THAM VỌNG CỦA J-LEAGUE
“J-Dream”, hiểu nôm na là “giấc mơ Nhật Bản”, là tập hợp các biện pháp khác nhau được các nhà tổ chức J-League sử dụng nhằm tiếp cận với các thị trường giàu tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, “mũi tấn công” chủ đạo và được bóng đá Nhật Bản hy vọng sẽ giúp họ chinh phục một cách nhanh chóng hàng trăm triệu CĐV Đông Nam Á chính là chiêu mộ những ngôi sao sáng giá nhất của khu vực này. Sau thành công rực rỡ của Consadole Sapporo ở thương vụ mang tên Lê Công Vinh hồi năm 2013, người Nhật Bản càng tin rằng việc đưa những cầu thủ tốt nhất của Đông Nam Á sang chơi bóng tại J-League chẳng khác nào việc tạo ra một cầu nối hoàn hảo giữa Nhật Bản và các thị trường tiềm năng trong mắt họ.
Để thực hiện chiến lược J-Dream, J-League thành lập phòng Chiến lược phát triển thị trường Đông Nam Á. Các nhân viên làm việc ở bộ phận này là những chuyên gia marketing, chuyên gia đàm phán chuyển nhượng hàng đầu của Nhật Bản. Nhiệm vụ của họ là tỏa đi khắp các nước như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia… để tìm kiếm những ngôi sao đủ khả năng đóng vai những chiếc cầu nối, giúp Nhật Bản truyền tải những ấn tượng của J-League tới Đông Nam Á.
Ông Kei Koyama – chuyên viên của phòng Chiến lược phát triển thị trường Đông Nam Á cho biết: “Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã thu được thành công lớn khi nhắm đến thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, và J-League đang cố gắng để làm được điều tương tự”.
ĐÔNG NAM Á ĐƯỢC HƯỞNG LỢI
Ít ai biết, Kei Koyama là người đã trực tiếp đưa nhiều ngôi sao Đông Nam Á như Irfan Bachdim (Indonesia), Chanathip Songkrasin (Thái Lan) tới J-League để tham quan và mời họ ngồi vào bàn đàm phán hợp đồng với các CLB Nhật Bản. Các ngôi sao của Việt Nam từng được Kei Koyama tiếp cận không chỉ có Công Phượng, Tuấn Anh (HA.GL), mà còn có cả Văn Quyết (HN.T&T), Hồng Quân (Than.QN)…
Lý giải về việc liên tục đưa các ngôi sao Đông Nam Á vào tầm ngắm của mình, Kei Koyama nói: “Chúng tôi đang cố gắng để tăng lượng fan của J-League tại Đông Nam Á. Tôi cho rằng việc đưa các cầu thủ Đông Nam Á sang Nhật Bản cũng đồng thời giúp bóng đá khu vực này phát triển. Tất cả các bên đều có lợi ích trong việc này”.
Thực tế, người Nhật Bản cũng hiểu rằng phần lớn các cầu thủ Đông Nam Á dành sự tôn trọng cho J-League và ước mơ được đến giải đấu này để chơi bóng. Dù mới chỉ có số ít các cầu thủ ở Đông Nam Á thực hiện được giấc mơ này của họ, nhưng khoảng thời gian đến J-League chơi bóng thực sự đã giúp họ cảm nhận về bóng đá chuyên nghiệp một cách chuẩn mực, giúp họ trở về xây dựng nền bóng đá đất nước mình hiệu quả hơn với kinh nghiệm đáng giá nhận được ở Nhật Bản. Điều này cũng tương tự như việc nhiều cầu thủ Nhật Bản sang thi đấu ở châu Âu đã giúp chất lượng và giá trị của các cầu thủ bóng đá Nhật Bản đã được cải thiện đáng kể trong hơn một thập kỷ vừa qua.
Giúp Đông Nam Á là giúp cả châu Á Nếu các cầu thủ Đông Nam Á có cơ hội để chứng minh năng lực ở J-League, giá trị và chất lượng của bóng đá Đông Nam Á cũng sẽ được cải thiện. Thậm chí, người Nhật Bản còn tin rằng, việc Đông Nam Á mạnh lên cũng giúp sức mạnh chung của bóng đá châu Á – với lá cờ đầu chính là Nhật Bản sẽ được nâng lên một tầm cao mới. |