Tích cực chuyền cho nhau
HLV Chung Hae Soung có thể xoa tay hài lòng về hàng công sau 2 trận đấu đầu tiên của TP.HCM ở AFC Cup 2020. Trong lần đầu tiên “bơi” ra châu Á, một đội bóng thực tế vốn được biết đến ở sức mạnh phòng ngự như TP.HCM lại ghi đến 5 bàn sau 2 trận, qua đó tạm dẫn đầu bảng F. Để có được hiệu suất “nổ súng” tốt như vậy, ba nhân tố phải được nhắc đến. Đó là Amido Balde (3 bàn), Nguyễn Công Phượng (2 bàn) và Trần Phi Sơn (3 kiến tạo).
Tất nhiên, hai nội binh là Công Phượng và Phi Sơn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Và thực tế họ cho thấy mình ăn ý như thế nào trong chiến thắng của TP.HCM trước Hougang United. Thống kê của Opta cho thấy rằng, Phi Sơn (42 đường chuyền) và Công Phượng (32 đường chuyền) nằm trong top 3 chân chuyền của TP.HCM trong trận đấu với Hougang United. Đáng nói hơn, người nhận được nhiều đường chuyền nhất của Phi Sơn chính là Công Phượng (13 lần). Ngược lại, Phi Sơn cũng là mục tiêu mà Công Phượng dồn bóng cho nhiều nhất (12 lần).
Cách tấn công của TP.HCM trong hiệp 1 lý giải vì sao họ lại chuyền cho nhau nhiều đến vậy. Công Phượng thường có những đường bóng chuyền ra cánh phải cho Phi Sơn. Trong lúc chờ đội trường của TP.HCM vượt qua đối phương và chuyền vào trong vòng cấm cho mình (4/13 lần là những đường chuyền vào vòng 16m50), Công Phượng lập tức xâm nhập chiếm khoảng trống trước khu vực 5m50 của đối thủ. Một lần, anh dứt điểm bóng sống sau đường chuyền của Phi Sơn khiến thủ môn Hougang United phải vất vả cản phá. Sau đó không lâu, Công Phượng không bỏ phí nỗ lực của Phi Sơn để mở tỷ số cho TP.HCM.
Giảm bớt sự rườm rà
Lần đầu tiên sau 14 tháng, Công Phượng ghi bàn trong 2 trận liên tiếp. Với Phi Sơn, hat-trick kiến tạo như một lời khẳng định cho sự trở lại sau chấn thương (bị cổ chân và dây chằng năm 2019) của chân chuyền từng thuộc top đầu V.League ở hai mùa giải 2017, 2018. Trên thực tế thì cách đây 5 năm, Công Phượng và Phi Sơn từng được người hâm mộ ví von như những Messi hay Ronaldo của Việt Nam bởi cách đi bóng điệu đà, thích qua người, phô diễn kỹ thuật.
Nhưng rõ ràng khi đã ở độ chín của sự nghiệp (Công Phượng đã 25 tuổi còn Phi Sơn sắp bước sang tuổi 28), họ hiểu rằng hiệu quả trong cách chơi quan trọng hơn tất cả. Trong 4 năm trở lại đây, cách chơi của Phi Sơn đã gọn hơn nhiều so với trước đó. Tất nhiên đâu đó trong các thường điểm, anh vẫn “rang lạc” trước mặt đối phương.
Nhưng về cơ bản, Phi Sơn đã tiết chế việc bằng mọi cách phải vượt qua đối thủ bằng tốc độ và kỹ thuật của mình. Theo Opta, Phi Sơn chỉ có 2 lần rê bóng qua cầu thủ Hougang United (cả 2 lần đều thành công). Ngoài ra, Phi Sơn cũng tiết chế việc cố gắng dứt điểm về khung thành đối thủ (chỉ 2 lần). Thay vào đó, anh cố gắng tạo ra những pha phối hợp tam giác với đồng đội để qua mặt đối thủ hay tích cực hoạt động bên cánh phải nhằm tạo ra những đường chuyền mở ra cơ hội cho Công Phượng và Balde.
Phi Sơn chăm chuyền hơn chăm sút. Công Phượng cũng hạn chế việc… mạo hiểm với những cơ hội của đội nhà. Sự chắt chiu của tiền đạo người Nghệ An được thể hiện rất rõ khi anh ít cầm bóng đột phá ở khoảng cách quá xa khung thành, chịu dứt điểm trong vòng cấm nhằm hy vọng mang về bàn thắng với tỷ lệ cao nhất có thể.
XEM THÊM
Sau hơn 1 năm, Công Phượng mới ghi bàn trong 2 trận liên tiếp