Thủ lĩnh ở hàng tiền đạo
Thấm thoát đã gần 4 năm kể từ khi Lê Công Vinh giã từ sự nghiệp. Ngần ấy thời gian, bóng đá Việt Nam đau đáu đi tìm một thủ lĩnh mới trên hàng công của đội tuyển Việt Nam. Nhưng đến nay, chưa một chân sút nào cho thấy mình đủ tài năng để khỏa lấp chỗ trống của Công Vinh - người đã ghi 51 bàn thắng sau 85 trận chính thức cho đội bóng áo đỏ (trung bình 0,6 bàn/trận).
Rồi đến khi tiền đạo Anh Đức tuyên bố chia tay ĐTQG, trước khi trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan diễn ra vào ngày 19/11 năm ngoái, giới mộ điệu mới đặt câu hỏi trong nỗi bâng khuâng: Ai sẽ đóng vai trò thủ lĩnh trên hàng tiền đạo của đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn tới?
Đối chiếu với những chân sút mà HLV Park Hang Seo thường sử dụng, Tiến Linh và Công Phượng là hai ứng viên xứng đáng kế thừa cho sứ mệnh ấy. Với tuổi đời thâm niên hơn, với sự kỳ vọng từ người hâm mộ nhiều hơn, Công Phượng hẳn nhiên là cái tên mà rất nhiều người khao khát có thể kế thừa Công Vinh trong vai trò đầu tàu của hàng tiền đạo Những ngôi sao vàng.
Sự thay đổi trong cách ghi bàn
Công Phượng ở giai đoạn trước đây với Công Phượng ở thời điểm hiện tại đã có nhiều sự thay đổi. Nếu như dưới thời các HLV Guillaume Graechen, Toshiya Miura hay Nguyễn Hữu Thắng, Công Phượng chơi tự do, là tâm điểm của các pha lên bóng và thường có những bàn thắng ở cự ly xa khung thành hoặc thích tạo sự đột phá cá nhân trước khi lập công thì trong 2 năm vừa qua, dưới sự hướng dẫn của HLV Park Hang Seo, cách chơi lẫn kiểu ghi bàn của Công Phượng đã có những thay đổi mạnh mẽ.
Theo đó, không còn là người tổ chức lối chơi (vai trò được giao cho Quang Hải), Công Phượng đảm nhận nhiệm vụ thu hút, kéo giãn hậu vệ đối phương. Khi Việt Nam tổ chức lên bóng, anh âm thầm di chuyển vào khu vực vòng cấm địa của đối thủ để tìm kiếm cơ hội ghi bàn. Thống kê 14 bàn thắng dưới thời HLV Park Hang Seo của Công Phượng chỉ ra rằng, ngoại trừ một tình huống ghi bàn nhờ sút phạt đền thì 13 bàn còn lại đều đến từ những pha dứt điểm trong vòng cấm.
Một điểm chú ý khác là Công Phượng thường xử lý bóng rất gọn. Thay vì rườm rà với nhiều động tác chạm bóng, anh thường dứt điểm ngay hoặc nhiều nhất là 2 chạm khi bóng đến chân mình. Cách đây 2 ngày, pha lập công bằng đầu của Công Phương cho TP.HCM vào lưới Yangon United cũng đến từ kịch bản như thế. Anh khéo léo chọn khoảng trống thuận lợi cho mình trước vòng 5m50 và đợi Công Hiển chuyền bóng là lập tức đánh đầu thành bàn dù sau lưng cũng có 2 trung vệ theo sát.
Vấn đề của Công Phượng thực tế là cảm giác bóng và sự tự tin bị mất đi do không được thi đấu thường xuyên ở nước ngoài trong năm 2019. Và nếu như bàn thắng chấm dứt 386 ngày tịt ngòi vừa qua có thể giải quyết bài toán này, Công Phượng đủ tố chất để người ta nghĩ đến một trung phong mới cho hàng công ĐT Việt Nam, giống như cách mà anh thể hiện trong sơ đồ 1 tiền đạo tại VCK Asian Cup 2019.
Công Phượng hiếm khi ghi bàn từ penalty Xuân Trường chạy đua với thời gian
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tiền vệ Lương Xuân Trường đã trở lại Hàn Quốc tập hồi phục. Theo kế hoạch, tháng 4 tới anh mới về nước và chuẩn bị bước vào mùa giải 2020. Tuy nhiên, khả năng phải đến tháng 6 anh mới có thể trở lại thi đấu và hi vọng được lên tuyển tập trung đúng dịp tháng 6 cho các trận đấu bảng G thuộc VL World Cup 2022 với ĐT Indonesia và UAE. |
XEM THÊM
Công Phượng, niềm hy vọng của CLB TP.HCM?
Đình Trọng: ‘Đối đầu với Công Phượng chưa bao giờ là dễ dàng’