Chào Bùi Tiến Dũng, những ngày bóng đá đang nghỉ vì dịch Covid-19, cuộc sống của anh thế nào?
Ngoài việc không tập luyện và thi đấu, mỗi ngày tôi vẫn chạy bộ vào sáng sớm để giữ thể lực, sau đó tiếp tục tập bổ trợ. Nhưng tập duy trì thế thôi chứ không thể như lúc tập luyện cùng đồng đội ở CLB được.
Nhân nói về chuyên môn, anh có thể cho biết bản thân chơi vị trí thủ môn từ năm bao nhiêu tuổi và có được đào tạo bài bản?
Lúc mới tập bóng đá, tôi chơi trung vệ và có lúc được đẩy lên đá tiền đạo. Mãi đến năm 16 tuổi, lúc đội trẻ Thanh Hoá thiếu người bắt gôn, cựu thủ môn Nguyễn Thanh Tuấn thấy tôi có chút năng khiếu nên đã xếp vào chơi vị trí này và gắn bó luôn đến bây giờ.
Hỏi thế, bởi thời gian qua Dũng đã nhiều lần mắc những lỗi sơ đẳng và các chuyên gia lý giải do anh chơi thủ môn muộn và không được huấn luyện căn bản. Bản thân Dũng nghĩ sao?
Ở Việt Nam có khá nhiều thủ môn xuất phát điểm muộn và cũng không được đào tạo chuyên sâu như tôi, nên lấy lý do ấy để biện minh cho những sai lầm của mình e không ổn. Sai lầm của thủ môn trong một trận đấu rất khó lý giải, có thể là do mất tập trung, do hoàn cảnh, hoặc nhiều yếu tố trên sân tác động. Ngay những thủ môn lừng danh trên thế giới cũng không ít lần phạm những sai sót rất sơ đẳng và cũng chẳng thể giải thích vì sao.
Vậy những sai lầm của Dũng là do đâu?
Thật sự đến giờ tôi cũng không rõ tại sao lại có thể phạm những sai lầm liên tiếp như vậy, vì cầu thủ ai cũng muốn phải thi đấu thật tốt. Nhiều lúc tôi tự hỏi, có phải do ít được thi đấu thường xuyên, do áp lực và cũng có thể là từ sự hưng phấn quá mức khiến đôi lúc bản thân bị mất tập trung, nhưng đều cảm thấy không thoả đáng, bởi sai lầm đều do bản thân mà ra chứ không nên biện minh gì cả.
Lúc phạm sai sót dẫn đến các bàn thua, cảm giác của Dũng thế nào?
Lúc ấy kinh khủng lắm, thậm chí là hoảng loạn. Vừa tự trách bản thân, vừa cố gắng tự động viên tinh thần “Dũng phải bình tĩnh, thật sự bình tĩnh để không phạm những sai sót tiếp theo”. Tuy nhiên, giờ đây ngồi trò chuyện cùng anh thì nói nghe đơn giản thế, nhưng trên sân nó khác và áp lực ghê lắm.
Sau những sai lầm, anh có quan tâm đến dư luận báo chí nói gì về mình không?
Thực sự lúc ấy tôi cũng tò mò lắm, cũng rất muốn biết mọi người nhận xét thế nào về mình, nhưng sau đó tôi tự nhủ không nên đọc vì biết chắc hầu hết những thông tin ấy đều khá tiêu cực và chỉ làm cho bản thân thêm áp lực. Vì vậy, tôi thường chọn cách trò chuyện với những người thân, với những HLV thủ môn ruột để nghe những lời khuyên từ họ và qua đó tự rút kinh nghiệm cho bản thân để có thể làm tốt hơn.
Trở lại 2 năm trước tại vòng chung kết U23 châu Á 2018 ở Thường Châu, lý do nào năm ấy anh lại chơi tốt như vậy?
Đội tuyển U23 Việt Nam tham dự vòng chung kết năm ấy không hề gặp áp lực nào, thậm chí nhiều người còn nghĩ đội sẽ sớm về nước sau vòng bảng. Chính vì không gặp áp lực tâm lý, cộng thêm nhiều yếu tố, đặc biệt là sự may mắn, đã giúp U23 Việt Nam vào đến trận chung kết. Bản thân tôi là người đã rất may mắn ở giải năm ấy và có thể nói vòng chung kết U23 châu Á ở Thường Châu đã thay đổi cuộc đời tôi.
Sự thay đổi ấy là gì?
Sau giải đấu ấy, tôi được mọi người biết đến nhiều hơn, được gặp gỡ nhiều người, qua đó có nhiều cơ hội để kiếm tiền hơn cho bản thân và giúp gia đình thoát nghèo. À, sẵn đây tôi cũng muốn chia sẻ, nhiều người thường bảo từ sau giải đấu ở Thường Châu do tôi chú trọng nhiều những việc ngoài chuyên môn nên phong độ đi xuống. Thực tế, mọi người thường thấy hình ảnh công việc ngoài chuyên môn của tôi xuất hiện khắp nơi, nhất là trên các phương tiện truyền thông, nhưng họ đâu có thấy tôi nỗ lực như thế nào trên sân trong mỗi buổi tập. Nói thật, từ khi nổi tiếng tôi đã gặp rất nhiều áp lực.
Anh có thể nói rõ hơn?
Với tôi, U23 châu Á 2018 vẫn chỉ là giải đấu trẻ. Dẫu chơi rất tốt ở giải đấu năm ấy, nhưng không có nghĩa bản thân tôi đã nâng tầm về chuyên môn so với các anh lớn cùng vị trí ở CLB hoặc ĐTQG, trong lúc nhiều người cứ mặc định rằng tôi đã rất thành công và là số 1 sau giải đấu ấy. Vì vậy, việc một thủ môn như tôi phải ngồi dự bị ở CLB hoặc các đội tuyển vốn rất bình thường lại trở thành đề tài gây sức ép cho các BHL, khiến tôi rất khó xử. Thậm chí, tôi đã rất lo lắng nếu được tung ra sân và thi đấu không tốt như mong đợi, mọi người sẽ nói thế nào?
Thực tế thời gian qua tôi đã trải qua không ít cú sốc khi những người hôm qua tung hô, giờ “ném đá” mình không thương tiếc. Tuy nhiên, giờ đây tôi đã tập cho bản thân vượt qua những điều ấy và dần cân bằng được trạng thái. Sự nổi tiếng đã mang lại cho tôi nhiều thứ, nhưng cũng lấy của tôi rất nhiều, nhất là sự riêng tư trong cuộc sống, đồng thời đôi lúc tôi cảm giác mình rất cô đơn.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
XEM THÊM
Báo Indonesia: Việt Nam mất ông Park Hang Seo ở AFF Cup 2020
Tuyển thủ Việt Nam chỉ ra điều kinh khủng khi đá trên sân của Malaysia
Thái Lan tính rút khỏi AFF Cup 2020: Chuyện không chỉ của người Thái