Đánh giá về khả năng, trình độ của cầu thủ Việt Nam, HLV Ljupko Petrovic trao đổi với một tạp chí điện tử của Việt Nam rằng, để có thể thi đấu ở châu Âu, họ cần được huấn luyện tốt về mặt tư duy chiến thuật, sở hữu nền tảng thể lực dồi dào và thái độ thật chuyên nghiệp.
Ông Petrovic chia sẻ một chi tiết đáng chú ý: “Lúc dẫn dắt Thanh Hóa, tôi thấy đội bóng này sở hữu nhiều cầu thủ có tiềm năng chơi bóng tại nước ngoài. Tuy nhiên, thành thật mà nói, cánh cửa đến châu Âu chỉ phù hợp với những cầu thủ thuộc HAGL.
Tôi nghĩ có 3 hay 4 cầu thủ của HAGL có thể chơi bóng tại châu Âu cùng thời điểm, nhưng dĩ nhiên đó sẽ không phải các giải VĐQG hàng đầu. Tôi ấn tượng với Văn Toàn, Công Phượng, Tuấn Anh và Văn Thanh. Ở những CLB khác, tôi cũng chú ý đến vài gương mặt. Họ là những cầu thủ đầy triển vọng. Tuy nhiên, thật tiếc khi tôi đã quên tên của họ”.
Ông Petrovic là một HLV lão luyện ở châu Âu. Vị chiến lược gia này đã có 37 năm hành nghề huấn luyện. Đáng chú ý trong số đó có những đội bóng nổi tiếng như Red Star Belgrade, Espanyol, Olympiacos… Thành tích đáng chú ý nhất của nhà cầm quân 72 tuổi là cùng Red Star Belgrade vô địch cúp C1 châu Âu (tiền thân của UEFA Champions League) mùa 1990/91. Năm 2017, ông Petrovic dẫn dắt Thanh Hóa và giúp CLB này giành ngôi á quân của giải.
Cũng liên quan đến Thanh Hóa và một HLV nước ngoài, ông Fabio Lopez - HLV Thanh Hóa chỉ ra điểm yếu của cầu thủ Việt Nam. Cụ thể, ông Lopez cho hay: “Với tôi, chất lượng của cầu thủ Việt Nam không tệ. Tuy nhiên, vấn đề của họ nằm ở kiến thức và kỷ luật chiến thuật. Từ tư duy cá nhân, tư duy chơi bóng, phối hợp cùng đồng đội, rất khó để họ hiểu và áp dụng được hết”.
Trong khi đó, ở một cuộc trao đổi ngắn với tạp chí Bóng đá, tiền đạo Ibou Kebe (người Pháp) chia sẻ: “Tôi nghĩ bóng đá nói chung và cầu thủ Việt Nam lẫn châu Á đều khác so với châu Âu. Cầu thủ châu Âu cao và khoẻ hơn nhiều. Ở châu Âu, bạn có nhiều không gian chơi bóng nhưng sức mạnh vật lý mới tạo ra sự liên kết. Cầu thủ châu Á nhỏ con nhưng rất nhanh. Tôi nghĩ đây là sự khác biệt lớn. Khi có bóng, bạn sẽ thấy cầu thủ Việt Nam di chuyển rất nhanh để tạo khoảng trống. Cầu thủ tốt thì có thể chơi ở bất cứ đâu, tôi tin nhiều cầu thủ Hà Nội có thể làm điều đó tại châu Âu”.
Tính đến hiện tại, Việt Nam có 3 cầu thủ đã tham gia trận đấu thuộc đội hình chính của các CLB châu Âu. Đó là Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng và Đoàn Văn Hậu. Công Vinh ra sân 3 trận. Một trong số đó ở Cúp Quốc gia Bồ Đào Nha, anh vào sân và ghi được 1 bàn thắng. Dù chỉ có mặt trên sân với tổng thời gian vỏn vẹn là 176 phút ở Leixoes nhưng đó có thể xem là một trải nghiệm đầu quý giá đan xen cả thành công của cá nhân tiền đạo này.
Trong khi đó, Công Phượng chỉ có 20 phút chơi bóng cho đội 1 của Sint-Truidense, ở trận thua đậm trước Club Brugge - đội vừa mới được xác định vô địch giải VĐQG Bỉ 2019/20. Với Văn Hậu, anh mới chỉ có 4 phút (trong đó là 3 phút bù giờ) ở đội 1 Heerenveen tại Cúp Quốc gia Hà Lan.
XEM THÊM
Công Phượng và đồng đội ở CLB TP.HCM giảm 30% lương