Cuối tuần trước, Hà Nội FC thông báo sẽ rút Đoàn Văn Hậu khỏi Heerenveen. Ông đón nhận thông tin ấy thế nào liên quan đến cậu học trò mà mình đánh giá là có khả năng và khát vọng?
Đầu tiên chúng ta phải nói đến một sự cố toàn cầu diễn ra trong năm nay. Đó là đại dịch Covid-19. Nó làm gián đoạn giải VĐQG Hà Lan, thậm chí khiến cho giải đấu này bị hủy với 9 trận đấu còn lại không thể tổ chức được nữa. Văn Hậu vì thế không còn cơ hội ra sân cho Heerenveen nữa. Thực tế nếu giải VĐQG Hà Lan tiếp tục diễn ra, Văn Hậu có thể được hoặc không được chơi. Nhưng vì Covid-19 mà khả năng được hay không được chơi kể trên cũng đóng sập hoàn toàn. Hợp đồng giữa Hà Nội FC và Heerenveen xoay quanh Văn Hậu thì cũng có thời hạn thôi (khép lại vào ngày 30/6/2020 - PV).
Thứ hai là nhìn về góc độ tài chính, Heerenveen không phải CLB sở hữu nền tảng tài chính mạnh như Ajax, PSV hay các CLB khác của Đức, Tây Ban Nha. Những CLB này có sự đứng sau chống đỡ từ các nhà tỷ phú, tài phiệt. Bản thân Heerenveen mất rất nhiều sau đợt Covid-19 này. Thật khó để chịu được một nguồn kinh phí từ lương, chế độ cho Văn Hậu với Heerenveen.
Thứ ba là Văn Hậu mới 21 tuổi thôi. Cậu ấy còn nhiều cơ hội lắm. Trong một tình thế bất khả kháng là Văn Hậu không có một bản hợp đồng hay một lời đề nghị nào khác thì tôi cho rằng Văn Hậu quay về Hà Nội FC là không xấu. Nửa năm qua, Văn Hậu không được chơi bóng. Đó là một vấn đề lớn. Ít nhất ở cấp độ như Văn Hậu, cậu ấy cần phải ra sân để duy trì phong độ. Trở về V.League, tất nhiên là có những vấn đề đối với Hà Nội FC, với giải đấu nhưng mấu chốt là Văn Hậu có cơ hội để ra sân.
Theo ông, vì sao Văn Hậu lại ít được chơi bóng ở đội 1 tại Heerenveen? Anh ấy đúng là mới chỉ có 4 phút chơi ở Cúp Quốc gia Hà Lan.
HLV trưởng của họ khác nước mình. Ở đó, họ giao mọi quyền chuyên môn cho HLV trưởng. Các ông chủ rất tôn trọng HLV. Và tôi muốn nhấn mạnh ở triết lý và cách dùng người của mỗi HLV sẽ là khác nhau. Việc họ muốn dùng hay là quyền của HLV trưởng.
Tôi lấy ví dụ như năm vừa rồi, Văn Quyết của Hà Nội FC chơi rất xuất sắc. Có những thời điểm mà cậu ấy xuất sắc nhất trong những cầu thủ xuất sắc. Nhưng HLV Park Hang Seo không sử dụng. Dù Văn Quyết có đáp ứng được tiêu chí về chuyên môn, thái độ về kinh nghiệm. Nhưng HLV Park không dùng vì Văn Quyết không hợp triết lý của ông ấy. Nói như vậy để nói về Văn Hậu. Chuyên môn chưa phải là tất cả trong câu chuyện này. Nó còn phụ thuộc vào vấn đề triết lý và cách sử dụng cầu thủ của HLV tại Heerenveen.
Cá nhân ông đánh giá thế nào về 10 tháng ở Heerenveen của Văn Hậu? Đó là thành công hay thất bại?
Tôi cho rằng cái mất là Văn Hậu không được thi đấu. Còn cái được ở đây thì rõ ràng Văn Hậu học được sự chuyên nghiệp trong bóng đá, từ cách tập luyện, thi đấu, hành xử với đồng đội, HLV rồi cả giao tiếp nữa. Văn Hậu học được rất nhiều điều chuyên nghiệp từ Heerenveen. Tôi theo dõi, trao đổi với Văn Hậu qua facetime thì Hậu có chia sẻ rằng từ chuyên môn đến sinh hoạt, bản thân cậu ấy hay bất cứ cầu thủ Việt Nam nào cũng cần phải học rất nhiều.
Ví dụ như ăn uống phải có sự kiểm soát. Chế độ dinh dưỡng được các bác sỹ chăm sóc, quan tâm đến cầu thủ. Với Văn Hậu, sau khi kiểm tra thì bác sỹ nói với cậu ấy thiếu một số loại vitamin. Và họ cung cấp cho Hậu uống vitamin theo một lượng định sẵn. Rồi trong giai đoạn tập lúc có dịch Covid-19 thì phải thế nào, kiểm soát cân nặng ra sao, cường độ tập luyện phải đảm bảo con số cụ thể gì… Những cái đó ở Việt Nam không có. Bản thân văn hóa bóng đá, ứng xử, tôi nghĩ Văn Hậu học được rất nhiều. Bóng đá Việt Nam, nhìn từ bài học của Văn Hậu, rút ra được nhiều điều cho tương lai.
Ông có nói nhìn từ bài học Văn Hậu để thấy những điều cần rút ra cho tương lai của bóng đá Việt Nam. Vậy, suốt 5 năm qua, bóng đá Việt Nam chưa thành công trong việc xuất ngoại cầu thủ. Theo ông, lý do là vì sao?
Tôi muốn nói về mục đích của những bản hợp đồng. Tôi không nói đến mặt trái của nó. Chúng ta nói về trường hợp Công Phượng đi Hàn Quốc đi. HLV đội Incheon United (Jorn Andersen) chính là học trò của ông Juergen Gede. Tôi và ông Gede có nói chuyện với HLV Incheon về Công Phượng. Và ông ấy nói thực ra muốn lấy cầu thủ ở vị trí khác cơ, chứ không phải tiền đạo như Công Phượng. Ông ấy nói: “Khi họ đưa cho tôi một cầu thủ (Công Phượng - PV) thì không phải người đá ở vị trí mà tôi muốn”. Rồi ông ấy cũng rất cố gắng để tạo cơ hội cho Công Phượng thi đấu. Nhưng việc không được đá đúng sở trường, không phù hợp với triết lý HLV thì Công Phượng không đáp ứng được, không thể hiện khả năng của mình được. Và khi đội đặt lợi ích chung của tập thể lên hàng đầu thì Công Phượng không có cơ hội.
Đừng nói Công Phượng sang nước ngoài chỉ vì mục đích thương mại. Báo chí có phần nặng lời khi nói Công Phượng chỉ sang Nhật để phát tờ rơi. Chẳng có HLV nào lại ngu dốt chặt tay chặt chân của mình cả. Công Phượng giỏi thế nào thì ai cũng biết rồi. Incheon cũng đánh giá rất cao Công Phượng. Nhưng HLV lại không cần vị trí ấy. Nói như vậy để bàn về Văn Hậu. Về chuyên môn, đặc biệt là ở vị trí hậu vệ trái thì ở Việt Nam không có người thứ 2 như Văn Hậu. Nhưng nếu đội đang thiếu tiền đạo mà lại lấy Văn Hậu về thì biết sử dụng ra sao?
Có người nói rằng vì bóng đá châu Âu ở một cái tầm cao hơn hẳn so với trình độ Việt Nam nên Văn Hậu không được trao cơ hội. Vậy nếu là Nhật Bản hay Hàn Quốc, cầu thủ Việt Nam như Văn Hậu có cơ hội không, thưa ông?
Tôi cho rằng có cái đúng và có cái chưa đúng về quan điểm trên. Bóng đá châu Âu ở một tầm rất khác so với châu Á chứ đừng nói là Đông Nam Á. Nhưng không có gì là không thể cả. Cầu thủ Thái Lan đá ở Nhật Bản, châu Âu rồi. Cầu thủ châu Á như Son Heung Min còn đá ở Ngoại hạng Anh. Vấn đề khó hay dễ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngay cả những cầu thủ ngoại từ châu Âu, thậm chí là rất nổi tiếng sang Việt Nam đá cũng không phải là dễ dàng hòa nhập đâu.
Cái lớn nhất tôi cho rằng ảnh hưởng nhất đến thành bại khi sang nước ngoài thi đấu với cầu thủ Việt Nam là trình độ chuyên môn. Cầu thủ kém thì sao người ta lấy. Phải từ cấp độ chấp nhận được trở lên thì người ta mới lấy. Cũng như Văn Hậu, Heerenveen - một CLB nhỏ bé ở tầm châu Âu cũng chẳng vứt tiền qua cửa sổ để lấy Văn Hậu 1 năm, nếu như họ không có ý định sử dụng. Nhưng như tôi đã nói, có những yếu tố ảnh hưởng đến việc Hậu tại Hà Lan. Đúng là có những cái Văn Hậu nhận được ở đây. Và cũng có cái mà Văn Hậu mất khi ra nước ngoài.
Chắc chắn giấc mơ xuất ngoại sẽ thôi thúc khát vọng đối với các cầu thủ Việt Nam. Xin được hỏi ông, từ những bài học của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng rồi Văn Hậu, các cầu thủ Việt Nam cần chuẩn bị điều gì để có được thành công hơn khi xuất ngoại?
Điều kiện tiên quyết phải là chuyên môn rồi thể hình. Một mình bóng đá không thể cải thiện được. Chúng ta cần có sự chung tay của toàn xã hội để cải thiện thể chất. Bản thân cầu thủ Việt Nam có sự nhanh nhẹn, khéo léo, tư quy nhưng vẫn còn thua kém cầu thủ nước ngoài về thể hình, thể chất.
Thứ hai, V.League cần phải có sự chuyên nghiệp hơn, từ cấp CLB cho đến ĐTQG. Ví dụ như không có CLB Việt Nam nào có đội ngũ y tế như Heerenveen. Kể cả đội top đầu Việt Nam thì Ban huấn luyện cũng chỉ có 5-7 thành viên trong một ekip. Như thế thì không ăn thua. Hay như vật lý trị liệu, chỉ 2 người xoa bóp cho 20 cầu thủ ở các CLB Việt Nam. Rồi đội ngũ y tế nữa, có bao nhiều người có bằng cấp chuyên ngành về y học thể thao? Bản thân các học viện, các CLB chúng ta phải chuyên nghiệp hơn. CLB còn chưa chuyên nghiệp thì sao cầu thủ thành công khi xuất ngoại.
Như nhìn Văn Hậu thì thấy. Cậu ấy gia tăng sự bỡ ngỡ trước những yếu tố chuyên nghiệp thực thụ ở nước ngoài. Chính điều đó gia tăng áp lực lên chuyên môn của chính Văn Hậu.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
XEM THÊM
HLV Vũ Tiến Thành: 'Sài Gòn FC chưa nghĩ đến mục tiêu vô địch'
Lấy Anh Đức, bỏ qua Công Phượng, HAGL có sai lầm?
10 tháng tại Heerenveen, Văn Hậu học được nhiều điều không có ở Việt Nam