Thay “format” nhưng bảo lưu điểm số
Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ra văn bản thông báo về việc sửa đổi Điều lệ giải bóng đá VĐQG LS 2020 (V.League), sau khi Hội nghị BCH VFF lần thứ 6 khóa VIII thông qua chuyện thay đổi phương thức thi đấu của V.League và hạng Nhất mùa bóng năm nay.
Theo đó, so với Điều lệ được ban hành cách đây 3 tháng, một số nội dung đã được sửa đổi. Liên quan đến việc đăng ký thi đấu và hồ sơ đăng ký thi đấu, các CLB sẽ được phép thay thế tối đa 3 cầu thủ nước ngoài muộn nhất là vào lúc 15h00 ngày 4/6 (trước đó là vào ngày 18/3), với điều kiện họ phải có giấy chuyển nhượng quốc tế cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn khác trong việc đăng ký thi đấu với cầu thủ nước ngoài. Bên cạnh đó, giai đoạn chuyển nhượng giữa mùa giải cũng có sự thay đổi. Từ việc đăng ký cầu thủ giữa hai giai đoạn là từ ngày 23/6 đến 20/7, các CLB giờ sẽ tiến hành việc chuyển nhượng, đăng ký trong thời gian từ 21/7 đến 17/8.
Một chi tiết quan trọng khác liên quan trực tiếp đến sự thay đổi trong phương án tổ chức phần còn lại của V.League 2020 đấy là việc có hay không chuyện giữ nguyên điểm số của các CLB giữa 2 giai đoạn. Bởi cần nói thêm là sau khi các CLB hoàn thành 13 vòng đấu của giai đoạn 1 (tương đương lượt đi), 14 đội sẽ không tham gia lượt về như những mùa trước. Thay vào đó, 8 đội đứng đầu lượt đi sẽ tách nhóm thi đấu 7 vòng tranh ngôi vô địch. Còn 6 đội cuối bảng sẽ gộp lại một nhóm để đá 5 vòng tranh suất trụ hạng.
Về điều này, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF cho biết: “Ban bóng đá chuyên nghiệp VFF nhất trí việc giữ nguyên điểm số sau giai đoạn 1 đối với các CLB. Điều đó sẽ tạo động lực thi đấu, tránh việc thiếu tính cạnh tranh khi một số đội đã nắm chắc trong nhóm 1 hoặc 2 ở giai đoạn đầu tiên”.
Vì sao không có Vua phá lưới?
Một chi tiết quan trọng khác mà Điều lệ V.League 2020 có sửa đổi. Đó là không có giải thưởng dành cho Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất (Vua phá lưới). Theo đó, tổng số hạng mục giải thưởng ở mục Giải thưởng bình chọn toàn giải từ 12 được rút xuống còn 11. Có thể kể đến các hạng mục được giữ lại gồm: Giải phong cách, Đội hình tiêu biểu, CLB có thành tích trong công tác đào tạo trẻ tốt nhất, BTC trận đấu tốt nhất, Cầu thủ xuất sắc nhất, HLV xuất sắc nhất, Bàn thắng đẹp nhất…
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Bóng đá, ông Trần Anh Tú lý giải: “Ở giai đoạn 2, V.League sẽ chia làm 2 nhóm tách biệt. Số trận đấu giữa 2 nhóm này có sự khác nhau. Ở nhóm 1, các đội chơi thêm 7 trận. Còn ở nhóm 2, các đội đá 5 trận. Điều đó khó tạo ra sự cân bằng cần thiết cho các cầu thủ đua danh hiệu Vua phá lưới”. Bên cạnh đó, việc chia nhóm cũng tạo ra ranh giới về trình độ. Các CLB ở nhóm tranh vô địch tuy đá nhiều trận hơn nhưng vấp phải sự cạnh tranh về đẳng cấp lớn hơn so với các CLB ở nhóm còn lại. Điều đó khiến cho các cầu thủ thuộc đội nhóm 1 cũng sẽ khó khăn hơn trong mục tiêu ghi bàn.
Ngoài ra, lịch thi đấu của giai đoạn lượt đi V.League cũng có điểm chung đáng chú ý. Đó là tất cả các trận đấu đều diễn ra từ 17h00 trở về sau. Riêng với 2 vòng đấu thứ 12 và 13, tất cả các cặp đấu sẽ diễn ra cùng giờ (17h00), tất nhiên là còn tùy theo tình hình thực tế khi đó.
XEM THÊM
Lịch thi đấu V.League 2020 giai đoạn 1
Sẽ thế nào nếu đội nhóm dưới có tổng điểm… cao hơn nhóm tranh vô địch V.League 2020?