Tròn 3 năm về trước, ngày 14/10/2016, Văn Hậu ghi một bàn thắng để đời và có thể xem là bước ngoặt để đưa tên tuổi của mình đến với công chúng. Đó là siêu phẩm vào lưới U19 Triều Tiên tại giải U19 châu Á tổ chức tại Bahrain. Băng lên bên cánh trái, cầu thủ gốc Thái Bình bất thần vẽ trên không trung một đường cong tuyệt mỹ khiến thủ thành đối phương gần như chỉ biết chôn chân đứng nhìn.
Một cú sút khó tin, ở một vị trí khó tin, trong một thời điểm khó tin là phút 90 đối với thể trạng của cầu thủ Việt Nam và mở ra một hành trình khó tin. Nhờ bàn thắng của Văn Hậu, U19 Việt Nam giành trọn 3 điểm trong trận mở màn vòng bảng, qua đó mở toang cánh cửa vào vòng đấu loại trực tiếp. Và thực tế, U19 Việt Nam còn đi xa hơn nữa, khi vào tới tận bán kết, đồng nghĩa giành vé tham dự U20 World Cup.
Sân chơi World Cup tất nhiên vẫn quá sức với bóng đá Việt Nam nhưng việc đối đầu với những đội bóng đẳng cấp thế giới như U20 Pháp là những trải nghiệm hết sức quý báu giúp các cầu thủ trẻ trui rèn kinh nghiệm lẫn bản lĩnh thi đấu. Đối với lứa U19 của Văn Hậu, chiến tích lịch sử tại vòng chung kết U19 châu Á 2016 cũng là tấm vé thông hành để các cầu thủ này trình làng hoặc định danh để tiếp tục thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp cả ở cấp độ CLB lẫn đội tuyển.
Ngoài Văn Hậu, những cái tên mà hiện tại người hâm mộ nhớ mặt biết tên, thậm chí xem như thần tượng có Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh hay Đình Trọng (vắng mặt tại giải U19 châu Á vì chấn thương nhưng tham dự U20 World Cup)… So với lứa U19 đàn anh nòng cốt từ lò Hoàng Anh Gia Lai JMG, lứa U19 này không bắt mắt bằng về phong cách. Tuy nhiên, về tính hiệu quả hay sự thực dụng, lứa đàn em lại có phần nổi trội.
Bằng chứng là suốt hành trình 4 trận đến bán kết, U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ để lọt lưới vỏn vẹn 2 bàn và trình diễn thứ bóng đá phòng ngự chắc chắn, kín kẽ và sắc sảo. Về mặt cá nhân, Văn Hậu là minh chứng điển hình cho chất thép của lứa U19 này. Hậu vệ cánh trái này sở hữu thể hình quá lý tưởng so với một cầu thủ Việt Nam (cao 1m85), có lối chơi lì lợm, tinh quái, luôn có những pha tắc bóng cực ngọt và những cú sút xa đẳng cấp.
Đó là sự bổ sung cần thiết cho lứa U19 đàn anh để hình thành một tập thể công thủ toàn diện. Hoặc ví von một cách hình ảnh, hai lứa U19 ấy là hai mặt của một khối thống nhất. Và thực tế dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, hai lứa U19 ấy tạo thành nòng cốt để lập nên những kỳ công vang vọng non sông như á quân U23 châu Á, đệ tứ anh hào Á Vận Hội hay chức vô địch AFF Cup.
Chỉ trong vòng 3 năm ấy, Văn Hậu nói riêng và bóng đá Việt Nam đã tiến một bước rất dài. Văn Hậu từ cầu thủ trẻ chưa được đôn lên đội một Hà Nội FC nay đã khoác áo SC Heerenveen. Việt Nam từ một nên bóng đá quanh quẩn với vùng trũng Đông Nam Á nay trở thành cái tên mà nhiều đối thủ tầm châu lục phải e dè nể phục. Ngoài Văn Hậu, chúng ta có Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh, Đình Trọng… là những cầu thủ được cả truyền thông quốc tế chú ý chứ không chỉ trong nước.
Đấy là quả ngọt mà bóng đá Việt Nam đang được tận hưởng từ việc đầu tư vào bóng đá trẻ, điều mà Indonesia, đối thủ chúng ta chuẩn bị đương đầu không có được và đang chìm sâu trong khủng hoảng dù so về nền tảng, từ nguồn nhân lực, sự cuồng nhiệt hay phẩm chất, họ chẳng kém gì ta. Như HLV Alfried Riedl từng nhận xét: “"Cầu thủ Indonesina có tiềm năng và tài năng. Nhưng vấn đề là liên đoàn không đủ kiên nhẫn. Họ cần những kế hoạch 5 đến 10 năm. Họ cần cải thiện bóng đá trẻ. Tất cả phải được thực hiện, không phải bằng cách nói mà bằng cách làm!".
Hoặc một dẫn chứng khác là Singapore, nền bóng đá chưa bao giờ đầu tư vào đào tạo trẻ nhưng một thời xưng hùng xưng bá với 3 chức vô địch AFF nhờ làn sóng nhập tịch ồ ạt. Hiện tại, khi các nhà tài phiệt đã chán cuộc chơi, đội tuyển Singapore chỉ còn là xương khô trong mả. Tựu trung, một nền bóng đá muốn “có hậu” cần phải đầu tư phát triển đào tạo trẻ và Việt Nam không phải ngẫu nhiên lại “có nhiều Hậu” như thế!