Lâu nay, các đơn vị tổ chức trận đấu luôn than rằng “tiền bán chẳng đủ công in ấn”, còn khán giả vẫn có thói quen “miễn phí thì may ra tớ vào xem”. Điều này làm cho một số CLB từng quyết định bỏ khâu phát hành vé và tất cả các trận đấu đều mở cửa tự do, ai thích thì vào xem còn chuyện sân vắng khán giả cũng sẽ không làm hầu bao của CLB hụt đi chút nào.
Nhưng đây chỉ là cách “cắt lỗ” đơn thuần và tác dụng của nó chỉ đơn giản là loại bớt công tác phát hành vé ra khỏi danh mục các nguyên nhân khiến ngân quỹ của CLB hụt đi. Trên thương trường, các nhà kinh doanh giỏi sẽ tìm cách biến lỗ thành lãi để giúp hầu bao của doanh nghiệp rủng rỉnh hơn so với những nhà kinh doanh chỉ muốn “cắt lỗ” thật nhanh. Trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp cũng thế, những đơn vị tổ chức giỏi và thành công cũng tìm cách để biến khoản lỗ vì phát hành vé trở thành một khoản thu, thậm chí là có giá trị rất lớn. Ví dụ tiêu biểu tại V-League là B.BD, đội bóng từng phải chi hàng chục tỷ đồng chiêu mộ các ngôi sao sáng giá nhất của giải đấu nhưng lại sẵn sàng phát vé mời cho mọi khán giả có nhu cầu.
Câu chuyện nghe qua thì tưởng là nghịch lý và “đốt tiền” nhưng khi tìm hiểu kỹ lưỡng thì đây là bài học dành cho các nhà tổ chức. Bởi, B.BD phát vé mời số lượng lớn, chịu chi tiền in ấn công phu giúp các trận đấu trên sân nhà của họ có được lượng khán giả không nhỏ. Qua đó, hình ảnh của B.BD trong mắt các nhà tài trợ, các đơn vị quảng cáo luôn ở mức rất ấn tượng và hệ quả chính là họ nhận được không ít hợp đồng quảng cáo, tài trợ. Tấm vé còn được B.BD coi là một kênh khai thác quảng cáo, giống như cách họ “làm giàu” nhờ bán biển quảng cáo trên đường quốc lộ năm nào.