Câu hỏi đặt ra là nếu Thái League đá như châu Âu thì Văn Lâm có thể dự AFF Suzuki Cup cùng ĐT Việt Nam hay không? Xét về lý, Muangthong có quyền từ chối đề nghị của VFF về việc cho phép Văn Lâm trở về dự giải.
Với bóng đá Thái Lan, thành tích, các hoạt động thi đấu là tiền. Mỗi ngôi sao chính là thỏi nam châm thu hút dòng tiền từ nhà tài trợ cũng như NHM. Thế nên, vì quyền lợi của mình, trong phạm vi được luật định cho phép, họ có quyền nói không với ngay cả cơ quan chủ quản của mình là LĐBĐ Thái Lan. Những ông chủ giầu có của Thái Lan có đủ phương tiện, tư thế và quyền lực để bảo vệ lợi ích của mình. Nhắc đến điều này để nhấn mạnh, sẽ rất khó để VFF hay bất cứ LĐBĐ nào có thể thông qua những mối quan hệ đưa một ngôi sao về phục vụ đội tuyển tại SEA Games hay AFF Suzuki Cup.
Có người nói, con đường đi của bóng đá Thái Lan là tất yếu và nó giúp họ đến chân trời mới. Đúng hay sai, thành hay bại thời gian sẽ trả lời. Còn với bóng đá Việt Nam, chúng ta phải có những bước đi để bảo vệ quyền lợi của mình. Xin nhấn mạnh rằng ở Việt Nam, không ai có thể nói hãy quên AFF Suzuki Cup hay SEA Games đi để nghĩ tới World Cup. Chúng ta có thừa sự lãng mạn, đủ ước mơ nhưng vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng, đấu trường khu vực vẫn là tình yêu, lẽ sống của bóng đá Việt Nam. Hơn thế nữa, chúng ta coi SEA Games, AFF Suzuki Cup là bước chạy đà cho biển lớn World Cup chứ không coi sân chơi này như biểu hiện của sự yếu kém, thiếu tham vọng.
Vậy nên, nếu không thể thi đấu cho ĐTQG thì Văn Lâm hay bất cứ cầu thủ nào khác cũng phải suy ngẫm. Khát vọng tột cùng của mỗi cầu thủ là vinh quang với ĐTQG. Và với bóng đá Việt Nam, tiền bạc cũng bắt nguồn từ thành tích cùng đội tuyển. Vì thế, nếu diễn tiến sau này không như mong muốn, mỗi cầu thủ cần phải lựa chọn giữa đội tuyển hoặc CLB hay tìm một điểm đến có thể dung hòa quyền lợi của mình.
XEM THÊM
HLV Park Hang Seo chắp bút cho cuốn sách của Xuân Trường