CÁCH MẠNG BẮT ĐẦU TỪ NGƯỜI THẦY
P/V: Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tuyên bố, một trong những việc làm cấp thiết của BĐVN hiện nay là đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ, cả về bề rộng lẫn bề sâu. Ông tiếp nhận thông tin này thế nào?
- HLV Nguyễn Đức Thắng: Tôi rất vui với quyết tâm “xây nhà từ móng” của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Trước nay, bóng đá trẻ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức nên lãng phí không ít cầu thủ giỏi. Có được vị Chủ tịch coi trọng công tác đào tạo trẻ và muốn phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu như hiện nay là may mắn của BĐVN.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tiết lộ, VFF sẽ thuê các chuyên gia đào tạo trẻ từ Liverpool, Ajax sang Việt Nam từ 2 đến 4 năm rồi mời HLV đào tạo trẻ của Việt Nam tới học hỏi kinh nghiệm. Ông đánh giá sao về kế hoạch này?
- Công tác đào tạo trẻ của BĐVN đã đi ngược quy trình của thế giới. Các HLV đào tạo trẻ phần lớn không được đào tạo, thậm chí, có những người không có công việc mới đi làm HLV đào tạo trẻ. Trong khi các nền bóng đá tiên tiến định hướng, quy hoạch và thẩm định chất lượng ngay từ đầu vào cho những HLV bóng đá trẻ. Công tác đào tạo trẻ VN đang thiếu chuyên gia có trình độ cao và nếu thuê được những HLV hàng đầu về để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thì các HLV nội sẽ phát triển mô hình này ở địa phương. Đó là điều tuyệt vời và cuộc cách mạng phải bắt đầu từ những HLV.
U19 HN.T&T vui mừng với chiếc cúp vô địch giải U19 QG 2014
Là người am hiểu bóng đá trẻ, ông nghĩ sao về tiềm năng của các cầu thủ nhí Việt Nam?
- Bất cứ thời điểm nào, nhân tài bóng đá của Việt Nam không thiếu nhưng không phải nơi nào cũng biết phát huy, đánh thức tài năng của các cầu thủ nhỏ. Rất nhiều cầu thủ trẻ có năng khiếu, đá tốt nhưng càng lớn thì càng chìm. Đó là lỗi của các HLV, bởi lúc đầu các cháu chơi bằng tài năng thiên bẩm nhưng các thầy không trang bị được hành trang mới cho các cháu là tư duy chiến thuật, tinh thần đồng đội, triết lý bóng đá và cả đạo đức con người. Ngoài ra, ở những thành phố lớn hoặc các gia đình có điều kiện, bố mẹ không sẵn sàng cho con đi học đá bóng mà chỉ có môi trường trong sạch, đạo đức trong sáng của người thầy mới thuyết phục được gia đình họ. Đó là cả một cuộc chiến đấy!
MỞ RỘNG CHÂN ĐẾ, THÚC ĐẨY CẠNH TRANH
Là HLV bóng đá trẻ thành công nhất năm qua, ông đánh giá thế nào về thực trạng bóng đá trẻ ở Việt Nam?
- Công tác đào tạo trẻ của chúng ta vừa yếu lại vừa thiếu. Các đơn vị đào tạo trẻ tốt và được đầu tư bài bản không nhiều. Ngoài những đội của bầu Hiển, bầu Đức…, nhiều đội bóng gần như bỏ hẳn hoặc trả đào tạo trẻ về các Sở. Bên cạnh đó, số lượng suất đi học lớp đào tạo trẻ cho các đội bóng, địa phương cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Đội V-League được 2 suất đi học mỗi năm và họ đi học cho hết chứ có tham gia đào tạo cầu thủ trẻ đâu. Trong khi đó, những trung tâm đào tạo chỉ có một suất, dù nhu cầu HLV đào tạo trẻ của họ rất cao. Bóng đá trẻ Việt Nam chưa có được sự đồng bộ cần thiết.
Đào tạo trẻ là đầu tư tốt cho tương lai. Theo ông, làm thế nào để nâng cao hiệu quả cho công tác này?
- Đào tạo trẻ càng sâu và càng rộng thì càng tốt. Ví dụ như ở một địa phương, cứ 100 cầu thủ được đào tạo thì có chục cầu thủ khá và vài cầu thủ xuất sắc. Nếu số lượng đào tạo của địa phương đó là 10.000 cầu thủ thì chúng ta cũng có vài ba chục cầu thủ chất lượng cao. Chúng ta càng mở rộng chân đế, càng đào tạo sâu thì số lượng cầu thủ tốt càng nhiều và như vậy, mặt bằng chất lượng của nền bóng đá càng tăng mà các ĐTQG cũng có đầu vào tốt hơn. Việt Nam cần nhiều những ông bầu tâm huyết và đầu tư cho bóng đá trẻ như bầu Hiển, bầu Đức!
Với các cầu thủ trẻ, điều gì là quan trọng nhất, thưa ông?
- Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng của riêng nó. Tuy nhiên, với các cầu thủ trẻ, quan trọng nhất là có động lực. Tôi vẫn nói với các học trò rằng, nếu chơi tốt, các em có cơ hội lên đội U21 rồi V-League và nếu thật sự chứng tỏ được tài năng, các em cũng có thể lên U19 Việt Nam, U23 Việt Nam… Bản thân các cầu thủ có động lực sẽ tập luyện, thi đấu tốt hơn và nếu các đội tuyển mở rộng cửa, sự cạnh tranh cũng cao hơn. Kết quả cuối cùng luôn là sự phát triển bền vững và liên tục.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!