Thực tế, rất nhiều đội bóng Việt Nam từng trọng dụng GĐKT. Nói cách khác, những nhân vật được bổ nhiệm làm GĐKT có tiếng nói và là người được trao quyền lực. Chẳng hạn như GĐKT Nguyễn Văn Vinh của HAGL. Tiếng nói của ông Vinh rất có trọng lượng với ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Ông Vinh từng được ví như “quân sư”, đóng vai trò tham vấn cho các vấn đề từ đội 1 cho đến việc đào tạo trẻ. Thành công của HAGL từ trong quá khứ đến khi Học viện HAGL-JMG ra đời đều có dấu ấn sâu đậm của HLV lão luyện này.
Kể từ khi ông Vinh nghỉ, HAGL không còn tồn tại chức danh GĐKT nữa. Năm 2018, HLV Chung Hae Soung được bổ nhiệm ngồi vào chiếc ghế GĐKT. Nhà cầm quân người Hàn Quốc dường như được giao toàn quyền quản lý đội bóng, từ việc cầm sa bàn đội 1 cho đến việc lên giáo án huấn luyện cho đội 2. Bấy giờ, HLV Dương Minh Ninh được đăng ký chức danh HLV trưởng nhưng vai trò của nhà cầm quân này rất mờ nhạt. Có chăng, trong các buổi họp báo, ông Ninh là nhân vật chính, còn ông Chung rất ít xuất hiện. Người ta cho rằng đấy cũng là một cách mà HAGL giảm áp lực cho người cầm sa bàn.
Khi ông Chung nghỉ, HAGL thuê HLV Lee Tae Hoon về làm GĐKT. Lúc này, HLV Dương Minh Ninh vẫn được đăng ký làm thuyền trưởng và ít nhiều có được quyền lực. Tiếc rằng, khi trái bóng V.League 2019 mới lăn được mấy vòng đấu, ông Ninh phải nhường chiếc ghế đó cho HLV Lee Tae Hoon. Câu chuyện của Becamex Bình Dương cũng giống như HAGL bây giờ. HLV Đặng Trần Chỉnh đang thực hiện đúng vai trò của GĐKT khi đề ra chiến lược, hoạch định tương lai cho đội bóng đất Thủ từ đào tạo trẻ cho đến kế hoạch nhân sự của đội 1.
Tuy nhiên, trong bối cảnh B.BD đang thiếu một người đủ bản lĩnh cầm lái tại V.League, lãnh đạo đội bóng không có sự lựa chọn nào tốt hơn khi giao “thượng phương bảo kiếm” cho ông Chỉnh. Thực tế, sự lựa chọn “2 trong 1” của B.BD đang giúp họ có những sự thay đổi lớn mà cụ thể là công cuộc trẻ hóa đội hình đang có được những thành công nhất định. Cũng giống như HLV Đặng Trần Chỉnh nhưng người đồng nghiệp Lê Huỳnh Đức vừa làm HLV trưởng và cũng là người đảm đương cương vị như một GĐKT của đội bóng. Tức, mọi vấn đề liên quan đến nhân sự, về chuyên môn, kỹ thuật… đều do nhà cầm quân này quyết định.
Rất nhiều đội bóng của Việt Nam đăng ký chức danh GĐKT nhưng vai trò là hoàn toàn khác nhau. Trước đây, có nhiều trường hợp GĐKT không ra mặt mà chỉ đứng sau nắm vai trò tổ chức và quyết định chuyên môn. Điển hình như HLV Henrique Calisto. Khi đưa Đồng Tâm Long An lên 2 ngôi vô địch V.League 2005 và 2006, nhà cầm quân người Bồ cũng chỉ đăng ký chức danh GĐKT.
Một trường hợp khác, theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi 2013, HLV cầm quân ở V.League phải có bằng tốt nghiệp đại học Thể dục thể thao chuyên sâu môn bóng đá và bằng B, A của AFC hoặc bất kỳ bằng cấp huấn luyện tương đương của nước ngoài được AFC công nhận… Dù là một tên tuổi lớn nhưng HLV Lê Thuỵ Hải từng không đáp ứng được tiêu chuẩn, cho nên, năm 2013, CLB B.BD buộc phải “lách luật” bằng việc đăng ký ông Hải làm GĐKT. Tương tự, năm 2015, đương kim HLV trưởng của ĐT nữ Việt Nam là Mai Đức Chung cũng được đăng ký làm GĐKT nhưng thật ra là cầm sa bàn dẫn dắt CLB B.BD.
DNH.NĐ từng “lột xác” sau khi đổi GĐKT Trước vòng 11 V.League 2019, DNH.NĐ bất ngờ đổi HLV trưởng. Theo đó, trợ lý Nguyễn Văn Dũng được chỉ định ngồi ghế nóng còn ông Nguyễn Văn Sỹ ngồi ghế GĐKT. Lý do khá hi hữu đó là năm ngoái, ông Sỹ đến tuổi 49, nên CLB đổi ghế lái trưởng để tránh “vận đen”. Liền sau đó, DNH Nam Định thi đấu như lên đồng, giành đến 6 chiến thắng, 3 trận hòa trong 14 vòng đấu còn lại của mùa giải. Đặc biệt, ngay vòng 11 ấy, DNH Nam Định đã quật ngã ĐKVĐ Hà Nội với tỷ số 2-0. Mùa năm ngoái cũng là lần đầu tiên DNH Nam Định hoàn thành chỉ tiêu mà không bị rơi vào cảnh trụ hạng thót tim giống như năm 2018. |
XEM THÊM
Điều lệ V.League 2020 có nhiều thay đổi quan trọng