“Từ nay, đất nước chúng ta là một”
- PV: Rất nhiều người biết đến ông với tư cách một người thầy tận tâm và mang về nhiều thành công cho bóng đá nữ Việt Nam. Thế nhưng trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, cái biệt danh “Chung xe ca” có lẽ nổi tiếng hơn nhiều. Thời cầu thủ của ông như thế nào, thưa ông?
- HLV Mai Đức Chung: Câu chuyện bắt đầu thế này, năm 1965, tôi vào trường Văn hóa Thể thao Từ Sơn, vừa học vừa tập luyện thể thao. Sau một thời gian thì trường có nhận chỉ thị không tiếp tục hoạt động nữa. Một số VĐV sang trường huấn luyện còn tôi tiếp tục học Đại học Thể dục thể thao. Sau khi học xong thì xí nghiệp Xe ca có một đội bóng xin tôi về thi đấu. Hồi đấy, danh thủ Bùi Nghẽn sang trường trực tiếp xin tôi về. Đến năm 1975 thì đội giải tán. Tôi sang thi đấu cho đội Tổng cục Đường sắt.
- Điều kiện tập luyện, thi đấu ở thời điểm ấy có khác nhiều so với hiện tại?
- Khi ấy chúng tôi không thể tập 2 buổi/ngày như bây giờ đâu. Tất cả đều phải đi làm buổi sáng và đến chiều mới được tập. Có những tuần chúng tôi chỉ tập 3 buổi vì phải đi làm. Anh em vẫn gọi nhau là tập duy trì thôi. Nếu thi đấu giải thì tập trung trước 1 tháng, còn không có giải lại về cơ sở sản xuất làm việc.
- Thế hệ 8x, 9x như chúng tôi không thể cảm nhận được khung cảnh miền Nam ngày giải phóng, đất nước được thống nhất cách đây 44 năm. Là một người trải qua bối cảnh ấy, ông cảm nhận thế nào?
- Ngày 30/4/1975, chúng tôi nghe tin miền Nam được giải phóng. Lúc đó ở ngoài Bắc, người dân ra đường với cờ quạt rầm rộ. Từ trẻ con đến người lớn đều ăn mừng. Ai nấy cũng sung sướng, phấn khởi lắm. Cá nhân tôi chứng kiến quang cảnh năm 1975 thấy vô cùng hạnh phúc. Cảm giác ngày ấy như được tháo bỏ một điều gì nặng nề lắm với đất nước vậy. Từ nay, đất nước chúng ta là một, anh em Nam-Bắc chúng ta là một, không còn bị chia cắt nữa.
Ông Mai Đức Chung (khoanh tròn) trong đội hình đội Tổng cục Đường sắt năm 1976
“Bàn thắng đầu tiên thiêng liêng lắm”
- Được biết, 1 năm sau khi đất nước thống nhất, trận đấu chính thức đầu tiên giữa hai đại diện miền Bắc và miền Nam đã diễn ra. Bối cảnh khi ấy thế nào, thưa ông?
- Tháng 11/1976, Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam có liên hệ với Tổng Công đoàn trong TP.HCM. Khi ấy đội Tổng cục Đường sắt được chọn vào Sài Gòn thi đấu với Cảng Sài Gòn. Tôi và anh em cầu thủ cảm thấy vinh dự, sung sướng lắm, không ăn, không ngủ được, hơn cả thi đấu ở nước ngoài. Bởi sau bao nhiêu năm đất nước bị chia cắt, giờ mình mới được vào thi đấu dưới sự chứng kiến của khán giả miền Nam.
Khi bước chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cầu thủ đội bạn và người dân Sài Gòn ra đón tận nơi. Hai bên tay bắt mặt mừng. Chúng tôi phấn khởi lắm, tựa như người đi xa về gặp anh em, bạn bè vậy.
- Ấn tượng của ông trong lần đầu vào Sài Gòn?
- Tôi nhớ nhất khi ra sân Thống Nhất, ngày ấy vẫn có tên là sân Cộng Hòa để tập luyện và thi đấu, khán giả ùa vào sờ chân, sờ đùi cầu thủ. Họ bảo chúng tôi rằng: “U dồ ôi, các chú trông khỏe, đẹp trai, cao to thế này, chắc là thắng đấy”. Chúng tôi chỉ cười và bảo: “Chúng tôi ở ngoài Bắc cũng được ăn tập, thi đấu. Còn thực sự đội không nghĩ đến thắng thua. Điều quan trọng là Bắc-Nam được sum họp một nhà. Trận đấu này là phục vụ bà con”.
- Vậy, trận đấu lịch sử ấy trong ấn tượng của ông đã diễn ra thế nào?
- Chúng tôi đá với đội Cảng Sài Gòn vào chiều tối. Nhưng từ 11 - 12 giờ trưa, sân đấu đã đông nghịt khán giả. Người ta trèo lên cây, tràn vào cả đường pitch để chờ xem thi đấu. Chúng tôi từng sang Đông Âu để tập huấn, thi đấu nhưng chưa bao giờ thấy khán giả đông như vậy. Hồi ấy chưa có thủ tục hát quốc ca. Hai đội chỉ ra sân, bắt tay, tặng hoa. Đội Cảng Sài Gòn có anh Tam Lang được ví như bức tường thép, không ai qua được. Còn anh Ngô, anh Hà thì nhanh, khéo léo kiểu như Ba Đẻn ngoài Bắc. Tôi còn nhớ rằng tôi chơi ở vị trí tiền vệ. Anh Minh Điểm tạt bóng từ biên phải và tôi băng lên rồi bật cao đánh đầu, ghi bàn đầu tiên của trận đấu. Còn ở bàn thứ hai thì anh Thụy Hải sút bóng rất căng từ gần vòng cung giữa sân vào lưới. Đội Tổng cục Đường sắt thắng chung cuộc 2-0.
- Ông cho biết cảm giác khi là người ghi bàn đầu tiên trong trận cầu lịch sử của đất nước?
- Bàn thắng ấy thiêng liêng lắm, vinh dự lắm, bởi không phải ai cũng có thể làm được. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầu thủ của tôi. Tôi vẫn nhớ sau khi ghi bàn, tôi giơ tay, chạy ăn mừng đầy sung sướng. Đó là trận đấu cuộc đời, một trận đấu lịch sử mà bất cứ ai tham gia vẫn còn ghi nhớ mãi.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
HLV Mai Đức Chung và ký ức hào hùng của trận đấu sum họp 2 miền Nam - Bắc
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |