã hội không thể làm xáo trộn các hoạt động. Rằng dù có thế nào thì các đội bóng vẫn ổn định, vẫn có tiền cho lộ trình hoạt động của mình.
Nhưng nhìn kỹ thì sẽ thấy, vỏ bọc an toàn về tài chính nhờ cơ chế bao cấp kinh phí lại mang đến những yếu tố đầy rủi ro khi xã hội có biến. Những khoản chi cho bóng đá phần đa được khoanh tròn từ đầu mùa giải, thậm chí trong nhiệm kỳ của chính quyền địa phương.
Thế nên, cần có những khoản chi thêm là bài toán vô cùng khó và khi xảy ra những biến động, các đội bóng rất khó có kinh nghiệm, cơ sở và phương tiện tìm kiếm những khoản thu khác từ hoạt động bóng đá dù thời gian gần đây đã có nhiều tiến triển.
Vậy mới nói, điều mong muốn lớn nhất lúc này của các đội bóng là dịch bệnh mau qua. Bởi các kéo dài thì từ trạng thái chủ động, bóng đá Việt Nam sẽ thấm mệt và tổn thương bởi sức đề kháng với khủng hoảng của nhiều CLB không thật sự tốt.
XEM THÊM
Vì Covid-19, Than Quảng Ninh nghỉ tập vô thời hạn