Dù nổi lên ở sân chơi U21 Quốc Tế Báo Thanh Niên nhưng phải đến trận giao hữu giữa U23 Việt Nam và Kashima Antlers hồi tháng 5/2013, Phi Sơn mới được đông đảo người hâm mộ biết đến với những cú đảo chân như rang lạc. Cũng nhờ vậy mà biệt danh Cristiano Ronaldo của Việt Nam dành cho tiền vệ 24 tuổi này bắt đầu xuất hiện từ khi đó.
Dù vậy, cũng vì có phần lạm dụng những cú đảo chân hoặc một số động tác thừa mà nhiều lúc Phi Sơn lại làm chậm nhịp độ tấn công của đội. Đôi lúc lại để mất bóng một cách không đáng có. Thừa nhận Phi Sơn khi đó là một tài năm triển vọng nhưng phong cách rườm rà của anh vô hình trung đã khiến người hâm mộ mất đi thiện cảm không đáng có.
Nhưng mọi thứ dần thay đổi trong suy nghĩ của Phi Sơn. “CR7 Việt Nam” không còn biểu diễn pha bóng màu mè. Động tác xử lý bóng của anh dần trở nên gọn gàng hơn. Thay vì những cú đảo chân thì giờ đây Phi Sơn chủ yếu qua người bằng một động tác đẩy bóng, đơn giản mà hiệu quả hơn rất nhiều. Đôi lúc anh vẫn ham biểu diễn như một thói quen nhưng những động tác ấy đã dần được dùng đúng thời điểm để khuấy đảo hàng phòng ngự đối thủ. Và như một sự ví von thú vị, cũng vì thần tượng Ronaldo thay đổi phong cách đá đơn giản, hiệu quả mà Phi Sơn vì thế cũng thay đổi theo.
Phi Sơn từng bị phê bình nhiều vì lối chơi nặng về biểu diễn cá nhân
Điều thú vị cho sự thay da đổi thịt ở Phi Sơn bắt nguồn từ ông Toshiya Miura – cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Ban đầu ông Miura không có thiện cảm với Phi Sơn. HLV người Nhật Bản từng nói thẳng với những tuyển trạch viên về tiền vệ này rằng: “Cậu ta có kỹ thuật nhưng thi đấu màu mè, không hợp với quan điểm chiến thuật của tôi”. Còn Phi Sơn khi đó có phần bảo thủ: “Những pha đảo chân đã làm nên thương hiệu của tôi, nếu mất đi thì không còn là tôi nữa”. Tuy nhiên, cả HLV Miura và Phi Sơn đã tìm thấy nhau thông qua một cuộc nói chuyện, sau một trận đấu của SLNA. Ngày hôm ấy, ông Miura đã chốt hạ với cậu học trò bằng một câu khẳng định: “Nếu cậu không thay đổi thì chẳng bao giờ được làm việc với tôi”.
Câu nói lạnh lùng ấy của ông Miura đã thay đổi Phi Sơn về suy nghĩ. Để rồi sau đó anh thi đấu bớt màu mè và trở nên hiệu quả hơn. Cầu thủ của Sông Lam Nghệ An ngoài tấn công trực diện còn tích cực phối hợp với các đồng đội hơn. Mùa giải này, anh chuyền chính xác với tỉ lệ 75%. Không ít trong số đó đã trở thành những pha kiến tạo thành bàn. Đa số những đường kiến tạo đều đến từ những pha tạt bóng hoặc chọc khe. Mùa giải này, anh đã có được trung bình 3,4 lần tạo cơ hội/trận và có 6 đường kiến tạo thành bàn.
Phi Sơn tấn công đơn giản hơn nhưng ghi bàn ấn tượng hơn. Dù không ghi quá nhiều bàn nhưng mỗi khi nổ súng thì đó đều là những bàn đẹp mắt. Pha lập công vào lưới HAGL ở V.League 2015 hay bàn thắng trước Long An ở vòng 19 V.League mùa này là ví dụ tiêu biểu. Với phong độ hiện tại anh hoàn toàn có thể vượt qua thành tích 6 bàn của chính cá nhân mùa trước.
Phi Sơn và tác giả bài viết
Bên cạnh đó, Phi Sơn cũng chạy nhiều hơn và tích cực tham gia phòng ngự hơn. Anh có trung bình 3,4 pha tắc bóng/trận và tỉ lệ tranh chấp bóng thành công là 47%. Nền tảng thể lực của tiền vệ cánh phải này cũng được cải thiện đáng kể từ thời HLV Miura. Anh có thể cày ải hơn 2.000 phút cho SLNA ở V League mùa trước. Giờ đây Phi Sơn này vẫn là cầu thủ không thể thiếu của đội bóng xứ Nghệ khi chơi cả 19 trận và thi đấu tổng cộng hơn 1.700 phút.
Có thể những người không theo dõi Phi Sơn sẽ vẫn chỉ nghĩ anh là cầu thủ chỉ biết đảo chân “rang lạc”. Nhưng với sự thay da đổi thịt ở thời gian gần đây, Phi Sơn thực tế đã thể hiện lối đá đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.
Bạn là một CĐV, một cầu thủ, một người yêu mến bóng đá Việt Nam... Bạn muốn thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình thông qua những con chữ? Hãy gửi bài viết của bạn tới địa chỉ mail [email protected] và chia sẻ những ý kiến của mình với chúng tôi. |