“Tôi lên Seoul, nhưng không phải vì bóng đá”
Thời niên thiếu của ông Park Hang Seo gắn liền với tỉnh Nam Gyeongsang. Bố của ông Park là cảnh sát. Mẹ của ông từng tốt nghiệp trường cấp 3 nữ sinh danh tiếng Jinju. Chịu ảnh hưởng lớn từ bố mẹ nên thuở nhỏ, ông Park học rất giỏi, thậm chí là được xếp vào diện xuất sắc tại trường trung học có tổng cộng 180 học sinh trong vùng.
Tốt nghiệp cấp 2, ông Park mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1 là trường cấp ba Paichai ở tận thủ đô Seoul. Dù học giỏi ở tỉnh là vậy, “chàng trai” Park Hang Seo vẫn không đủ điểm để có thể chen chân vào ngôi trường danh tiếng. Trượt Paichai, ông đành vào nguyện vọng 2 là trường cấp 3 Kyung Shin. Nhưng đó lại là một bước ngoặt của cuộc đời. Sau nửa năm đầu vẫn chỉ biết miệt mài vào sách vở, ông Park bắt đầu để ý rằng ngôi trường mà mình bất đắc dĩ theo học sở hữu một... đội bóng cấp 3 danh tiếng. Suốt nửa năm kế tiếp, ông Park nỗ lực xin tham gia đội.
Thậm chí, cũng chính vì quá tập trung vào bóng đá mà lần đầu tiên trong cuộc đời, học sinh giỏi Park Hang Seo… bị lưu ban mất 1 năm. Nhưng 6 tháng sau khi được chọn lựa, ông Park trở thành cầu thủ quan trọng. Bàn thắng để đời của ông Park Hang Seo cũng xuất phát từ đó, khi ông ghi bàn thắng trong trận chung kết giải bóng đá khối trường cấp 3 toàn quốc năm 1976, qua đó mang về cúp vô địch cho trường Kyung Shin.
Trận đấu duy nhất cho ĐT Hàn Quốc khi chưa là cầu thủ chuyên nghiệp
“Tôi đã không thi đỗ. Nhưng đó lại là… may mắn. Bởi nếu không thì có lẽ bây giờ, tôi đã không theo nghiệp bóng đá rồi”, Han Jun - phóng viên thể thao lâu năm tại Hàn Quốc ghi lại chia sẻ của HLV Park Hang Seo trong cuốn “Triết lý lãnh đạo Park Hang Seo” (sau đó được dịch giả Minh Thu dịch lại bằng tiếng Việt) của mình.
Cũng trong cuốn sách ấy của phóng viên Han Jun, HLV Park Hang Seo thật lòng chia sẻ thời của ông Park, tức là thập niên 1970 - 1980, các cầu thủ như ông bước vào sự nghiệp chuyên nghiệp rất muộn. Quả thực, HLV Park Hang Seo chỉ có vỏn vẹn 4 năm chơi chuyên nghiệp (1984-1988) cùng Lucky Goldstar - tiền thân của FC Seoul hiện tại. Dẫu vậy, chỉ chừng ấy thôi cũng là đủ để ông Park chơi 115 trận, ghi 20 bàn, kiến tạo 8 lần đồng thời giúp CLB này vô địch mùa bóng 1985 cũng như lọt vào đội hình tiêu biểu năm ấy. “Chúng tôi gọi anh ấy là viên pin”, Lee Yong Su - Cựu Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc nói về HLV Park Hang Seo như thế với phóng viên Han Jun. “Đó là một tiền vệ chơi rất ấn tượng, có tinh thần chiến đấu cao, năng nổ trong các pha lên bóng”.
Có một điều đáng chú ý nữa, ông Park được gọi lên ĐTQG Hàn Quốc khi chưa chơi chuyên nghiệp. Trận đấu duy nhất trong màu áo đội bóng xứ Kim chi cũng rất đặc biệt. Ông được đưa vào sân từ băng ghế dự bị khi Hàn Quốc đối đầu với kình địch Nhật Bản vào đầu năm 1983 ở phút 17 và có 73 phút thi đấu đáng nhớ, với tư cách một tuyển thủ quốc gia Hàn Quốc.
Khép lại sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp đến với mình một cách muộn màng, ông Park quyết tâm gắn chặt với bóng đá thông qua nghiệp huấn luyện viên. “Tôi chỉ giỏi duy nhất bóng đá”, nhà cầm quân Hàn Quốc bật cười khi nói về mình như vậy. Và quả thực cũng như khi là cầu thủ, thành công lại đến với Park Hang Seo trong nghiệp cầm quân, ở một giai đoạn mà tưởng chừng như ông nghĩ mình đã hết thời.
XEM THÊM
HLV Park Hang Seo chắp bút cho cuốn sách của Xuân Trường
Xuân Trường có nguy cơ mất suất ở hàng tiền vệ Việt Nam
Đình Trọng xét nghiệm Covid-19, chuẩn bị sang PVF chữa chấn thương