Bóng Đá Plus trên MXH

HLV Hoàng Anh Tuấn: Cú sốc đạo đức của học trò và viên thuốc lạ từ Tavares
11:18 ngày 07/05/2020
Triết lý cầm quân của HLV Hoàng Anh Tuấn có một sự ảnh hưởng nhất định đến từ cựu HLV Edson Tavares của ĐT Việt Nam. Xuyên suốt 13 năm làm thầy, ông Hoàng Anh Tuấn luôn cố gắng phát triển các học trò của mình. Nhưng cũng có những “nghịch tử” khiến ông phải đau đớn. 

    TỪ CHỨC VÌ HỌC TRÒ VÔ KỶ LUẬT

     Đã gần 1 năm qua, HLV Hoàng Anh Tuấn không hiện diện trên sân cỏ. Tôi tò mò, trong khoảng thời gian ấy, ông làm gì, ở đâu? 

    Hãy để tôi nói về thời điểm gần 1 năm trước. Sau thất bại 1-2 trước U18 Campuchia khiến U18 Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng VCK U18 Đông Nam Á, thì ngay trong đêm đó, tôi đã viết đơn xin từ chức. Đội đã thất bại, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi nghĩ với tầm vóc của bóng đá Việt Nam so với khu vực, thành tích phải cao hơn. Như tôi đã nói, thất bại của U18 Việt Nam không chỉ là chuyên môn. Thua U18 Campuchia không phải là lý do lớn nhất. Thái Lan cũng thua Campuchia. Trước đó, Việt Nam từng thua 0-6 Thái Lan, thua Australia 2-5. Thất bại đó còn là vì tư cách đạo đức của cầu thủ kém. Khi tôi chỉ làm thầy của họ trong một khoảng thời gian thì rất khó. Tôi cần thời gian, cả một quá trình. Lứa cầu thủ Quang Hải, Văn Hậu thì tôi làm tới 3-4 năm. Với từng ấy thời gian, tôi có thể truyền đạt, tư vấn, giáo dục cho họ. 

    Với thất bại của U18 Việt Nam, tôi nhận trách nhiệm đối với dư luận, người hâm mộ. Bản thân tôi biết mình thất bại cái gì. Và tôi nghĩ mình cần có thời gian nghỉ ngơi, chiêm nghiệm lại những gì mình làm. Tôi cần suy nghĩ lại. Rằng sắp tới khi mình trở lại, bóng đá trẻ hay CLB, ĐTQG thì tôi phải làm như thế nào. 

    Ông nói đến tư cách đạo đức cầu thủ kém? 

    Hãy cứ hiểu theo nghĩa đen đi. Chẳng hạn như vô kỷ luật. Ví dụ về một chuyện rất nhỏ, trong thời gian đá giải, cầu thủ không được phép sử dụng điện thoại di động. Đó là quy định của đội bóng. Lứa 1997 của Quang Hải có một cầu thủ vi phạm điều này và cậu ấy không được dự U19 châu Á 2016. Đấy chỉ là một trường hợp. Còn ở U18 Việt Nam, có tới 9 cầu thủ lén dùng điện thoại. Nhưng tôi buộc phải giữ họ lại ở thời điểm ấy. Còn nhiều thứ nữa, tôi không muốn nói ra. Sau cùng, tôi nhận trách nhiệm về mình. 

    HLV Hoàng Anh Tuấn buồn lòng trước tư cách đạo đức của 1 số cầu thủ trẻ - Đồ họa: Hữu Anh

    Đây là giai đoạn mà ông chiêm nghiệm và nghĩ về quá khứ. Phải nói rằng sự nghiệp cầu thủ và HLV của Hoàng Anh Tuấn trong hơn 30 năm qua có 4 dấu mốc quan trọng. Đầu tiên là việc lên đội tuyển Việt Nam 2 vào năm 1995. Tại sao lại có Việt Nam 1 và Việt Nam 2 khi ấy? 

    Lúc đấy, các cầu thủ được tạo điều kiện thi đấu quốc tế. Bởi trước đấy, điều đó rất hạn chế. Còn Việt Nam 2 là những cầu thủ đa số ở phía Nam. Việt Nam 1 là những cầu thủ ở phía Bắc. Nếu gộp cả 2 vào làm 1 thì lại thừa, vì nhiều cầu thủ hay quá. Mà thiếu là chúng ta không có nhiều sân chơi để những cầu thủ hay đấy phát triển nếu chỉ là 1 đội. 

    VIÊN THUỐC LẠ CỦA ÔNG TAVARES

    Người dẫn dắt Việt Nam khi ấy là ông Edson Tavares, một HLV đến từ Brazil. Ấn tượng của ông khi ấy về một chiến lược gia ngoại là như thế nào? 

    Tavares là một người Brazil. Nhưng triết lý của ông lại là kiểu chơi thực dụng châu Âu. Với kinh nghiệm huấn luyện ở nước ngoài, ông ấy mang đến nhiều điều mới mẻ cho cầu thủ Việt Nam. Với từng trận đấu cụ thể, ông ấy lại có sự chuẩn bị đấu pháp, chiến lược riêng. Đặc biệt là cầu thủ chúng tôi tập thể lực ghê lắm. Vì thể lực là quan trọng nhất. Thể lực có tốt thì mới giải quyết được vấn đề chuyên môn trong thời điểm cụ thể. 

    Một điểm khác ở ông Tavares là công tác làm tâm lý cầu thủ. Trong ngày thi đấu, ông đưa cho mỗi cầu thủ một viên thuốc. Ông bảo thuốc này sẽ khiến các cậu đá rất tốt, chạy rất khỏe. Nhưng thực ra chẳng có thần dược nào cả. Đấy chỉ là viên vitamin bình thường thôi. Dẫu sao, ông Tavares đã mang đến điều tích cực ở tâm lý cầu thủ. Đó là một phương pháp rất hay. Tôi muốn nhấn mạnh là Tavares là một HLV nước ngoài. Ông ấy đâu có giống HLV Việt Nam rằng có thể tỉ tê cầu thủ, tâm sự, tư vấn cho họ. Nhưng chỉ cần một viên thuốc, ông ấy đã mang đến sự hưng phấn cho các học trò khi vào sân. 

    Dấu ấn của Hoàng Anh Tuấn có lẽ nghiên nhiều về huấn luyện. 12 năm sau viên thuốc của Tavares, người ta thấy ông giúp Khánh Hòa trụ hạng. 6 năm liên tiếp sau đó, Khánh Hòa và ông được xem như vua trụ hạng. Điều gì đã làm nên một đội bóng phố Biển vững vàng như thế? 

    Không có gì phức tạp ở đây đâu. Tôi khẳng định rằng thời điểm đó, Khánh Hòa sở hữu một lứa cầu thủ rất hay. Thực tế đã có giai đoạn, Khánh Hòa đứng đầu bảng V.League nhưng sau đó kém đi mà thôi. Tôi nhấn mạnh là vào V.League 2010, Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC) vô địch. Hải Phòng đứng thứ 2. Đồng Tháp đứng thứ 3 còn Khánh Hòa đứng thứ 4. Số điểm chỉ cách nhau đúng 1 chiến thắng. Thực tế ở vòng đấu cuối cùng, chưa biết ai sẽ là nhà vô địch. Chúng tôi đáng tiếc hòa 1-1 trước Hòa Phát Hà Nội nên chỉ đứng thứ 4. 

    Nói thứ hạng ở đây là bởi thời điểm đấy, Khánh Hòa có lứa cầu thủ rất tốt. Nhưng nếu như không có biến cố rất lớn với bóng đá Việt Nam vào năm 2007, với những thương vụ chuyển nhượng cầu thủ lên đến tiền tỷ thì Khánh Hòa không bị chảy máu tài năng. Những cầu thủ sau khi rời Khánh Hòa đều có thành tích vô địch như Duy Nam, Hữu Chương ra Hà Nội T&T hoặc Tấn Tài về B.Bình Dương. Nói đến năm 2007, tôi thay ông Lê Hữu Trường. 6 trận cuối, Khánh Hòa phải thắng 4 trận thì mới trụ hạng. Và tôi đã giúp đội làm được điều đó. Cũng lực lượng ấy, sau 1 tháng, đội U21 Khánh Hòa mà tôi dẫn dắt vô địch tại Nha Trang. 

    CHỈ CÒN CÁCH VỊ TRÍ HLV TRƯỞNG ĐT VIỆT NAM ĐÚNG 1 CHỮ KÝ

    Nhưng đến năm 2012, Khánh Hòa sáp nhập với Hải Phòng. Khi ấy, có thông tin ông được mời làm HLV trưởng ĐT Việt Nam. Chức danh rõ ràng là cao hơn, vậy tại sao ông vẫn tiếp tục làm HLV CLB? 

    Không phải sáp nhập đâu. Cụ thể là thế này. Năm 2012, tổng công ty Khatoco Khánh Hòa có bàn giao lại đội bóng cho tỉnh. Nếu không có tài trợ thì không thể duy trì đội bóng được. Cũng năm ấy, Hải Phòng được dẫn dắt bởi ông Lê Thụy Hải xuống hạng. Họ cần một đội bóng chơi ở V.League. Chính vì thế, lãnh đạo mới chuyển giao Khánh Hòa cho Hải Phòng. Thực ra nói trắng là bán đội bóng cho Hải Phòng. Vậy là từ Khatoco Khánh Hòa, đội trở thành Xi măng Hải Phòng. 

    Cùng thời điêm ấy, Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2012. Anh Phan Thanh Hùng xin từ chức. Lúc đó, tôi vốn là trợ lý số 1 của đội được đề xuất làm HLV trưởng. Tất cả mọi thứ đã xong xuôi, chỉ chờ chữ ký thôi. Trong đêm, tôi có bay từ Nha Trang ra Hà Nội. Nhưng khi đó, một sự cố đã xảy ra khiến hợp đồng chưa thể hoàn tất. Cùng thời điểm ấy, lãnh đạo Hải Phòng muốn tôi dẫn dắt đội bóng mới được chuyển giao. Và sau cùng tôi đồng ý dẫn dắt Hải Phòng. 

    Nhưng ông cũng không ở lại quá lâu với Hải Phòng. Phải chăng, ông không phù hợp với đất Bắc? 

    Không phải. Trước khi V.League 2013 (mùa giải đầu tiên của HLV Hoàng Anh Tuấn ở Hải Phòng - PV) kết thúc, tôi đã gia hạn hợp đồng với Hải Phòng thêm 2 năm nữa. Nhưng có một cột mốc liên quan đến chính sách nhà nước. Đó là các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Tổng công ty xi măng Việt Nam không được đầu tư ngoài ngành, tức là không được đầu tư cho bóng đá. Tổng công ty xi măng Việt Nam phải trả đội bóng về cho thành phố Hải Phòng. Đội từ đó không còn tên là Vicem Hải Phòng nữa là thế. 

    Đội cũng có những trục trặc khi đó. Chẳng hạn như đội không có hệ thống đào tạo trẻ đúng nghĩa. Tôi có đề xuất thành lập học viện bóng đá ở Thủy Nguyên. Nhưng lãnh đạo chỉ thỏa thuận miệng chứ không thực thi. Mà đội hình chính của Hải Phòng khi đó có mấy ai là người Hải Phòng. Trong khi người hâm mộ ở đây có tính địa phương rất cao. 

    Thêm vào đó, khi tôi về với đội vào năm 2013 thì hậu quả để lại của thế hệ trước là rất nặng nề. Từ một đội chỉ ra từ 70-100 tỷ/năm, và thậm chí còn hơn, đội không còn giàu có như thế nữa. Các bạn vẫn nhớ Hải Phòng đưa Denilson về đúng không. Không dừng lại ở đấy đâu, Hải Phòng từng sẵn sàng bỏ ra tiền triệu đô la để có Obafemi Martins đấy. Nhưng sau đó thì sao, khi Tổng công ty xi măng Việt Nam trả lại đội bóng cho thành phố, Hải Phòng không còn kinh phí, lương thưởng như trước nữa. Và các cầu thủ dao động, mất kiểm soát vào cuối giải. Đó là lý do tôi phải dừng lại, không tiếp tục được nữa. 

    Hải Phòng từng chơi lớn trước khi ông Hoàng Anh Tuấn về - Đồ họa: Hữu Anh

    Sau đó, ông có dẫn dắt U19 Việt Nam vào năm 2015. Đó có phải là một bước lùi, khi ông đang là HLV trưởng cấp CLB và suýt nữa đã là HLV trưởng ĐTQG Việt Nam? 

    Tôi muốn có sự thử thách. Tại sao tôi đến Hải Phòng, dù có 10 người nói với tôi rằng đừng về Hải Phòng khi ấy. Nhưng tôi muốn về những nơi khó khăn nhất để chứng tỏ khả năng của mình. Khi đó, Trần Quốc Tuấn (Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn) gọi cho tôi, đề nghị dẫn dắt U19 Việt Nam. Lúc bấy giờ, lứa 94-95 của Công Phượng, Xuân Trường… quá nổi. Không ai dám thò tay làm U19 Việt Nam nữa. Mà thực ra nói về lứa U19 Việt Nam lứa 94-95, thực ra đó là U19 của HAGL và điểm thêm một vài cầu thủ xuất sắc ở nơi khác như Trùm Tỉnh, Ti Phông (Khánh Hòa), Quang Hải (Hà Nội). Các cầu thủ ấy tập với nhau 5-7 năm rồi. Còn bản chất một đội tuyển trẻ quốc gia chỉ tập luyện với nhau ở một quỹ thời gian rất ngắn. 

    Mà theo đúng lộ trình, Ban huấn luyện U19 Việt Nam (ekip của Guillaume Graechen - PV) phải tiếp tục làm sau lứa Công Phượng chứ. Nhưng họ không làm. Trong khi nhiệm vụ dành cho tôi là phải tiếp tục có thế hệ nối tiếp lứa cầu thủ kia. Tôi nhìn thấy điều đó, nhưng tôi chấp nhận vì muốn thử thách mình. Và đến giờ, tôi thấy quyết định của mình là đúng. 

    TIẾC CHO MỘT CẦU THỦ HỘI ĐỦ TỐ CHẤT TÀI NĂNG

    Ông rất giỏi trong việc phát hiện và phát triển tài năng. Đâu là điểm mấu chốt để đánh giá cầu thủ giỏi, từ quan điểm của ông? 

    Đầu tiên đương nhiên là chuyên môn. Trong chuyên môn mình nói đơn thuần là kỹ năng cầu thủ buộc phải có. Rồi tư duy chơi bóng. Hai yếu tố này kết hợp thành cầu thủ giỏi. Nếu như tập luyện, huấn luyện bài bản, trong điều kiện tốt thì họ sẽ phát triển. Nếu để ý, đa số cầu thủ U19 Việt Nam mà tôi lựa chọn ở thế hệ 1997-1999 thì họ đều có thể chơi được nhiều vị trí. Quang Hải bản thân là tiền vệ biên nhưng có thể đá 2 cánh, chơi trung tâm hay đá số 10. Đoàn Văn Hậu ban đầu chơi hậu vệ trái thì có thể đá trung vệ, tiền vệ phòng ngự hoặc cầu thủ chạy cánh (wingback). 

    Một ví dụ khác là Hồ Tấn Tài. Cậu ấy có thể đá trung vệ, tiền vệ trung tâm hậu về phải. Văn Hào cũng xuất phát từ tiền vệ biên và tiền đạo nhưng đá được hậu vệ biên. Sự đa năng ấy nằm ở tư duy cầu thủ. Khi cầu thủ có kỹ năng rồi thì từ tư duy, họ thực hiện được yêu cầu mà HLV đưa ra. Tất nhiên trừ trường hợp cá biệt về thể hình như Hoàng Nam, Minh Dĩ. Tôi phải chọn vị trí để họ chơi tốt nhất, phát huy đúng khả năng của họ. 

    Tài năng mà ông phát hiện và thành công nhất, có lẽ là Văn Hậu? 

    Đoàn Văn Hậu lên U19 Việt Nam từ cuối năm 2015, tức là khi ông Juergen Gede chưa xuất hiện. Tôi đã thấy tiềm năng của Hậu từ VCK U17 báo Bóng đá 2015 rồi cơ. Khi đó, Văn Hậu thua các bạn kia 2 tuổi. Tôi thấy ở Văn Hậu có một sự khác biệt. Thể hình của cậu ta có thể đáp ứng được bóng đá hiện đại. Lúc đó, Văn Hậu chưa như bây giờ. Nhưng Hậu đã cao lớn hơn các bạn. Ngoài ra, Văn Hậu chơi ở vị trí không phải dễ tìm ra một cầu thủ giỏi. Đó là hậu vệ trái. 

    Bạn thấy đấy, từ năm 2015 đến giờ, bóng đá Việt Nam có bao nhiêu người thi đấu vị trí đó như Đoàn Văn Hậu đâu. Ngoài ra, tỷ lệ cầu thủ thuận chân trái so với cầu thủ thuận chân phải đã ít. Mà cầu thủ chơi tốt trong nhóm cầu thủ thuận chân trái ấy lại càng hiếm hơn. Tôi xem Văn Hậu đá và đáp ứng được tiêu chí mà tôi muốn chọn lựa, nhất là kỹ năng và tư duy chơi bóng. Ngay từ thời điểm ấy, tôi nghĩ rằng Văn Hậu có thể trở thành mẫu hậu vệ hiện đại. Theo thời gian, tôi nghĩ là đúng. Hậu không phải một cầu thủ bình thường. 

    Trọng Đại là tài năng mà ông Tuấn tiếc nuối nhất - Đồ họa: Hữu Anh

    Vậy đâu là cầu thủ mà ông cảm thấy tiếc nuối nhất trong sự nghiệp huấn luyện của mình?

    Triết lý của tôi khi làm bóng đá trẻ có 3 điều. Thứ nhất, cầu thủ phải có khát vọng chơi bóng. Thứ hai, cầu thủ phải chăm chỉ làm việc. Thứ ba, cầu thủ phải có mục tiêu. Đến giờ, tôi vẫn tiếc nuối Nguyễn Trọng Đại của Viettel. Cậu ấy từng truyền tay tấm băng đội trưởng U20 World Cup với Quang Hải. Trọng Đại hội tụ nhiều yếu tố để là cầu thủ lớn, từ tư duy thủ lĩnh, kỹ năng chơi bóng, tố chất chơi bóng hiện đại. Nhưng Trọng Đại lại thiếu 3 điều mà tôi nói ở trên. Sau thành công ở U19 châu Á tại Bahrain, cậu ấy thay đổi rất nhiều rồi. Đại không có khát vọng, mục tiêu, định hướng. 

    Nếu đó là Quang Hải, cậu ấy nói mục tiêu sẽ là ĐTQG và những mục tiêu khác. Rồi Văn Hậu, Đức Chinh có thể kém hơn nhưng có khát vọng. Tôi không nói cái gì cao xa, vượt khả năng của các bạn ấy đâu. Tôi thật sự tiếc cho Trọng Đại. Cậu ấy là 1 trong 3 cầu thủ của đội U19 Việt Nam được HLV Toshiya Miura gọi vào đội U23 Việt Nam cuối năm 2015. Thời điểm đó, tôi đã nói rằng sẽ sớm có 1 vài bạn lên cấp độ cao hơn ĐTQG. Xa hơn nữa, thế hệ này sẽ vô địch SEA Games…  

    GĐKT LÀ QUAN VĂN, HLV LÀ QUAN VÕ

    Có lẽ, cột mốc ấn tượng nhất trong sự nghiệp của HLV Hoàng Anh Tuấn là đưa U20 Việt Nam dự U20 World Cup 2017. Kỷ niệm của ông ở giải đấu đấy thế nào?

    Tôi và ông Gede từng có một kế hoạch tham dự U20 World Cup, kể từ khi mà ông Gede làm GĐKT hồi tháng 6/2016, tức là trước khi VCK U19 châu Á 2016 diễn ra. Tôi biết ông Gede từng góp phần không nhỏ để giúp Uzbekistan dự VCK U20 thế giới vào năm 2003. Và dựa trên năng lực, tầm nhìn, kiến thức khoa học thực tế, tôi và ông Gede có niềm tin rằng mình có thể làm được một điều đặc biệt cho bóng đá trẻ Việt Nam. Nhưng khi ấy, nhiều người nghĩ tôi và ông Gede bị khùng khi muốn dự U20 World Cup. Dẫu vậy, chúng tôi đã chứng minh rằng mình có thể làm được.

    Ông nhắc đến Juergen Gede, cái tên nhận được sự quan tâm của báo chí khi chia tay vị trí GĐKT của các ĐTQG Việt Nam. Với ông, Gede làm được gì trong 4 năm qua? 

    Tôi đã nói nhiều về ông Gede trên báo chí. Có một điểm nữa mà tôi nói thêm với anh. Đó là tầm ảnh hưởng của ông Gede lên bóng đá Việt Nam là có thật mà trong đó là sự quan tâm đến cầu thủ trẻ. Chúng ta thấy đấy, trước kia, những trận đấu ở giải U17, U19 quốc gia chỉ đá vòng bảng một lượt. Kể cả vào đến chung kết thì 1 đội chỉ đá được có tối đa 10 trận. Trong bóng đá hiện đại, một đội phải chơi tối thiểu 45 trận chính thức và không chính thức.

    Từ thông qua thi đấu, va chạm, các cầu thủ mới học thêm được về chiến thuật, rèn luyện thể lực, tăng cường tâm lý thi đấu. Và đúng là với sự hiện diện của ông Gede, bóng đá trẻ chúng ta đã có sự thay đổi. Vòng bảng đã có thi đấu vòng tròn 2 lượt, số đội tăng lên. Cấp độ U19 nay đã có giải U19 quốc tế, trong khi trước kia chỉ có U21 quốc tế. Dần dần trong tương lai, U15 và U17 cũng sẽ có giải quốc tế. Gede quan tâm vấn đề này và tư vấn với LĐBĐ Việt Nam. Đó cũng là một điểm để phát triển hơn đối với bóng đá trẻ.

    Rồi ngay cả sự xuất hiện của ông Gede tại VCK U23 châu Á 2018. Đó là giải đấu mà U23 Việt Nam vào đến trận chung kết, tạo nên thành tích rất xuát sắc cho bóng đá Việt Nam. Rồi ông Gede giới thiệu một cầu thủ mới toanh, vốn không nằm trong thế hệ cầu thủ 1997. Đó là Phan Văn Đức. Đó là một số những điều cơ bản mà ông Gede đã làm được cho bóng đá Việt Nam. 

    Ông Gede và Hoàng Anh Tuấn là cặp bài trùng ở U18/U19 Việt Nam - Đồ họa: Hữu Anh

    Theo ông, GĐKT và HLV cơ bản phân biệt thế nào?

    Giám đốc kỹ thuật là một vị trí hết sức quan trọng. Tôi nói thế này để mọi người hiểu. GĐKT là quan văn. Còn HLV là quan võ. GĐKT là hoạch định chiến lược, tư vấn, tổ chức, chọn lựa tầm nhìn. Còn HLV trưởng sẽ phối hợp với GĐKT để thực thi. Công việc của GĐKT ở tầm vĩ mô. Còn HLV là người đi theo con đường đã đặt ra để hiện thực hóa mục tiêu cụ thể. Tất nhiên, HLV cũng có chiến lược, chiến thuật nhưng ở một mặt cụ thể. Còn chiến lược, chiến thuật của GĐKT là cho mục tiêu đường dài của CLB hay của một nền bóng đá, tùy theo việc ông ta làm ở CLB hay cho cấp độ các ĐTQG.

    Tôi tò mò, ông sẽ trở lại bóng đá vào lúc nào? 

    Đã có những CLB lớn, Trung tâm, Học viện mời tôi, thậm chí mức lương vô cùng hậu hĩnh mà đáng ra chỉ dành cho HLV ngoại. Nhưng như tôi đã nói, thời gian này, tôi cần chiêm nghiệm lại. Tôi cần làm việc ở một môi trường nghiêm túc, rõ ràng và có mục tiêu cụ thể. Với bóng đá trẻ, đừng đề cập đến thành tích, thắng thua mà đích đến là phát hiện và phát triển những tài năng như Quang Hải, Văn Hậu. Còn với CLB thì họ phải tham vọng vô địch thì mình mới làm. Chứ đội chỉ quẩn quanh trụ hạng và đua top đầu thì tôi không làm. 

    Nói đào tạo có thể kể đến HAGL, khi họ đã làm ra một thế hệ cầu thủ cho ĐTQG sau này. Hay với CLB thì họ phải có chiến lược rõ ràng, bước đi cụ thể, rằng 1-2 năm tới sẽ đứng ở đâu, phát triển thế nào. Rồi bao năm sẽ vô địch, bao năm sẽ hiện diện trên bản đồ bóng đá châu Á. Đó là những mục tiêu và chiến lược để tôi nhìn thấy rằng nếu mình chăm chỉ là việc thì sẽ có một đích đến. 

    Và có một điều chắc chắn. Đó là tôi sẽ quay lại sớm với bóng đá thôi. 

    - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. 

     

    XEM THÊM

    VFF đưa lý do kết thúc hợp đồng với GĐKT Gede

    Juergen Gede & những câu chuyện chưa kể

    HLV Hoàng Anh Tuấn: ‘Tôi và Gede từng bị coi là khùng khi muốn dự U20 World Cup’

    Trí Công • 11:18 ngày 07/05/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay