Ý niệm về cầu thủ Việt kiều giàu có, dư dả vỡ vụn khi tôi gặp Tiêu Exal. Mà tôi cũng bỏ luôn việc gọi Tiêu Exal là cầu thủ Việt kiều sau cuộc nói chuyện ấy. Không phải là bởi hoàn cảnh khó khăn của gia đình chàng cầu thủ có trong mình 2 dòng máu Pháp và Việt Nam, cũng chẳng phải việc anh chỉ thông thạo mỗi tiếng Việt Nam khi sống ở đây từ khi lọt lòng cho tới lớn mà bởi bản thân anh chưa bao giờ muốn mình là một cầu thủ con lai. Với Exal Tiêu, anh muốn người ta xem mình là một người Việt Nam đích thực.
Tôi hẹn Exal Tiêu sau khi kết thúc trận đấu tập giữa U22 Việt Nam. Tôi đã nghĩ sẽ là một Exal Tiêu bận một chiếc áo phông thời thượng, quần jeans hoặc đại loại thế, giống như một vài hình ảnh đời thường mà Exal Tiêu xuất hiện đầy lịch lãm kiểu đúng quý ông phương Tây. Nhưng không phải. Exal Tiêu mặc luôn chiếc áo sinh hoạt của đội tuyển U22 Việt Nam - thứ khiến anh cảm thấy tự hào hơn cả…
“Bố đẻ bỏ rơi tôi. Bố dượng coi tôi như con đẻ”
Báo chí suốt những ngày qua nhắc đến cầu thủ Việt kiều Exal Tiêu. Sau Mạc Hồng Quân, Martin Lò rồi Đặng Văn Lâm,… những cầu thủ Việt kiều từ nước ngoài về Việt Nam để khoác lên mình chiếc áo đội tuyển thì chúng ta có thêm một cầu thủ Việt kiều nữa là Exal Tiêu. Hãy kể về hành trình của anh nào?
Tôi không giống những cầu thủ Việt kiều mà anh nhắc đến ở trên. Tôi không có hành trình từ đâu đó để trở về Việt Nam giống như họ. Để tôi nói rõ hơn. Tôi sinh ra ở Việt Nam. Tôi nói tiếng Việt với mọi người rất rõ ràng. Tôi bước vào tập với đội trẻ ở TP.HCM cách đây 8 năm với một sự hòa nhập rất bình thường như bao cầu thủ Việt Nam khác. Điều đó rất khác với các anh như Martin Lò, khi có sự chênh lệch về ngôn ngữ, tư duy ở Australia so với Việt Nam. Với tôi, không hề có rào cản ấy.
Nhưng truyền thông có nói anh là cầu thủ mang trong mình 2 dòng máu Pháp và Việt Nam?
Chính xác. Mẹ tôi là người Việt. Bố ruột tôi là người Pháp. Nhưng gần 20 năm qua, tôi sống với mẹ và dượng. Tôi chưa từng bao giờ được sang Pháp. Cảm giác của tôi về bố ruột không nhiều. Tôi cũng chỉ gặp bố ruột tôi đúng 2 lần. Một lần thì tôi nhỏ quá, tôi không biết gì hết. Bởi khi ấy tôi mới 1-2 tuổi. Bố ruột cũng đã bỏ mẹ con tôi để trở lại Pháp. Lần thứ hai là cách đây 2-3 năm, khi tôi 17-18 tuổi. Nhưng tôi không có cảm giác bố con gì ở đây cả. Như đã nói, tôi sống với dượng từ nhỏ. Tôi cảm thấy tình thương mà bố dượng dành cho tôi. Tôi cảm nhận rằng ông như bố ruột của tôi vậy.
Nhiều người nói với tôi về ơn nghĩa sinh thành hay về bố ruột của tôi. Nhưng tôi cần ở đây là một gia đình đúng nghĩa, có bố và có mẹ. Bố ruột tôi đã không cho tôi điều ấy. Tôi chỉ có bố dượng mà thôi. Nói đến bố dượng - ông Lê Văn Giáo thì tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi mẹ tôi đã may mắn gặp được người ấy. Khi bố ruột bỏ rơi, hai mẹ con tôi sống cơ cực trong một căn phòng trọ. Bố dượng dù không khá giả gì hết nhưng vẫn ở chung, nuôi mẹ con tôi.
Một cái nữa tôi sợ nói ra tôi sẽ lại khóc mất. Bố dượng tôi không có khả năng có con. Bố dượng rất thương tôi, như con đẻ của ông ý vậy. Cũng vì thế mà khi lần đầu nói chuyện với người lạ, tôi vẫn thường gọi bố dượng, bố đẻ để họ biết rằng tôi có hai người bố. Nhưng với những ai đã biết chuyện, tôi chỉ gọi dượng là bố thôi. Vì đó mới là người bố đích thực mà tôi tự hào.
Lần gặp nhau thứ 2 giữa anh và bố ruột mình diễn ra như thế nào?
Vài tháng trước, qua facebook, bố ruột kết nối với một người họ hàng của gia đình. Ông muốn nói chuyện với tôi, hỏi thăm xem tôi thế nào. Khi biết tôi chơi bóng đá, bố ruột rất vui. Và bố nói rằng ông sẽ sang thăm tôi. Tôi rất bất ngờ bởi không nghĩ sẽ lại có một ngày đươc gặp bố đẻ của mình. Ông nói dối vợ mới là về Việt Nam để li dị vợ cũ nhưng thực chất là muốn gặp tôi. Hai bố con gặp nhau nói chuyện. Cũng nhiều lắm và tôi cũng muốn cố gắng để cảm nhận được tình cha con. Nhưng quả thực giữa cả hai đã có một khoảng cách rất xa lạ.
Ấn tượng đầu tiên khi anh gặp lại bố ruột mình ra sao?
Già. Già lắm rồi, lớn tuổi lắm rồi, chắc ngoài 60. Tôi tự hỏi mình rằng: “Trời, sao già quá vậy, lớn tuổi hơn cả bố dượng (52-53 tuổi) mình nữa. Ông ấy cao lớn, cao hơn tôi cả 1 cái đầu (Exal Tiêu cao 1m80). Ông ấy biết nói tiếng Việt. Tất nhiên thỉnh thoảng vẫn phải thêm một số từ nước ngoài nhưng tôi cũng hiểu một chút xíu. Mà anh biết không, khi biết tôi gặp lại bố ruột tôi, bố dượng bồn chồn lắm. Ông vốn là người ít nói nhưng khi đó thường hỏi tôi như thế nào. Bố dượng sợ mất tôi. Và tôi thật sự hạnh phúc vì điều ấy.
Lại nói về ngoại ngữ, là cầu thủ có 2 dòng máu Pháp - Việt, ngoại ngữ của anh chắc cũng tốt. Dù gì mình cũng là cầu thủ Việt kiều mà?
Tôi không giỏi ngoại ngữ. Tôi thừa nhận là thế. Hồi nhỏ, bà ngoại có dạy tôi tiếng Pháp nhưng sau đó khi đi học rồi đá bóng, tôi không học nữa. Tiếng Anh tôi cũng chỉ nghe được, hiểu được nhưng không giao tiếp nhiều. Tôi sợ mình bị sai khi nói chuyện với người khác. Với lại ở TP.HCM, những bạn học được thì học lớp chính quy. Còn các bạn kém hơn như tôi thì chỉ học lớp bổ túc. Lớp đó không dạy tiếng Anh. Tôi chỉ học tiếng Anh qua phim, trên facebook. Tôi cố ghi nhớ vài từ qua từng ngày.
“Cầu thủ con lai mà sao tôi khổ quá”
Tôi tò mò về ý nghĩa Tiêu Exal?
Tiêu là họ của mẹ tôi, dù bà là gốc Campuchia. Còn Exal là do bà ngoại đặt cho tôi. Tôi không biết đó là từ của nước nào. Nhưng nghe bà kể, đó là sự may mắn, bình an. Tôi không có bất cứ liên quan nào đến họ của bố - David. Mẹ tôi không kể nhiều về bố ruột cho tôi nghe.
Chắc chắn kỷ niệm của bố dượng đối với anh suốt gần 20 năm qua sâu đậm hơn nhiều?
Đúng vậy. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên tôi lên Sài Gòn để thi tuyển vào đội trẻ của TP.HCM vào năm 2012. Bố (dượng) chở tôi trên một chiếc xe cub để tìm sân Hoa Lư ở Quận 1. Cả hai bố con không biết đường nên phải đi từ khi trời còn tối thui từ Củ Chi lên. Chúng tôi hỏi từng người, từng người mới tìm đến được sân. Khi trở về Củ Chi, xe của bố (dượng) bị thủng bánh xe mà trong túi của bố chỉ có 30.000 đồng thôi. Muốn sửa thì ít nhất phải có 100.000 đồng. Hai bố con dắt bộ, tận 2 tiếng đồng hồ mới có một người vá xăm giúp.
Để được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển U22 Việt Nam như hiện tại, Exal Tiêu đã bắt đầu hành trình bóng đá của mình ra sao?
Tôi không biết khái niệm về bóng đá sân 11 người. Loanh quanh ở Củ Chi khi còn nhỏ, tôi chỉ biết đá bóng nhựa, đá sân 5 người gôn tôm. Rồi một ngày trên chương trình truyền hình, tôi thấy thầy Đặng Phương Nam đang dạy cầu thủ Viettel cách đi bóng, chuyền bóng rồi sút bóng. Tôi thấy thích lắm. Tôi cũng muốn được cầm giày ra sân để chơi như vậy. Rồi tôi bắt đầu với những trận bóng ven đường, rồi cho phường, cho xã, cho huyện trước khi được lên Sài Gòn thi tuyển vào năm 2012.
Vòng đầu, tôi và các bạn thuộc 2 trường ở Củ Chi gộp lại với nhau và thi đấu với Quận 9. Chúng tôi hòa 0-0 vào sáng sớm. Đến buổi chiều, đáng lẽ đội còn một buổi tập nữa. Nhưng vì trời mưa rất to, sân Thống Nhất ngập nước. Đội tôi không được đá tiếp mà phải trở về Củ Chi. Tôi đã nghĩ thế là hết! Nhưng rồi sau đó, các thầy thông báo có em Tiêu Exal và vài bạn nữa của Củ Chi lên vòng 2 thi tuyển. Tôi mừng lắm. Và như tôi đã kể, hành trình ở vòng 2 với cái xăm xe bị thủng khi trở về là thế nào rồi đấy (cười). Sau đó, tôi được chọn vào đội trẻ TP.HCM.
8 năm ở đội trẻ và nay là đội 1 ở TP.HCM đối với Tiêu Exal có những điều gì đặc biệt?
Tôi thuộc lứa cuối cùng của Năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM. Tôi không liên quan gì đến Học viện bóng đá Lyon - TP.HCM. Chúng tôi chỉ mặc đồ của Lyon và vẫn tập với các thầy cũ. Học viện Lyon - TP.HCM bắt đầu chú trọng vào lứa 2004 - 2007.
Tôi thi đấu mọi cấp độ U13, U15, U17, U19 và U21 của TP.HCM. Nhưng trong thời gian ở đội trẻ TP.HCM ấy, có những chuyện không thật sự êm xuôi. Màu da, mái tóc khiến tôi bị bạn bè cùng trang lứa chế giễu, trêu chọc, thậm chí là bắt nạt. 12 tuổi, tôi phải giặt đồ cho các anh. Mỗi lần mẹ gửi đồ ăn và sữa lên, tôi cũng bị “trấn lột”. Tôi tự hỏi bản thân mình cùng là con lai sao nhiều người sướng quá. Mà tôi là con lai sao tôi lại khổ đến như vậy. Tôi tủi thân nhưng không dám nói với mẹ một lần nào vì sợ mẹ không cho đi tập nữa.
Rồi đến cuối năm 2019, đội của chúng tôi thăng hạng từ hạng Ba lên hạng Nhì. Một hôm, chúng tôi có trận giao hữu với đội hạng tư Hàn Quốc. Khi ấy, trên sân Thống Nhất, HLV Chung Hae Soung và các trợ lý của đội 1 TP.HCM có đi xem. Hết trận đấu, ông xuống sân và nói với tôi và bạn Trung Thành (cầu thủ ghi bàn trong trận đá tập của U22 Việt Nam): “Ngày mai, mang đồ lên đội 1!”.
Cảm giác của anh khi đó thế nào?
Như mơ vậy! Tôi sướng lắm. Mới còn năm ngoái, tôi vẫn còn xem các anh đá trên truyền hình hoặc sân Thống Nhất. Tôi thuộc đội trẻ nên sinh hoạt ở phòng dưới khán đài sân. Cứ mỗi lần nghe tiếng các anh tập thôi là tôi chạy lên khán đài để xem liền. Nghe giọng các anh nói chuyện trên sân một cách đầy tự nhiên, tôi cảm thấy gần gũi lắm, thích lắm. Vậy nên giờ được tập chung, ăn chung, sinh hoạt chung thì cảm thấy như mơ vậy.
Rồi tôi không nghĩ 6 tháng ở đội 1 TP.HCM diễn ra lại thần kỳ đến thế. Một buổi sáng, thầy Lư Đình Tuấn nói với tôi rằng hãy cố gắng tập thêm để tháng sau (tháng 7) lên tập trung U22 Việt Nam. Trời ơi! Anh biết cảm giác của tôi khi ấy thế nào không? Sướng vô cùng. Tôi chỉ muốn hét lên với cả thế giới khi ấy vậy. Tôi lập tức gọi về cho mẹ. Mẹ tôi nghẹn lại, rồi bật khóc.
Anh biết Đỗ Hùng Dũng chứ? Cũng từ một chàng trai chỉ được nghe giọng Văn Quyết, Thành Lương qua vách ngăn phòng ăn, giờ anh ấy đã là đồng đội và là cầu thủ quan trọng trong mắt Thành Lương, Văn Quyết?
Có chứ. Tôi hâm mộ Thành Lương vô cùng. Anh biết không, 6 năm trước, tôi được gọi vào đội dự tuyển và lên Hà Nội. Khi ấy có AFF Cup. Tôi là thành viên đội khiêng cáng trong trận đấu giữa Việt Nam và Philippines. Khi Thành Lương ghi bàn thắng rất đẹp mắt với cú sút xa tung lưới Philippines, anh ấy chạy rất gần chỗ của tôi. Cảm giác chẳng thể nào diễn tả được khi thần tượng của mình lại đứng sát như thế.
Còn ở TP.HCM, thật tuyệt vời. Tôi được ở cùng phòng với anh Công Hiển và anh Thanh Bình. Tôi được nói chuyện trực tiếp với anh Văn Thuận và cũng được tập luyện trực tiếp với anh Công Phượng. Nhìn anh ấy trên tivi đã khác, xem anh ấy thi đấu từ khán đài đã khác và tập cùng anh ấy còn khác hơn. Anh Công Phượng rất nhanh, khỏe, kỹ thuật rất tốt. Anh ấy tốt bụng, tác phong chuyên nghiệp từ lối sống đến sinh hoạt. Quả thực khi tập với các anh ấy thời gian đầu tiên, tôi bị khớp, ngợp và hay tập sai. Tôi mất 2 tháng đầu sống chung với cảm giác ấy.
Khi Tiêu Exal lên đội tuyển U22 Việt Nam, được tiếp xúc với HLV Park Hang Seo, mọi thứ có khác khi đang làm việc với thầy Chung Hae Soung cùng các anh lớn ở TP.HCM không?
Tôi có một cảm giác chung là thầy Park và thầy Chung rất hiền. Họ không bao giờ tạo áp lực lên cầu thủ. Thầy Park đùa rất vui, luôn lắng nghe cầu thủ cần gì, muốn gì. Trong buổi ăn cơm tập trung tối 1/7, thầy nhắc chúng tôi rằng lần đầu lên tuyển, quan trọng đừng để chấn thương. Chúng tôi cần phải thể hiện tất cả những gì mình có trên sân tập, có sự tư duy, chiến thuật và chuyên môn, thể lực nữa.
Với các bạn U22 Việt Nam thì tôi thấy rất hòa đồng, cởi mở. Chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau. Với tôi, lần đầu lên U22 Việt Nam, tôi bắt tay với tất cả các bạn và mong họ giúp đỡ mình.
Vậy trận đá đầu tiên cùng U22 Việt Nam đã diễn ra thế nào?
Trong hiệp 1, tôi được xếp đá tiền vệ phòng ngự, một vị trí sở trường trong sơ đồ 4-2-3-1. Tôi cần đảm bảo nhiệm vụ chuyền bóng, phân phối bóng, tranh chấp và thu hồi bóng. Khi bước vào sân, tôi không sợ đâu. Tôi tự tin đấy. Thời gian được tập với các anh có đẳng cấp cao ở TP.HCM giúp tôi cải thiện mình nhiều hơn. Và khi đấu với các bạn cùng trang lứa, tôi cũng tự tin hơn hẳn. Tôi tự nhận mình chơi ở mức ổn thôi, tròn vai. Tôi thu hồi bóng và chuyền bóng được. Nhưng ở hiệp 2, tôi bị chuột rút. Đó là một sự thất vọng. Tôi sẽ phải cải thiện thể lực của mình tốt hơn.
“Tôi trả góp 3 năm cho chiếc xe máy, vay thêm 60 triệu để cùng bố xây lại nhà”
Đó là mục tiêu để trở lại U22 Việt Nam. Vậy còn định hướng ở TP.HCM mùa này với anh ra sao?
Tôi thật sự mong muốn ở lại TP.HCM. Mục tiêu của tôi mùa này là hy vọng được HLV Chung Hae Soung tạo điều kiện cho thi đấu 1-2 trận ở V.League. Còn năm sau như thế nào tôi nghĩ tùy vào HLV. Thực sự thì tôi chưa từng trải qua thi đấu ở giải hạng Nhì, hạng Nhất. Đùng một cái, tôi lên đội 1 TP.HCM rồi U22 Việt Nam luôn. 6 tháng với tôi như mơ vậy. Nhưng tôi hiểu cảm giác, kinh nghiệm thi đấu của tôi còn yếu lắm.
Còn bản thân tôi, mong ước sửa nhà cho gia đình đã thành công cách đây vài tháng trước. Số tiền mà tôi dành dụm ở cấp độ trẻ cho đến nay chỉ là 20 triệu đồng. Nhưng tôi muốn sửa gấp căn nhà cho gia đình. Căn nhà của tôi thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung. Suốt 8 năm từ khi lên Sài Gòn, cứ lúc nào tôi về nhà sau khi được CLB cho nghỉ, luôn là cảnh tượng tôi nằm võng, bố mẹ rải chiếu nắm dưới sàn. Vì nhà tôi chỉ có duy nhất một phòng mà thôi.
Vậy là tôi đi vay ngân hàng 65 triệu. Cả lãi cả gốc sẽ tăng lên là 85 triệu trong vòng 17 tháng. Mỗi tháng tôi trả 4 triệu rưỡi và nay đã trả được 3 tháng rồi. Số tiền ấy, tôi và bố (dượng) tự mua vật tư, xi măng, gạch, vữa… Bố tôi là thợ xây, nên rất am hiểu. Ngày ngày, tôi cứ trộn xi măng, cát và hỗ trợ bố xây. Cứ 6 giờ hai bố con dậy làm đến 12 giờ trưa. Rồi đến 1 rưỡi chiều lại quần quật làm đến 5 giờ chiều. Có những buổi tôi phải làm xong vì sợ trời mưa mà đổ bê tông. Có khi gần 7 rưỡi tối mới xong công việc. Cũng vì thế mà tôi giảm mất 7 kg đợt nghỉ dịch Covid-19. Cũng vì để hoàn thành xong cơ bản căn nhà. Nhìn kết quả mình đạt được, tôi muốn khóc luôn. Nhà tôi giờ đã có 2 phòng. Bố mẹ tôi bảo phòng thứ hai để tôi sau này cưới vợ nữa.
Tôi còn một ước mơ nữa. Đó là giành dụm, kiếm thật nhiều tiền, thi đấu thật tốt để đỡ tài chính cho gia đình. Bố của tôi giờ bị gai đôi cột sống. Ông không thể cứ làm thợ xây mãi được. Tôi mong rằng mình có tiền để làm trụ cột cho gia đình trong tương lai.
Anh có nói đến con số 20 triệu dành dụm trong khoảng 8 năm. Có phải là ít quá không nhỉ?
Từ lúc ở đội U13 TP.HCM, tôi được 5 triệu/tháng. Nhiều người bảo lương cao thế. Nhưng họ không biết tôi còn phải đóng lại tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt. Vậy là mỗi tháng cùng lắm giữ lại được vài trăm đến một triệu.
Cứ lên một cấp độ, tiền lương của tôi có nhích lên một tí. Nhưng vẫn phải trang trải nhiều nên tích góp lại cũng là khiêm tốn thôi.
Vài năm trước, tôi cũng mua trả góp chiếc xe tay ga. Tôi thấy chiếc xe ấy bền, đi được nhiều năm mà không lo hỏng. Sau 3 năm, tôi mới trả hết.
Sẽ là rất sớm để chúng ta nói về SEA Games 2021. Nhưng đó lại rất gần với ước mơ của mỗi cầu thủ. Tiêu Exal, với anh, SEA Games nó hiện lên trong đầu mình như thế nào rồi?
Tôi nhớ một kỷ niệm thế này. Khi ấy tôi đang chạy xe ngoài đường thì bất ngờ một cuộc nói chuyện văng vẳng cạnh bên. Họ nói SEA Games 2021 dự kiến tổ chức ở TP.HCM. Tôi đã hình dung trong đầu rằng: “Ôi, nếu như mình được đá ở SEA Games thì sao? Ngay ở gần gia đình mình luôn mà. Bố mẹ, người thân của tôi có thể được xem tôi chơi bóng chứ? Chắc chắn sẽ tự hào và hạnh phúc lắm. Từ cái suy nghĩ ấy, nên khi được lên U22 Việt Nam, tôi khao khát rằng năm nay phải cố gắng thật nhiều, nỗ lực thật nhiều để biến giấc mơ ấy thành hiện thực. U22 Việt Nam sẽ có 5 đợt tập trung trong năm nay. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, U22 Việt Nam sẽ tập huấn ở Pháp. Tôi hy vọng mình có trong danh sách ấy.
Lại nói về Pháp, một đất nước có liên quan mật thiết đến anh. Nếu được cùng U22 Việt Nam sang Pháp, anh sẽ có lần thứ 3 gặp bố đẻ của mình chứ?
Tôi muốn gặp lại bố đẻ. Dù tôi biết mình không có cảm giác gì nữa với ông ấy. Nhưng tôi muốn ông ấy thấy tôi đã cố gắng thế nào, trưởng thành ra sao…
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi. Chúc anh thành công với những nguyện vọng trong tương lai
Bạn thân của Hai Long Tiêu Exal chia sẻ: “Hai Long là bạn thân của tôi. Cả hai đều tập trung ở đội dự tuyển cách đây 6 năm trước. Chúng tôi có cùng chung sở thích là xem M.U thi đấu. Cậu ấy là một người hòa đồng, dễ tính. Chúng tôi thường liên lạc với nhau qua internet, điện thoại. Vừa rồi khi tôi bật tivi xem Hai Long thi đấu, trong trận Than.QN gặp Hà Nội FC, tôi bất ngờ luôn. Hồi ấy thấy Hai Long bé tí mà giờ cao to quá, đá rất chững chạc. |
XEM THÊM
HLV Hoàng Anh Tuấn: Cú sốc đạo đức của học trò và viên thuốc lạ từ Tavares
HLV Phạm Minh Đức: 'Tôi nắn học trò từ năm 17 tuổi, giờ họ… đá lại tôi'