Như thông tin mà Bongdaplus đăng tải, Đình Trọng đã phải trải qua lần thứ 2 phẫu thuật liên quan đến đầu gối trái vào đầu tháng 8 vừa qua. Lần đầu tiên, anh phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước ở Singapore vào tháng 6/2019. Đến tháng 8/2020, Đình Trọng tiến hành phẫu thuật sụn đầu gối. Theo đánh giá của các bác sỹ, Đình Trọng sẽ phải nghỉ hết năm 2020. Hà Nội FC cũng đã tiên lượng được điều này nên quyết định không đăng ký anh ở phần còn lại mùa giải.
Câu hỏi tiếp theo sau khi trả lời vì sao Đình Trọng lại phải phẫu thuật lần thứ 2 sau 1 năm chính là việc anh liệu có thể chơi bóng đỉnh cao như giai đoạn trước đó của sự nghiệp.Thực tế nhìn từ trường hợp của đàn anh Nguyễn Tuấn Anh, Đình Trọng hoàn toàn có thể tin tưởng về sự trở lại của mình trong tương lai gần. Nhưng cũng như Tuấn Anh, Đình Trọng cần phương pháp trị liệu đặc thù để đảm bảo mình không dễ bị chấn thương ở cái đầu gối trái như trước nữa.
Một chuyên gia trong lĩnh vực vật lý trị liệu là Lê Tuệ Đăng chia sẻ với Bongdaplus: “Chấn thương sụn chêm hiện tại mà Đình Trọng gặp phải tất nhiên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cậu ấy, nhất là khi Đình Trọng là cầu thủ chuyên nghiệp buộc phải hoạt động với cường đội cao trong thời gian dài. Điển hình có thể sẽ gây tràn dịch khớp gối.
Cũng vì thế mà Đình Trọng phải chấp nhận sống chung với vấn đề này. Nhưng cần có biện pháp để hỗ trợ Trọng trong quá trình thi đấu. Đó là Đình Trọng nên sử dụng đá để chườm sau khi thi đấu với cường độ cao cùng với đó là phương pháp mát xa và kiểm tra đầu gối của cầu thủ.
Bên cạnh đó, Đình Trọng nên nghỉ ngơi từ 2-3 ngày để dịch gối tiêu hao dần trong khoản thời gian ấy. Tất nhiên tùy từng vị trí mà việc chịu sự quá tải và tổn thương của các cầu thủ sẽ khác nhau. Một cầu thủ chạy biên khi phải chạy liên tục thì hẳn nhiên đầu gối sẽ bị tràn dịch nhanh hơn bình thường so với các vị trí ít phải di chuyển với tần suất lớn trong một trận đấu”.
Điều quan trọng là Đình Trọng cần có sự kiên nhẫn trong tập luyện cũng như có sự trở lại theo từng giai đoạn sao cho phù hợp. Đội ngũ y tế cũng cần phải chuẩn bị tâm lý cho những cầu thủ như Đình Trọng bởi chấn thương dây chằng là chấn thương ám ảnh nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Ngoài tâm lý liên quan đến mặt não bộ thì cũn cần phải có tâm lý về cơ nữa.
“Nên nhớ rằng, cơ có khả năng ghi nhớ và phản xạ riêng của nó. Sau một thời gian không thi đấu, phản xạ của cơ sẽ không tốt như khi thi đấu thường xuyên. Có thể vẫn động tác đó, vẫn tư thế đó nhưng nếu không thi đấu trong một thời gian dài thì cầu thủ sẽ vào không chắc bóng, dẫn đến chấn thương trở lại”, anh Lê Tuệ Đăng chia sẻ.
XEM THÊM
Đình Trọng: ‘Đối đầu với Công Phượng chưa bao giờ là dễ dàng’