- Phóng viên: Thưa ông, sau nhiều năm tham gia làm bóng đá chuyên nghiệp và chứng kiến nhiều thăng trầm của V-League nói riêng và các CLB nói chung, ông đánh giá thế nào về bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện nay?
- Ông Nguyễn Hồng Thanh: Chúng ta đã áp dụng mô hình chuyên nghiệp được hơn 13 năm, nhưng thực tế thì bóng đá Việt Nam vẫn chỉ đang ở giai đoạn quá độ lên chuyên nghiệp. Một vài đội bóng ở V-League hiện vẫn còn chưa đáp ứng hết được hết các tiêu chí mà CLB chuyên nghiệp chuẩn mực phải có. Ví dụ, đa số các CLB V-League chưa khai thác được lợi nhuận từ bán vé, đồ lưu niệm cho CĐV, dù đây chỉ là điều rất nhỏ ở các nền bóng đá phát triển. Do chưa tìm ra, chưa khai thác triệt để các nguồn thu nên các CLB gần như không có khả năng thu hồi số vốn lớn, thậm chí lên tới cả trăm tỷ đồng/mùa. Do vậy, nhiều CLB đã không thể tiếp tục hoạt động chỉ sau một thời gian cắn răng chịu lỗ.
- Theo đánh giá của ông, tác động từ kinh tế suy thoái đã gây khó khăn nhiều hơn cho mô hình CLB doanh nghiệp như HA.GL, HN.T&T... hay mô hình nhà nước - doanh nghiệp cùng kết hợp như Thanh Hoá, SLNA...?
- Mỗi CLB, mỗi địa phương có hoàn cảnh khác nhau nên khả năng thích nghi với những khó khăn cũng khác nhau. Những CLB theo mô hình doanh nghiệp phải rời cuộc chơi như Hoà Phát Hà Nội, Navibank Sài Gòn cũng có, và CLB theo mô hình nhà nước - doanh nghiệp chia tay bóng đá như Khatoco Khánh Hòa cũng có.
Mỗi mô hình đều còn có những hạn chế riêng. Các doanh nghiệp có thể “bỏ cuộc” sớm hơn do không được hỗ trợ tài chính từ ngân sách như mô hình CLB doanh nghiệp - nhà nước kết hợp. Nhưng mô hình thứ hai cũng không thể duy trì hoạt động khi địa phương siết lại các khoản chi ngân sách hoặc không coi hoạt động đầu tư cho bóng đá là nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân. Cần phải nói là có rất ít địa phương đưa phát triển bóng đá vào Nghị quyết của tỉnh uỷ như Thanh Hóa. Chính điều này đã giúp CLB Thanh Hoá trở thành một thế lực tại V-League lúc này. Hay như B.BD, nhờ tiềm lực tài chính của Tổng công ty Nhà nước Becamex IDC mà họ luôn có trong tay ngân quỹ lớn để chiêu mộ các ngôi sao.
- Như vậy, ông cho rằng các mô hình hiện tại là chưa chuẩn mực? Vậy giải pháp là gì, thưa ông?
- Trước hết, trong nhiệm kỳ tới, VFF với tư cách là cơ quan quản lý, điều hành các hoạt động bóng đá Việt Nam cần phải đưa ra được cơ sở lý luận xác định rõ thế nào là một CLB chuyên nghiệp thực sự. Từ đó, những tiêu chí cụ thể sẽ được đặt ra sao cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo quan điểm của tôi, để có thể phát triển bền vững, trước hết CLB phải là một chủ thể độc lập, không chịu tác động của bất cứ “công ty mẹ” nào. Bên cạnh đó, CLB cũng chủ động khai thác tối đa các nguồn thu từ hoạt động thương mại, bản quyền truyền hình... để tự “nuôi” được mình. Có cái nền móng vững chắc là mô hình chuẩn thì mới tiến lên chuyên nghiệp thật sự được! Tôi hy vọng, VFF sẽ làm được điều này trong nhiệm kỳ VII sắp tới!
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ với độc giả báo Bóng đá!