Tiếc nuối mang tên Lee Nguyễn
Cầu thủ thi đấu tại V.League có thể phân thành 4 nhóm cơ bản. Thứ nhất là những cầu thủ sinh ra, lớn lên và được đào tạo ở những CLB tại Việt Nam. Thứ hai là ngoại binh. Thứ ba là cầu thủ nhập tịch. Cuối cùng là cầu thủ Việt kiều, những người mang trong mình một nửa dòng máu Việt Nam, nhưng sinh ra, lớn lên và được đào tạo bóng đá ở nước ngoài.
Trong 10 năm trở lại đây, khái niệm cầu thủ Việt kiều luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ. Bản thân giới mộ điệu kỳ vọng, với việc được tiếp thu, đào tạo từ các nền bóng đá tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, những cầu thủ Việt kiều này khi trở về Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp từ cấp CLB cho đến ĐTQG.
Nhưng thực tế chỉ ra, rất ít cầu thủ Việt kiều tạo được ấn tượng tại V.League. Đến hiện tại, Lee Nguyễn, Mạc Hồng Quân và Đặng Văn Lâm là những trường hợp hiếm hoi để lại dấu ấn. Lee Nguyễn hẳn nhiên là trường hợp khiến NHM tiếc nuối hơn cả. Năm 2009, anh gia nhập HAGL với mức lương cao nhất V.League thời điểm đó (khoảng 10.000 USD/tháng sau thuế) kèm việc được tạo điều kiện sang Arsenal tập luyện sau mùa giải. Đáp lại, Lee Nguyễn ghi tới 9 bàn, kiến tạo 12 lần cho HAGL. Nhưng anh vẫn không thể giúp đội bóng phố Núi vô địch mùa giải ấy. Một năm sau, Lee Nguyễn rời HAGL do mâu thuẫn nội bộ với HLV Kiatisak Senamuang. Anh đến B.Bình Dương rồi sau đó sớm trở về Mỹ.
Lận đận tìm chỗ đứng
Lee Nguyễn có thể xem là trường hợp hiếm hoi khởi đầu thuận lợi trong số các cầu thủ Việt kiều đến Việt Nam thi đấu. Lý do cũng là bởi trước khi đến HAGL, Lee Nguyễn đã chơi cho PSV Eindhoven (Hà Lan), Randers (Đan Mạch) và 3 lần được gọi vào ĐT Mỹ. Xuất phát điểm nổi trội giúp Lee Nguyễn có chỗ đứng khi đến V.League. Chỉ tiếc anh lại chưa khéo trong xử sự dẫn đến thất bại chung cuộc.
Ngược lại, phần lớn các cầu thủ Việt kiều đến Việt Nam với xuất phát điểm ở dạng trung bình hoặc thấp ở nước ngoài. Đa số trưởng thành ở các giải bóng đá học đường tại châu Âu, châu Úc. Một số khác nổi bật hơn khi được đào tạo tại một số CLB có tiếng như Sparta Praha (Hồng Quân, Filip Nguyen), Spartak Moscow (Văn Lâm)… Dẫu vậy, tựu trung lại, họ đều trải qua giai đoạn khó khăn tại V.League.
Văn Lâm thất bại tại HAGL và phải trở về Nga. Ở lần thứ hai tái xuất V.League, thủ thành Việt kiều này cũng phải trải qua 1 năm dự bị ở Hải Phòng trước khi may mắn có cơ hội bắt chính vào giữa năm 2016 khi thủ thành số một Xuân Việt bị thủy đậu. Với Hồng Quân, sau tiếng gọi của HLV Mai Đức Chung, anh từ Czech trở về Việt Nam và trải qua 4 lần “chuyển khẩu” chỉ trong 3 năm (từ 2013 đến 2015) với Thanh Hóa, An Giang, Quảng Nam trước khi “định cư” ở Than.QN. Một số trường hợp khác như Michal Nguyễn, Đặng Văn Robert cũng đã có thời gian thi đấu cho B.Bình Dương nhưng không quá nổi trội.
Đó cũng là số ít cầu thủ Việt kiều dù phải lận đận tìm chỗ đứng, nhưng ít ra vẫn được trao cơ hội thi đấu và tạo một số điểm nhấn ở V.League. Phần còn lại quả thực chưa may mắn bằng, khi họ vẫn đang nỗ lực tìm cơ hội ở giải đấu cao nhất của Việt Nam.
Thủ môn Filip Nguyễn ngóng chờ quốc tịch Việt Nam Đầu tháng 2, thủ môn Filip Nguyễn tiết lộ với báo chí rằng, anh đã hoàn tất thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam. “Tôi đã hoàn thành mọi giấy tờ cần thiết và nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng. Bây giờ chỉ còn chờ kết quả”, Filip Nguyễn cho biết. Thời gian qua, trong màu áo CLB Slovan Liberec, Filip Nguyễn đã chứng tỏ được đẳng cấp và trở thành một trong những thủ thành xuất sắc nhất tại giải VĐQG Czech. “Tôi luôn mong muốn được khoác áo ĐT Việt Nam. Đó không chỉ bởi tôi sẽ được chơi ở vòng loại World Cup 2022, mà quan trọng nhất là vì tôi có dòng máu Việt Nam”, Filip Nguyễn chia sẻ. |
XEM THÊM
Văn Lâm bỏ tiền túi thuê HLV thể lực riêng trước mùa giải 2020
Lee Nguyễn và Kiatisak: Tham vọng kết hợp "Galaticos" thất bại của HAGL
Đội bóng Việt Nam có thể phải trả hơn 25 tỷ đồng để có Lee Nguyễn