Chỉ 22 phút bóng lăn ở trận đấu giữa Hải Phòng và HAGL, Tuấn Anh sau pha va chạm với chính đồng đội Đăng Tuấn khi nỗ lực lùi về tranh chấp bóng đã dính chấn thương. Tiền vệ người Thái Bình che mặt nằm im bất động. Anh phải rời sân trên băng cáng trong nỗi lo của các thành viên Ban huấn luyện HAGL.
“Theo chẩn đoán ban đầu thì Tuấn Anh không bị đứt dây chằng, chỉ bị giãn gân kheo”, Trưởng đoàn Tấn Anh dẫn lời bác sỹ Đồng Xuân Lâm khi trao đổi với Bongdaplus. “Để chắc chắn, chúng tôi sẽ đưa Tuấn Anh cùng với Tăng Tiến (bị bong gân cổ chân) lên Hà Nội chụp phim MRI”.
Việc bị giãn gân kheo chân trái cũng đủ để Tuấn Anh có thêm… 1 vị trí trong tiền sử chấn thương vốn dĩ đã quá “đồ sộ” của bản thân mình. Suốt 6 năm qua, chàng tiền vệ trẻ đã phải đối mặt với tổng cộng 12 chấn thương các loại, từ phần bụng, chân trái cho đến chân phải. Ước tính, Tuấn Anh đã phải nghỉ thi đấu 14 tháng/72 tháng tính từ năm 2012 cho đến nay.
Tuấn Anh phải rời sân trên băng cáng sau 22 phút thi đấu trước Hải Phòng - Ảnh: Đức Cường
Cũng vì chấn thương mà Tuấn Anh đã lỡ hẹn với rất nhiều giải đấu quan trọng trong khởi đầu sự nghiệp. Năm 2012, Tuấn Anh đứng trước ngưỡng cửa được sang Olympiakos thử việc theo lời giới thiệu từ HLV Arsene Wenger của Arsenal. Nhưng đen đủi thay, anh đã phải mất 6 tháng chữa trị vì đứt dây chằng và vỡ sụn chêm gối trái.
Tuấn Anh đã có một năm 2015 đóng vai trò như một “máy cày” ở HAGL, với 25/26 trận ra sân tại V.League. Tại vòng loại U23 châu Á 2016 rồi VCK U23 châu Á 2016, anh đều có mặt. Nhưng phải nói thêm rằng trong quá trình chuẩn bị cho VCK U23 châu Á diễn ra đầu năm 2016 tại Qatar ấy, tiền vệ này đã bị viêm cơ nhị đầu đùi.
Hệ quả anh không thể thi đấu 2 trận đấu tiên ở VCK U23 châu Á 2016 ở Qatar. Xui xẻo hơn, chấn thương ấy khiến Tuấn Anh cũng chẳng thể góp mặt ở SEA Games 2015 - kỳ SEA Games đáng lẽ là đầu tiên với cầu thủ này.
Lỡ hẹn SEA Games 2015, Tuấn Anh tiếp tục mất cơ hội ở AFF Cup 2016. Dù đã rất cố gắng chờ đợi anh có thể kịp bình phục song HLV Nguyễn Hữu Thắng (khi đó dẫn dắt Việt Nam) vẫn đành bất lực gạch tên cậu học trò ở danh sách đăng ký cho giải đấu. Tuấn Anh sau đó cũng phải mất 4 tháng điều trị sau ca phẫu thuật rách sụn chêm gối phải. Anh trở thành trường hợp hiếm thấy trong lịch sử bóng đá Việt Nam, khi phải phẫu thuật cả 2 chân ở tuổi 22.
Tuấn Anh dính tới 12 chấn thương và phải nghỉ 14 tháng kể từ năm 2012 cho đến nay - Ảnh: Đức Cường
Chấn thương vẫn chưa chịu buông tha Tuấn Anh. Dù kịp có kỳ SEA Games đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của mình nhưng hành trình trên đất Malaysia cùng U23 Việt Nam của Tuấn Anh lại thật quá ngắn. Sau giải đấu thất vọng với việc U23 Việt Nam bị loại ngay ở vòng bảng, Tuấn Anh gặp đến 4 chấn thương trên cơ thể, bao gồm: đau cơ thẳng bụng và chéo bụng, đau cơ đáy chậu, đau cơ khép lớn, gặp vấn đề ở đầu gân cơ lược, cơ vuông đùi phía bên chân trái.
Nỗ lực điều trị vật lý trị liệu với sự hỗ trợ tận tình của bác sỹ Đồng Xuân Lâm bên phía HAGL giúp Tuấn Anh có thể ra sân ở những trận đấu cuối cùng tại V.League 2017. Anh được gọi lên triệu tập ở đội U23 Việt Nam chuẩn bị cho giải M-150 Cup và VCK U23 châu Á 2018. Nhưng mọi thứ mà Tuấn Anh làm được vẫn chỉ là chạy hồi phục, tập riêng. Vấn đề về thể lực khiến anh lỡ hẹn với 2 giải đấu lớn - khi U23 Việt Nam giành HCĐ giải M-150 Cup ở Thái Lan và ngôi á quân lịch sử tại VCK U23 châu Á 2018.
Hôm qua, sau một thời gian kéo dài gần 2 tháng thi đấu bình thường trở lại, Tuấn Anh lại chấn thương. Chưa rõ anh chỉ dừng lại ở việc bị giãn gân kheo hay không, nhưng thêm một lần Tuấn Anh lại khiến người hâm mộ xót xa vì đôi chân pha lê của mình.
Infographic chấn thương của Tuấn Anh