Vỡ mộng xuất ngoại
Từ cú bắt tay “lịch sử” với HLV Arsene Wenger (Arsenal) đến sự ra đời của Học viện HAGL-Arsenal JMG (nay là HAGL JMG) đặt tại Hàm Rồng (Gia Lai) đã tiêu tốn của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức khoảng 4,5 triệu USD. Số tiền kể trên chưa thấm vào đâu so với các khoản chi phí đồ sộ được “bơm” liên tục nhằm đảm bảo các mầm non phát triển hết khả năng.
Trong số ấy, lứa cầu thủ khoá I và khoá II với 27 học viên gồm những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Tuấn Anh, Đông Triều… hàng năm đã “ngốn” nhiều tỷ đồng cho chế độ dinh dưỡng, phụ cấp cho gia đình, học tập, đi tập huấn nước ngoài, thi đấu trong nước… HAGL đào tạo cầu thủ là để phục vụ cho chính đội bóng và kế đến là tham vọng có thể “xuất khẩu” cầu thủ.
Nếu những phi vụ xuất khẩu cầu thủ thành công, tỷ lệ ăn chia sẽ là: phía Arsenal được hưởng 45% số tiền chuyển nhượng, CLB này được quyền lấy về những cầu thủ xuất sắc nhất (nếu có). Học viện HA.GL-JMG sẽ hưởng 45%, 10% số tiền còn lại được chuyển cho gia đình cầu thủ.
Giấc mơ “xuất khẩu” của HAGL khởi đầu bằng việc Công Phượng đến Nhật Bản chơi bóng. Nhưng anh đã thất bại, sau đó chuyển hướng sang Hàn Quốc rồi đến Bỉ. Tuấn Anh cũng không được nhắc đến nhiều trong quãng thời gian chơi bóng ngắn ngủi tại xứ mặt trời mọc. Xuân Trường từng được kỳ vọng sẽ làm tốt hơn Công Phượng nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu ở xứ Kim chi. Ngay cả khi chuyển đến Thái Lan, một giải đấu được cho là vừa tầm, tiền vệ người Tuyên Quang cũng chẳng có nhiều cơ hội được thi đấu.
Bầu Đức đã thu về một khoản ngoại tệ nhất định. Tuy nhiên, để nói đó là những món hời thì e rằng không thể. Nếu có, thì các cầu thủ được nhiều nhất, với mức lương cao gấp nhiều lần khi ra nước ngoài thi đấu.
Công Phượng có phải để bán?
Bầu Đức đã không thành công với giấc mơ xuất khẩu cầu thủ. Nhưng cầu thủ HAGL vẫn vô cùng giá trị. Ở đây, giá trị của họ không chỉ ở khía cạnh chuyên môn mà còn là cả hình ảnh. Không còn là sự đồn đoán, rất nhiều CLB từng dạm hỏi cầu thủ HAGL. Như Trần Minh Vương từng được Viettel lẫn CLB TP.HCM quan tâm. Châu Ngọc Quang đã lọt vào tầm ngắm của Thanh Hóa. Hồi đầu mùa giải năm nay, HLV Chung Hae Soung đã đề xuất lãnh đạo đội bóng Thành phố “tậu” Triệu Việt Hưng. Rốt cuộc, việc mượn được Công Phượng khiến những phi vụ nói trên bị đình lại.
Bầu Đức đồng ý cho Công Phượng khoác áo CLB TP.HCM là một quyết định đúng đắn. Đầu tiên, đội bóng này đáp ứng được khoản thu nhập lên đến 120 triệu đồng/tháng của một cầu thủ tài năng như Công Phượng. Kế đến, Phượng có cơ hội được chơi bóng ở đấu trường AFC Cup và được chứng tỏ bản lĩnh của mình trong một đội bóng tranh đua vô địch V.League. Công Phượng đã chứng minh được giá trị chuyên môn lẫn sự hấp dẫn về mặt hình ảnh. Đấy có thể là nguyên do để CLB TP.HCM muốn mua đứt anh.
Trong bối cảnh khó khăn kinh tế, rất khó lòng để HAGL từ chối hàng triệu USD nếu bán Công Phượng. Tuy nhiên, rất khó để diễn ra những cuộc mặc cả, mua bán. Nói cách khác, không bao giờ bầu Đức muốn biến Công Phượng thành một “món hàng” dù đối tác có trả rất nhiều tiền. Bởi như vậy, ông đã đi ngược lại những tuyên bố trước đó. Kế đến, hình ảnh của HAGL có thể sẽ xấu đi rất nhiều trong mắt các CĐV.
Công Phượng có thể sẽ vẫn ở lại CLB TP.HCM nhưng sẽ không có một bản hợp đồng mua bán nào cả. Thay vào đó là cái gật đầu cho mượn dài hạn của bầu Đức cùng các cộng sự của ông? Điều này cũng giống như việc HAGL từng cho Viettel, Hải Phòng, Long An, CLB TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Công an Nhân dân… mượn quân vậy.
HAGL 'rải quân' đi khắp nơi Cụ thể ngoài Công Phượng, CLB TP.HCM còn đang mượn của HAGL 2 hậu vệ Đức Lương và Văn Sơn. Thanh Hóa đang mượn của HAGL tiền vệ Thành Long, người từng có 2 năm được cho Hải Phòng và Long An mượn. B.Bình Dương cũng đang sở hữu Đông Triều theo dạng cho mượn dài hạn. Các cầu thủ trẻ khác như Nguyễn Nguyên, Minh Bình đang được cho Bà Rịa Vũng Tàu mượn chơi tại giải hạng Nhất. Công an Nhân dân là đội bóng sở hữu số cầu thủ HAGL nhiều nhất. Để chuẩn bị cho mùa giải mới, họ đã mượn đến 9 người gồm Thanh Bình, Hoàng Nam, Thanh Sơn, Du Học, A Sân, Rmah Sươ, Duy Kiên, Tiến Đạt và Minh Quyền. Đáng chú ý, Thanh Bình, Hoàng Nam từng dự U20 World Cup 2017 cùng U20 Việt Nam. Trong khi Thanh Sơn vừa đoạt HCV SEA Games 30, Du Học từng vô địch giải U19 Quốc tế, và A Sân đã có kinh nghiệm V.League. Lúc còn chơi tại giải hạng Nhất, Viettel từng mượn của HAGL tiền vệ Ngọc Quang và tiền đạo Thanh Bình. Nhiều nguồn tin cho rằng, đội bóng phố Núi cho mượn 2 cầu thủ chất lượng nói trên là để “trả nghĩa” Viettel khi trước đó CLB này từng cho HAGL mượn trung vệ trụ cột Bùi Tiến Dũng ở lượt về V.League 2015. “Messi Việt” kém xa “Messi Thái”
Dù được định giá 15 tỷ hay 30 tỷ đồng đi chăng nữa thì “Messi Việt” Công Phượng vẫn kém xa “Messi Thái” Chanathip Songkrasin về giá trị chuyển nhượng. Theo đó, tuyển thủ Thái Lan hiện là cầu thủ đắt giá nhất của CLB Consadole Sapporro đang góp mặt ở J-League 1 (Nhật Bản), được định giá tới 2,4 triệu euro (khoảng 66 tỷ đồng). Khác với Công Phượng phải dự bị khi ra nước ngoài, Chanathip là gương mặt không thể thiếu trong đội hình chính của Sapporro, được bầu chọn vào đội hình ngoại binh tiêu biểu của J.League mùa giải 2018. |
XEM THÊM
Công Phượng có mua được bằng... nhiều tiền?