“Nhớ da diết”
Mùa giải 2020 vừa mới bắt đầu chưa đầy 1 tháng đã phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phương án bất đắc dĩ phải hoãn mùa giải khiến cho không chỉ giới quần đùi áo số mà những vị trọng tài cũng cảm thấy hụt hẫng. Nếu như với cầu thủ, quãng thời gian mùa giải tạm dừng có thể đem đến niềm vui cho họ bởi sẽ được ở bên gia đình, bù đắp cho vợ con sau quãng thời gian đằng đẵng xa nhà đi tập huấn rồi thi đấu; thì với các trọng tài, họ cảm thấy rất trống vắng. Trọng tài Hoàng Ngọc Hà chia sẻ với giới truyền thông: “Công việc của chúng tôi ít khi phải xa nhà 1-2 tháng mà thường chỉ bận vào mỗi cuối tuần nên vẫn có nhiều thời gian chăm lo cho tổ ấm của mình. Nhưng mùa giải tạm dừng đột ngột đã đem đến nỗi nhớ da diết với những anh em trọng tài tạm thời xa công việc”.
Dù không phải đi làm vào mỗi dịp cuối tuần nhưng giới “Vua sân cỏ” đều xác định giai đoạn này phải có những phương án, bài tập dành riêng cho mình để duy trì thể lực. “Tốc độ các trận đấu bóng đá ngày càng cao nên đòi hỏi các trọng tài phải có nền tảng thể lực, sức bền tốt để theo kịp các pha bóng. Thế nên quãng thời gian này, tôi cũng như anh em trọng tài khác thường xuyên tập duy trì với các bài chạy sức bền. Tuy nhiên, do lệnh cấm tập trung nơi đông người nên đa phần anh em đều trang bị máy chạy tại nhà để duy trì thể lực”, đương kim “Cờ vàng Việt Nam” Phạm Mạnh Long cho biết. Bên cạnh việc duy trì thể lực, các trọng tài Việt Nam đều tự nghiên cứu các video, tình huống liên quan đến trọng tài để từ đó tự nâng cao chuyên môn cho chính mình.
“Hằng tuần, Ban Trọng tài AFC đều gửi email các bài test tình huống và chúng tôi phải hoàn thành các bài tập đó. Đây cũng là cách để mình tích luỹ kinh nghiệm cũng như nâng cao chuyên môn”, ông Long tiết lộ. Được đánh giá là “cây cờ” đẳng cấp bậc nhất của giới trọng tài Việt Nam với 8 lần giành danh hiệu “Cờ vàng” nhưng ông Long nói rằng nếu không tự rèn luyện thì sẽ bị tụt lại phía sau một cách nhanh chóng. “Nghề của chúng tôi rủi ro tương đối lớn, chỉ vài giây không tập trung thì sẽ phạm sai lầm ngay, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng nên với tôi khi rảnh như thế này dù rất nhớ công việc nhưng phải tranh thủ tự rèn luyện, học hỏi bất cứ lúc nào từ video hay từ các đồng nghiệp ngoại quốc”, ông Long khiêm tốn.
Đa phần sống bằng nghề khác
Những người đang hoạt động trong giới trọng tài Việt Nam đa phần đều xem nghề trọng tài là nghề tay trái, hay nói chính xác hơn là đam mê của mình. Nhưng đam mê không có nghĩa không quan tâm đến vấn đề thu nhập. Trợ lý Phạm Mạnh Long chia sẻ: “V.League tạm hoãn cũng buồn lắm chứ nhưng biết làm sao được, cả xã hội đang phải chống dịch Covid-19 nên tôi hoàn toàn không oán trách bất cứ điều gì, dù không đi làm thì không có thu nhập. Đây là trường hợp bất khả kháng nên chúng ta cần chia sẻ với giải đấu”.
Thông thường các trọng tài đều có nghề chính của mình, chẳng hạn như đương kim “Còi vàng” Hoàng Ngọc Hà đang là giáo viên dạy thể chất trường Nam Trung Yên (Hà Nội) hay “Còi vàng” Phạm Mạnh Long là cán bộ của trung tâm bóng đá Hải Phòng nên họ còn có khoản lương cứng. Còn với những người coi trọng tài là nghề chính như trọng tài Ngô Duy Lân, (người đã từng “cứu” 2 cầu thủ ở V.League do bất tỉnh, suýt nuốt lưỡi trên sân cỏ) thì quả thật gay go. Ông Lân là lao động chính của gia đình và những năm gần đây với sự tiến bộ rõ rệt về chuyên môn, vị trọng tài này thường được phân công bắt những trận có độ khó cao. “Thông thường khi mùa giải tạm dừng thì cầu thủ, HLV đều có lương còn các trọng tài thì không bởi chỉ có đi làm nhiệm vụ thì mới được tính tiền công. Chúng tôi hiểu quy luật đó nên không than trách. Mùa dịch này, tôi xoay qua bán online các sản phẩm như giày, tất bóng đá nhưng cũng ế lắm vì có mấy người chơi bóng giữa mùa dịch bệnh đâu”, trọng tài Ngô Duy Lân bộc
ạch. Được đánh giá là trọng tài triển vọng bậc nhất của giới trọng tài Việt Nam hiện tại, “Còi bạc” Ngô Duy Lân (36 tuổi) tin rằng mùa giải sẽ sớm trở lại và họ sẽ tiếp tục sống với đam mê của mình. “Cả nước đang chống dịch rất tốt, tôi tin tưởng bóng đá Việt Nam, V.League sẽ trở lại ở thời điểm sớm nhất”, ông Lân lạc quan chia sẻ.
Các trọng tài không vượt qua được sát hạch tranh thủ rèn lại thể lực Đợt đầu tháng 2 vừa qua, đã có 10 trọng tài không vượt qua đợt sát hạch thể lực và không được phân công làm nhiệm vụ ở giai đoạn lượt đi V.League, hạng Nhất 2020 gồm Nguyễn Trọng Thư (Đà Nẵng), Nguyễn Trung Kiên A (Hà Nội), Hoàng Phạm Công Khanh (TP.HCM), Nguyễn Phương Nam (Hải Phòng, Tạ Công Châu Hòa (Bình Định), Lê Lưu Quang (Bình Định), Lê Xuân Vũ (Huế), Nguyễn Trung Nam (Đồng Tháp), Nguyễn Thành Trung (Khánh Hòa) và Hà Thị Phượng. Thế nên đợt mùa giải tạm nghỉ này họ có thêm thời gian để rèn lại thể lực. Trong số này có rất nhiều gương mặt nổi tiếng như Nguyễn Trọng Thư, Hoàng Phạm Công Khanh hay Nguyễn Trung Kiên A. Họ đều xác định phải rèn thật kỹ vấn đề thể lực để sớm trở lại với công việc, niềm đam mê của mình ở giai đoạn 2 mùa giải này. Giám sát Võ Quang Vinh thường xuyên rèn thể lực Dù đã chuyển sang vai trò giám sát, nhưng cựu “Còi vàng” Võ Quang Vinh vẫn thường xuyên rèn thể lực. Đấy cũng là thói quen từ lúc còn cầm còi của ông Quang Vinh. Những ngày qua phải ở nhà, nhưng ông Quang Vinh vẫn tập luyện thể thao đều đặn. Cựu trọng tài này cho biết: “Hiện tôi sống tại Đà Nẵng. Những ngày này do đang trong đợt phòng chống dịch bệnh, bản thân tôi và mọi người rất hạn chế ra đường. Tuy nhiên, do đặc thù công việc đòi hỏi phải có thể lực tốt, nên hàng ngày tôi vẫn chạy bộ trong khuôn viên nhà ở, bên cạnh đó là rèn các bài tập thể lực để khi giải đấu trở lại vẫn đảm bảo sức khoẻ, nhằm điều hành tốt công việc của mình”. |
XEM THÊM
V.League trước đề xuất bỏ ngoại binh: Đừng đùa với luật!