Những “nạn nhân” của Bùi Tiến Dũng
5 ngày trước trên sân Thống Nhất, trong trận đấu thuộc vòng 1/8 Cúp Quốc gia giữa TP.HCM và SHB Đà Nẵng, thủ môn Bùi Tiến Dũng tìm lại thương hiệu từng làm người hâm mộ Việt Nam nức lòng ở VCK U23 châu Á 2018. Đó là cản phá những quả đá luân lưu. Akinade và Thanh Hải bên phía SHB Đà Nẵng để thủ thành người Thanh Hóa chặn đứng những pha dứt điểm của mình. Trong khi đó, Jelic cũng không thể đánh bại được Tiến Dũng ở loạt đá luân lưu của bản thân.
Như đã nói, đó không phải là lần đầu tiên Tiến Dũng chiến thắng đối phương ở những quả đá luân lưu. Ở bán kết U19 châu Á 2016, Tiến Dũng cản phá thành công quả đá penalty của cầu thủ U19 Nhật Bản. Tại VCK U20 World Cup 2017, Jean Kevin Agustin của U20 Pháp sút hỏng penalty khi đối mặt với Tiến Dũng.
Rồi đến ở giải M-150 Cup, Sambatyotha của U23 Thái Lan cũng bị Bùi Tiến Dũng ngăn cản trên chấm 11 mét. Đỉnh cao sau đó chính là VCK U23 châu Á 2018, khi thủ môn sinh năm 1997 trở thành cơn ác mộng của một loạt tài năng trẻ cùng thời. Đó là Yoon Seung Won (U23 Hàn Quốc), Bashar Resan (U23 Iraq), Ahmad Moein, Sultan Al Brake (Qatar).
Sự thay đổi trong cách bắt phạt đền
“Thông thường, thủ môn sẽ lựa chọn một trong ba cách khi bắt phạt đền. Một là phản xạ khi bóng bắt đầu di chuyển. Hai là phán đoán tư thế chạy đà của đối phương để thực hiện đổ người. Ba là chấp nhận chỉ bắt một góc để dựa theo xác suất”, HLV thủ môn Nguyễn Thế Anh phân tích về kỹ năng bắt phạt đền.
“Ưu nhược điểm của phương pháp đầu tiên là mình có thể nắm được chắc chắn hướng đi của trái bóng để đổ người. Thủ môn có thể thành công ở tỷ lệ cao với những pha dứt điểm đưa bóng sát mình. Nhưng sẽ là quá khó nếu đối phương chủ động đá ra ngoài góc xa. Thủ môn dù có đoán đúng hướng nhưng xuất phát chậm. Tầm với của thủ môn đối với trái bóng là chưa đủ để chặn đứng. Với phương án chấp nhận chỉ bắt 1 góc, hay giới trong ngành gọi là chấp 1 góc thì nặng vào tính xác suất. Thủ môn khi ấy chỉ hy vọng số lượt dứt điểm của đối phương theo hướng mà mình đã phán đoán trước đó càng nhiều càng tốt. Tỷ lệ may rủi của phương án này là cao. Thủ môn bị động trước các tình huống dứt điểm của đối thủ”, HLV thủ môn Nguyễn Thế Anh cho biết.
Anh chia sẻ thêm: “Phương án hiện tại mà các thủ môn thường chọn lựa là phán đoán tư thế chạy đà của đối thủ. Các thủ môn sẽ cố gắng nhận diện tư thế, ánh mắt, bước chạy của đối phương để phán đoán đổ người”. “Lúc đầu, Tiến Dũng lựa chọn phương án đầu tiên. Cậu ấy đợi trái bóng bắt đầu di chuyển để thực hiện đổ người. Đó cũng là cách mà Tiến Dũng thành công ở VCK U23 châu Á 2018. Nhưng khi sang đến ASIAD 2018, cậu ấy bị bắt bài. Điển hình là thất bại trong màn luân lưu ở trận tranh Huy chương Đồng giữa Olympic Việt Nam và Olympic UAE.
HLV Thế Anh nói thêm: “Nhược điểm của phương án phản xạ khi bóng đã di chuyển là thủ môn không thể bắt được những quả đá về góc xa. Sau này ở SEA Games, tôi khi đó là thầy của Tiến Dũng có trao đổi với cậu ấy. Tiến Dũng bắt đầu chuyển sang chọn phương án phán đoán theo cách chạy đà của cầu thủ. Như ở trận đấu tại cúp Quốc gia vừa rồi, cậu ấy đọc tình huống chạy đà của người dứt điểm để đổ người”.
Liên quan đến phương án này, HLV Thế Anh từng chỉ cho Tiến Dũng cách để tăng tỷ lệ thành công ở những tình huống bắt phạt đền: “Với các thủ môn, mình là người bị động hơn trên chấm 11 mét. Do đó, thủ môn cần có những kỹ xảo để cố gắng tạo áp lực lên tâm lý người thực hiện đá phạt. Ví dụ như cầm bóng đưa cho đối thủ, các động tác di chuyển trong cầu môn. Với nhiều cầu thủ trẻ tâm lý chưa ổn định, họ rất sợ những thủ môn có thể hình cao lớn với sải tay dài, như thể bịt kín cả khung thành vậy
Việc phán đoán hướng sút đối phương cũng cần có những bước cụ thể, trong đó sự chuẩn bị là rất quan trọng. Đầu tiên là phải nghiên cứu đối thủ, xem họ thường dứt điểm vào góc nào. Nguyên lý một cầu thủ thuận chân trái thì sẽ dứt điểm vào góc tay phải của thủ môn. Cầu thủ thuận chân phải thì góc sút đa dạng hơn. Thứ hai là kinh nghiệm. Khi cầu thủ bắt đầu đặt trái bóng vào vị trí đá thì họ thường quan sát khung thành của đối phương. Mình hãy chú ý đến ánh mắt của cầu thủ ấy. Rồi những yếu tố khác như tư thế đứng, chạy đà, tiếp xúc bóng. Và chỉ cần khi họ đặt chân trụ dứt điểm là mình phải phán đoán xong để đổ người”.
Sau trận đấu làm người hùng của TP.HCM trước SHB Đà Nẵng, thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng chia sẻ: “Tôi để ý tư thế và biểu hiện cảm xúc của đối thủ. Tất nhiên là sẽ có lúc đúng, lúc sai, không có gì tuyệt đối cả. Đó là những khoảnh khắc. Chỉ cần một khoảnh khắc mình cảm nhận được và đưa ra quyết định của mình thôi”, Tiến Dũng chia sẻ.
Đối phó với những chân sút quái chiêu
HLV thủ môn Nguyễn Thế Anh tiếp tục nói: “Tất nhiên có những cầu thủ kinh nghiệm và quái chiêu hơn. Họ thậm chí trước khi tiếp xúc bóng và thấy thủ môn bắt đầu đổ người thì lập tức bẻ cổ chân để hướng trái bóng sang một góc khác. Hoặc có trường hợp sử dụng các động tác giả để khiến thủ môn bị phản ứng theo động tác ấy, trước khi họ thực hiện pha dứt điểm.
Ví dụ có thể kể đến Cristiano Ronaldo hay ở Việt Nam là Quế Ngọc Hải. Lúc đấy, mình nên vận dụng kinh nghiệm và cả thói quen dứt điểm của đối phương. Ví như Ngọc Hải thường có thói quen sút về bên trái của thủ môn. Với các thủ môn gặp những đối thủ như thế này, mình cần phản ứng chậm hơn một chút, khoan đổ theo góc mà mình phán đoán vội.
Nói thêm về Bùi Tiến Dũng, TP.HCM đã sử dụng anh như một quân bài chiến lược trong việc bắt luân lưu. Ở trận đấu với SHB Đà Nẵng, Tiến Dũng được HLV Chung Hae Soung đưa vào sân ở những phút cuối trận, như một cách chủ động để hướng đến đá luân lưu. Trợ lý thủ môn Trần Minh Quang chia sẻ: “Việc tung Tiến Dũng vào sân, ngoài việc tạo sức ép tâm lý cho đối thủ, tôi tin Tiến Dũng khi bắt luân lưu 11m sẽ tốt hơn Thanh Thắng. Nói thế, bởi những buổi tập vừa qua cậu ấy đã có sự thể hiện rất tốt”.
Đúng như Asmir Begovic, thủ môn đang chơi cho AC Milan từng nói: “Chẳng có cách nào nhanh hơn để thủ môn trở thành người hùng là những pha cứu thua trên chấm 11 mét”. Quả thực, Tiến Dũng đã nhiều lần trở thành người hùng của đội nhà từ những pha đổ người bắt penalty thành công.
Không thể cứ chờ mãi màn “đấu súng”
Không thủ môn Việt Nam nào có tần suất cản phá penalty tốt như Tiến Dũng trong 4 năm trở lại đây. Nhưng Tiến Dũng không thể cứ chờ mãi đến những màn cân não để trở thành người đặc biệt.
Sam Tighe, phóng viên của Bleacher Report chỉ xếp bắt penalty là 1 trong 10 kỹ năng mà một thủ môn hoàn hảo trong bóng đá hiện đại cần phải có. Ngoài tâm lý vững vàng và sự phán đoán tốt khi bắt phạt đền, các thủ môn cần có những kỹ năng khác như: phản xạ, đối phó với bóng bổng, phân phối bóng bằng chân hay bằng tay, phòng ngự bằng chân khi vượt ra khỏi ranh giới vòng cấm địa,… Và Tiến Dũng, nhìn từ những sai lầm của anh, còn nhiều kỹ năng mà anh cần phải hoàn thiện mình.
Với tư cách một người đi trước, HLV Thế Anh tâm sự với Tiến Dũng nhiều điều: “Tôi luôn nói Dũng đừng hưng phấn quá mức khi vào sân. Mình cần phải kiểm soát mọi thứ trên sân bóng. Thủ môn không chỉ hoạt động trong vòng 16m50 mà còn phải chủ động ở phạm vi rộng hơn, trong mọi tình huống”.
XEM THÊM
Thủ môn Bùi Tiến Dũng: Càng nổi tiếng lại càng cô đơn
Bùi Tiến Dũng: Mong manh giữa người hùng và tội đồ
10 bí mật thú vị về Bùi Tiến Dũng: Chuyện chưa kể về lần suýt bỏ bóng đá