“Vắt chân lên cổ” vào cuối năm
Nếu như không có dịch Covid-19 thì lúc này, ĐT Việt Nam đã tới Malaysia để chuẩn bị cho lượt trận thứ 6 ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 - khu vực châu Á. Rồi tới tháng 6, ĐT Việt Nam làm khách trên sân của UAE trước khi đá trận cuối gặp Indonesia. Đến cuối năm, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ bước vào hành trình bảo vệ ngôi vương ở AFF Suzuki Cup.
Nhưng kế hoạch kể trên đã bất thành. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các trận đấu trong tháng 3 và tháng 6 của ĐT Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 được lùi đến cuối năm. Và như Phó chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn từng chia sẻ, ĐT Việt Nam đối diện lịch thi đấu rất căng vào giai đoạn 3 tháng cuối năm nay, với từ 7 đến 11 trận chính thức ở vòng loại World Cup 2022 và AFF Suzuki Cup 2020.
Điều đáng nói, cả hai giải đấu trên đều rất quan trọng. HLV Park Hang Seo được giao nhiệm vụ đưa ĐT Việt Nam vào vòng loại cuối World Cup 2022, đồng thời bảo vệ chức vô địch AFF Suzuki Cup. Cũng có nghĩa rằng, vị chiến lược gia 60 tuổi sẽ phải tính toán rất kỹ về lực lượng, phong độ, thể lực của các cầu thủ. Bởi thay vì có thể dàn trải hai mục tiêu này cho một khoảng thời gian dài 9 tháng (từ tháng 3 đến 12) như kế hoạch ban đầu, ông Park sẽ phải hoàn thành mục tiêu bằng những trận đấu dồn dập trong quý 4 năm 2020.
Bài toán thể lực, phong độ
Có một điều cần phải nói, vòng loại World Cup 2022 không phải là giải đấu duy nhất thay đổi kế hoạch vì đại dịch Covid-19. Với riêng Việt Nam, V.League cũng phải tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh nguy hiểm này. Tất nhiên, trên quan điểm của VFF và VPF cũng như nhiều CLB, V.League rồi sẽ trở lại.
Nhưng có hai bài toán đặt ra đối với các cầu thủ. Đó là họ phải duy trì thể lực như thế nào trong giai đoạn nghỉ cũng như phân phối sức, tìm lại cảm giác bóng, phong độ ra sao khi các trận đấu tại V.League hứa hẹn sẽ đá dồn dập để bù lại khoảng thời gian phải nghỉ. “Phải nói thật là thi đấu nhiều cũng ảnh hưởng mà nghỉ nhiều cũng ảnh hưởng”, HLV trưởng Mai Đức Chung của ĐT nữ Việt Nam trao đổi với phóng viên báo Bóng đá.
Ông Chung nói thêm: “Khi cầu thủ không được liên tục thi đấu, cảm giác bóng sẽ không được đảm bảo. Trong giai đoạn này, khi cầu thủ trở về nhà và tập theo giáo án của ban huấn luyện, liệu tất cả có tự giác tập hay không? Khi tập trung trở lại, nếu HLV nóng ruột, đưa khối lượng tập nặng vào để bù lại thì cầu thủ rất có thể gặp tình trạng chấn thương”.
HLV Mai Đức Chung cũng bày tỏ sự trăn trở: “Không chỉ là thể lực đâu, bài toán điểm rơi phong độ cũng là điều mà ông Park phải tính toán kỹ. Đầu năm chúng ta nghỉ nhiều, cuối năm lại chơi dồn dập như thế sẽ là thách thức lớn. Chúng ta cần nhìn lại U23 Việt Nam ở giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020 để có sự tính toán cho phù hợp với ĐTQG. Đấy là thời điểm mà chúng ta tập trung dồn lực cho SEA Games 30 để có HCV dẫn đến thi đấu không như mong đợi ở VCK U23 châu Á 2020 sau đó”.
Cầu thủ cần biết cách duy trì thể lực Thầy Park “đốt” thời gianbằng cách nào? Ông Park xem rất kỹ lịch sử thi đấu của các ngoại binh nhập tịch để có cái nhìn tổng quan về lực lượng, sức mạnh của các đội bóng trong khu vực. Bởi rất có thể cuối năm nay, AFF Suzuki Cup diễn ra như kế hoạch và khi đó, ĐT Việt Nam sẽ đối đầu Malaysia hay Philippines từ vòng bảng. Một điểm đáng chú ý và có lẽ các fan sẽ cảm thấy ấm lòng khi HLV Park Hang Seo còn tranh thủ thời gian này để học tiếng Việt. “Tôi muốn gắn bó lâu dài ở Việt Nam và khi tiếp tục bắt tay vào công việc huấn luyện có thể trao đổi với các học trò dễ dàng hơn. Đây là lần đầu tôi học tiếng Việt và sẽ kiên trì đến cùng để trau dồi kiến thức cho chính mình”, ông Park nói. |
XEM THÊM
HLV Park Hang Seo chia tay trợ lý người Hàn Quốc
Các CLB bóng đá Việt Nam tạm ngừng tập luyện
Nghỉ vì dịch Covid-19, Hùng Dũng học tiếng Anh, thầy Park học tiếng Việt