Dịch cúm Covid-19 đang phát tác theo chiều hướng ngày càng phức tạp và lan nhanh trên toàn cầu khiến tất cả các hoạt động bị đình trệ, trong đó có thể thao. Mới đây đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020 cũng đã bị nước chủ nhà Nhật Bản hoãn đến năm sau mới tổ chức, trong lúc giải bóng đá được mong chờ nhất trong năm EURO 2020 đã phải dời lại sang 2021. Riêng các giải VĐQG, trong đó có V.League của Việt Nam cũng đều đang đình lại.
Việc các giải trong nước bị tạm hoãn khiến tất cả thành viên tham gia đều bị ảnh hưởng nặng về nhiều mặt, từ tài chính cho đến chuyên môn. Tuy nhiên, để tìm một giải pháp để tổ chức giải đấu trong tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành thực sự khó vẹn toàn, bởi chẳng ai dám chắc đến khi nào dịch bệnh mới có thể chấm dứt. Thậm chí mới đây khi BTC giải đưa ra ý tưởng nếu bệnh dịch được kiểm soát tốt, thì sẽ tổ chức lượt đi của V.League 2020 tập trung ở khu vực phía Bắc đã gặp những phản ứng trái chiều từ những CLB tham dự, nhất là những CLB phía Nam, bởi thực tế nó chưa mang nhiều tính trung lập và khiến quyền lợi của các đội bị ảnh hưởng. Thế nên, một số CLB đã yêu cầu chỉ nên tổ chức giải đấu khi chính phủ đã có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, vì thời điểm này tổ chức dù ở đâu cũng là không hợp lý và không đảm bảo được sự an toàn cho sức khỏe của cộng đồng. Song song đó, việc tổ chức giải đấu trên những khán đài không khán giả càng không thể khiến các trận đấu có chất lượng và đảm bảo quyền lợi của những nhà tài trợ.
Trong khi đó, nếu tổ chức giải đấu ở các sân trung lập, thậm chí đã có đề xuất tổ chức ở những sân đấu khu vực Nam Bộ như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh… nhưng thực tế vẫn không nhiều thuyết phục, bởi chắc chắn các đội bóng phía Bắc sẽ không đồng tình vì cũng sẽ viện lý do tốn kém chi phí ăn ở và di chuyển trong một thời gian dài ở phía Nam, đồng thời thương hiệu của CLB sẽ bị ảnh hưởng không ít.
Tổ chức ở phía Bắc không được, phía Nam càng không xong, vậy chẳng lẽ… hủy giải đấu như quan điểm của một lãnh đạo CLB mới đây? Tuy nhiên, đề xuất này khi được đưa ra đã bị rất nhiều CLB phản ứng vì không hợp lý và thiếu vẹn toàn. Nói thế, bởi nếu hủy giải đấu và sang năm mới tổ chức, đồng nghĩa các đội bóng đang vi phạm hợp đồng với nhà tài trợ và cả các cầu thủ. Cần nói rõ, dù giải đấu không diễn ra vì dịch bệnh, nhưng các CLB vẫn sẽ phải trả lương và những khoản phí lót tay cho cầu thủ theo đúng hợp đồng. Bên cạnh đó, nếu giải không thể diễn ra, đương nhiên những quyền lợi của nhà tài trợ sẽ không thể tiến hành theo qui định, dẫn đến những vi phạm hợp đồng ngoài mong muốn với những hệ quả rất khó lường.
Trong lúc các CLB sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong trường hợp hủy giải, thì VPF có lẽ sẽ không quá ảnh hưởng bởi điều này. Nói thế, bởi nhà tài trợ chính cho giải là LS – đối tác thân thiết của ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty VPF. Theo đó, ông Tú có thể đàm phán để tránh thiệt hại nhất, thậm chí có thể duy trì hợp đồng tài trợ cho mùa giải kế tiếp.
Vì thế, tìm một giải pháp ổn thỏa nhất để các giải đấu của Việt Nam có thể diễn ra trong thời gian tới chính là điều các CLB cần cân nhắc và có ý kiến thấu đáo cùng BTC giải trong những ngày tới.
XEM THÊM
HAGL hiệu quả hơn với lối chơi ‘xấu xí’