CHỐNG TIÊU CỰC CẦN SỨC MẠNH TỔNG LỰC
- Phóng viên: Ngài Ông vừa có buổi làm việc với VFF và đại diện cơ quan cản sát điều tra. Kết quả cuộc làm việc thế nào, thưa Ngài?
- Ngài Datuk Dell Khan: Trước hết, có tôi bày tỏ sự ủng hộ toàn diện với VFF trong cuộc chiến chống tiêu cực mà các bạn đang theo đuổi một cách mạnh mẽ, chủ động và hiệu quả. Tôi cũng đánh giá rất cao sự dũng cảm của Chủ tịch CLB V.NB. Hiện tại, cuộc điều tra đang diễn tiến và chúng ta không thể nói trước được điều gì. Cá nhân tôi thấy rằng các bạn đang đi đúng hướng và chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Về quy trình, cơ quan công an sẽ chuyển kết luận điều tra cho VFF và VFF sẽ chuyển cho AFC. Nếu VFF cần sự chia sẻ, AFC sẽ tận tâm, tận lực.
Buổi làm việc giữa phái đoàn AFC, lãnh đạo VFF và đại diện cơ quan điều tra - Bộ công an. Ảnh: Phan Tùng
- Những cầu thủ V.NB đang trong diện tình nghi và được công an triệu tập, AFC sẽ quyết định thế nào về tư cách cầu thủ của họ?
- Theo quy định, toàn bộ những cầu thủ đang trong diện điều tra sẽ không được thi đấu và tôi cũng được báo cáo rằng Ban kỷ luật của VFF đã làm việc đó theo đúng quy chế đồng thời đội V.NB cũng tuân thủ rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, với sự hợp tác ăn ý, đúng quy định như thế, công việc sẽ diễn tiến thuận lợi hơn.
- Từng là một cầu thủ rồi được bổ nhiệm vào chức cảnh sát trưởng Kuala Lumpur trước khi trở thành chuyên gia số một châu Á về phòng chống tiêu cực, Ngài có thể chia sẻ kinh nghiệm gì cho BĐVN?
- Bóng đá là môn thể thao tập thể, chống tiêu cực trong bóng đá cũng cần một nỗ lực toàn diện như thế, giống như bóng đá tổng lực vậy. Không chỉ VFF, VPF, lãnh đạo các đội bóng, các cầu thủ mà còn cả NHM nữa. Chúng ta nên thiết lập đường dây nóng để NHM có thể thông tin cho những bộ phận chức năng. Ngoài ra, mỗi người tham gia vào bóng đá đều phải có cái đầu sạch, tư duy sạch, từ các cấp quản lý, ban lãnh đạo, ban huấn luyện, các cầu thủ, trọng tài và cả NHM. Đó là cách Malaysia đã làm trong chiến dịch bàn tay sạch và tôi cũng đã thấy VFF áp dụng rồi. Đây là cuộc chiến cần sự bền bỉ, dài lâu, quyết liệt, dũng cảm, đặc biệt là nỗ lực từ tất cả mọi người và đây là cuộc chiến mà chúng ta không thể chiến đấu đơn độc được.
CHỐNG TIÊU CỰC, BÓNG ĐÁ SẼ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
- Nạn cá cược, dàn xếp tỷ số bóng đá trên thế giới diễn ra như thế nào và các nền bóng đá phát triển ra sao thời hậu tiêu cực, thưa Ngài?
- Phải nói, tiêu cực trong bóng đá là câu chuyện dài. Nó là vấn đề của xã hội và không chỉ riêng bóng đá, các môn thể thao khác cũng chịu sự chi phối bởi yếu tố này. Thế nên, các tổ chức bóng đá luôn coi việc phòng chống tiêu cực là nhiệm vụ mũi nhọn. FIFA và AFC có sự hỗ trợ của tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol). Ở Việt Nam, tôi cũng thấy sự hợp tác giữa VFF với Bộ công an và đó là điều kiện thuận lợi để dàn loại trừ tiêu cực. Ban đầu, khi vụ tiêu cực nổ ra, các nền bóng đá gặp nhiều khó khăn nhưng về lâu dài, chúng ta tạo ra được những trận cầu sạch, tạo niềm tin với NHM và bóng đá phát triển một cách bền vững hơn kể từ đó.
Buổi làm việc diễn ra trong bầu không khí cởi mở. Ảnh: Phan Tùng
- Một trong những điều NHM Việt Nam lo lắng nhất là sau vụ việc của nhóm cầu thủ V.NB, Bóng đá Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, nhất là tư cách tham gia các giải đấu tầm châu Á. Quan điểm của Ngài thế nào về việc này?
- Đúng là hình ảnh và uy tín ở những nền bóng đá bị phanh phui tiêu cực sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, chống tiêu cực mạnh lại là tín hiệu tích cực và bằng chứng cho sự cam kết về bóng đá sạch. Nhờ quyết tâm chống tiêu cực một cách quyết liệt, VFF nhận được sự đánh giá rất cao từ AFC và cộng đồng NHM châu Á. Còn về các giải đấu tới, giờ này, tôi chưa thể nói được điều gì bởi tư cách của các đội bóng Việt Nam tại đấu trường châu lục còn phụ thuộc vào rất nhiều tiêu chí như điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi… Nhưng cá nhân tôi cho rằng bóng đá sạch của Việt Nam xứng đáng có mặt ở những sân chơi tầm châu lục như AFC Champions League và AFC Cup chẳng hạn. Tôi sẽ ủng hộ để các đội bóng Việt Nam có mặt ở những đấu trường đó vào năm sau.
- Cám ơn Ngài về cuộc trao đổi!