CẦU THỦ PHỦI, ANH LÀ AI?
Chẳng hiểu từ khi nào, bóng đá phong trào được gọi là bóng đá “phủi”, và những cầu thủ đang nhiệt cuồng thi đấu trên sân “phủi” được gọi là “dân phủi” hay cầu thủ “phủi”. Phủi có nghĩa là gì, không ai đưa ra lý giải thuyết phục, nhưng nhắc đến “phủi” là nói đến bóng đá phong trào, cái hạt mầm tạo nên nền bóng đá chuyên nghiệp.
Cầu thủ chuyên nghiệp có thể xuất thân từ bóng đá “phủi” bởi không từ những sân bóng nơi góc phố, trên vỉa hè, trên thửa ruộng mới gặt… thì từ đâu người ta tìm được cầu thủ chuyên nghiệp tiềm năng. Có người sẽ đi lên bóng đá chuyên nghiệp, biến đây thành nghề chính của cuộc đời. Có người mãi mãi gắn bó với sân “phủi”, chỉ để thỏa mãn niềm đam mê.
Chất cuộc sống đậm đặc trong cụm từ “bóng đá phủi”. Ông giám đốc, anh kỹ sư, ngài bác sỹ, đồng chí công an hay chàng thanh niên cửu vạn chợ người đều xách giày ra sân “phủi” sau giờ làm việc. Địa vị xã hội, khoảng cách giàu nghèo bị san phẳng, chỉ còn những FC Du Lịch, FC Triều Khúc, Tin Lớn & Anh Em, Văn Minh, MV Corp, Top Group, Thành Đồng, Tô Ký, Tứ Liên, Moon… hăng say tranh đấu ở giải Hà Nội Phủi League (HPL - hiện ở mùa thứ ba).
Tình yêu bóng đá đã khiến dân “phủi” lột xác trên sân bóng. Bỏ qua công việc bận rộn của một giám đốc ngân hàng BIDV, ông Lê Quang Thanh (Moon) vẫn hăng hái thi đấu bất chấp cái tuổi 53 “trẻ trung” của mình. Khi sút bóng, ông có nghĩ gì đến nợ xấu, đến tỉ giá hay lãi suất qua đêm không? Hoàn toàn không, chỉ có bóng đá và niềm vui chơi bóng.
Từ trái sang: Tạ Xuân Hùng (lái xe giao hàng), Lê Quang Thanh (GĐ ngân hàng), Thái Nam Giang (cán bộ Bộ GTVT) tuy ngành nghề khác nhau nhưng cùng đam mê cuồng nhiệt vì bóng đá phủi
Hay như Thái Nam Giang, tức Giang “say” của Thành Đồng - đội bóng giàu thành tích và có lượng fan lớn nhất giới phủi Hà Thành vì lối chơi hoa mỹ - vốn là một cán bộ của PMU 2 (Bộ GTVT). Phải gạt đi bao sức ép của tiến độ thi công, của chất lượng công trình để tả xung hữu đột trên sân cỏ nhân tạo cùng Thành Đồng. Chính nhờ tài đá bóng mà người ta mới biết đến Giang “say”, chứ không phải một Nam Giang, cán bộ của PMU 2.
Một thần tượng khác của giải HPL là Tạ Xuân Hùng, với 2 lần trở thành “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”. Lẫy lừng trên sân “phủi” nhưng Hùng “con” chỉ là một lái xe, kiêm giao nhận hàng hóa của công ty Văn Minh, đơn vị thâu nhận cựu tuyển thủ QG Lê Quốc Vượng lúc sa cơ vào làm việc rồi thi đấu trong màu áo FC Văn Minh.
Hùng “con” và đồng đội có lẽ là những người phải di chuyển nhiều nhất ở giải HPL, bởi mỗi cuối tuần, FC Văn Minh lại bắt xe từ Vinh ra Hà Nội để thi đấu, rồi lại quay về cho một tuần làm việc bình thường. 600km cho một trận đấu không lấy đi sức lực, niềm vui và tình yêu cống hiến trên sân “phủi” của họ.
Một đặc điểm dễ nhận thấy của bóng đá “phủi” là đa phần cầu thủ đều là dân “cổ cồn trắng”, xuất thân từ những sân bóng phong trào thời học sinh - sinh viên. Giờ họ là dân trí thức, nhà khoa học, nhân viên văn phòng, dân kinh doanh, nhà môi giới tài chính và chứng khoán, nhà quản lý… rất đa dạng, biến sân “phủi” thành một xã hội thu nhỏ chứ không thuần túy cầu thủ như bóng đá chuyên nghiệp.
Cầu thủ chuyên nghiệp ra thi đấu vì nghề, để kiếm tiền. Còn “dân phủi” thi đấu vì đam mê thuần túy, thậm chí phải bỏ tiền, hy sinh thời gian để theo đuổi đam mê, trong khi những rủi ro như chấn thương… thì như nhau. Có thể nói, cầu thủ “phủi” dấn thân nhiều hơn, đánh đổi nhiều hơn để có được những phút tung hoành trên sân cỏ.
Một phút thi đấu của cầu thủ chuyên nghiệp đem lại một khoản tiền nhất định, còn một phút thi đấu của dân “phủi” lại tước đi của họ một chút tài chính, một chút thời gian dành cho gia đình, công việc… Ngay trong thời điểm này, khi không khí Giao thừa gần kề, trăm công nghìn việc đòi hỏi, họ vẫn cố thu xếp để có được một trận Tất niên thì mới yên tâm ăn Tết.
ĐỘ ĐIÊN CỦA BÓNG ĐÁ “PHỦI”
Chuyện cầu thủ chuyên nghiệp phải ra sân thi đấu khi con ốm hay nhà có việc là chuyện quá đỗi bình thường. Song đối với dân “phủi”, ngay cả những sự cố như thế cũng không thể cản trở họ xách giày ra sân, bất chấp, bị nhiều người chê là “điên”, “ham đá bóng hơn chăm con”…
Ở vòng 5 mùa HPL thứ 3, chẳng ai quên được chuyện trung vệ Nguyễn Tiến Đạt của FC Triều Khúc vẫn cuồng nhiệt thi đấu trong khi vợ sốt cao đùng đùng, phải nhập viện truyền nước biển, trong khi cô con gái 3 tuổi đứng ngoài sân và được CĐV trông giùm.
Điên vì bóng đá “phủi” như thế, nhưng may là Tiến Đạt chẳng bị vợ trách mà còn ủng hộ. Cứ mỗi khi chồng thi đấu, vợ lại bế con đứng bên ngoài hò reo cổ vũ. Và nếu đội của chồng thắng trận, mặt cô vợ lại hân hoan như khi bán hết mẻ hàng vịt nướng.
Hay như ông giám đốc BIDV Quang Thanh kể trên, bất chấp cái tuổi 53 đáng sợ, ông vẫn đá bóng đến nỗi chấn thương, phải sang Singapore để chữa trị. Nào đã yên, nằm trên giường bệnh từ hải ngoại, ông vẫn “roaming” nấu cháo điện thoại để theo dõi tình hình đội Moon thi đấu và góp ý chiến thuật. Mê bóng đá như thế còn hơn cả mê huy động vốn ngân hàng ấy chứ.
Những chuyện “điên điên, khùng khùng” như thế chẳng thiếu ở các giải phủi trong nước. Ví dụ như chuyện FC Du Lịch tham dự HPL chẳng hạn. Vốn đóng quân ở vùng biên viễn Lào Cai xa xôi, ấy thế mà, cứ cuối tuần FC Du Lịch lại di chuyển gần 700km đi xuống Hà Nội để ra sân.
Đều như vắt chanh, 11 lượt đấu tương đương với 7.700km di chuyển, tương đương với không biết bao nhiêu tiền bạc, thời gian của 20 con người để đổi lấy 10 trận thua, phải xuống hạng và danh hiệu “Đội bóng Cống hiến”. Thế mà, FC Du Lịch vẫn hoan hỉ, tham gia đến tận trận cuối cùng, thậm chí còn tổ chức 2 buổi Gala tổng kết ở Hà Nội và Lào Cai.
“Cơn điên tập thể” này có lẽ chẳng là gì, bởi cái mà FC Du Lịch có được chính là thỏa mãn niềm đam mê chơi bóng, được sống trong bầu không khí ngày hội sân cỏ, được làm quen, mở rộng quan hệ với nhiều đồng bệnh cũng mắc chứng “điên vì bóng đá” như Thành “Kid” bay từ Đà Nẵng ra chỉ để cổ vũ đội bóng cũ Top Group, rồi sau trận lại bay về trong đêm để sáng mai kịp đi làm…
Khánh Alves (một chủ doanh nghiệp lớn) cũng rất đam mê bóng đá phủi
SỨC XUÂN CỦA CỘNG ĐỒNG BÓNG ĐÁ “PHỦI”
Xem bóng đá Ngoại hạng Anh, chúng ta thường chứng kiến cảnh cả gia đình đến sân để cổ vũ đội bóng yêu thích. Ngày hội bóng đá ở đó đậm tính gia đình, hội hè và ấm cúng. Những giá trị này, hoàn toàn có thể tìm thấy ở những trận đấu phong trào thuộc giải HPL.
Khánh “Alves” của MV Corp là một “dân phủi” gắn liền với trái bóng những sân đấu ấu thơ ở Can Lộc (Hà Tĩnh) đến những đấu trường “phủi” tại Hà Nội thuở sinh viên. Khánh khó có thể đảm nhiệm tốt vai trò của một chủ doanh nghiệp, một thủ quân của MV Corp nếu không có bà xã xinh đẹp Hoàng Liên.
Nàng WAGs “phủi” này, cũng giống như cô vợ của Tiến Đạt (FC Triều Khúc), thường xuyên dẫn con gái ra sân để cổ vũ chồng thi đấu trong nhiều năm liền. Không những thế, nàng WAGs “phủi” Hoàng Liên còn gia tăng tính đoàn kết trong đội bóng của ông xã bằng những bữa chiêu đãi ăn mừng chiến thắng tại gia hay cùng các WAGs khác tổ chức đi du lịch, hoạt động tập thể…
Rất nhiều những tình yêu, những mối duyên đẹp đã khởi từ sân bóng “phủi”. Để rồi những mối tình đó được phát triển theo trái bóng lăn trở thành một gia đình “phủi”, tạo dựng nên một tập thể “phủi”, một cộng đồng “phủi”, làm chỗ dựa cho sự phát triển mạnh mẽ của môn bóng đá “phủi”.
Không những thế, vượt qua tầm gia đình, bóng đá “phủi” còn mang âm hưởng ngày hội của cả cộng đồng dân cư. Ví dụ như ở HPL Season 3, FC Triều Khúc đã bất ngờ đánh bại Hanel ở vòng 2. Và lập tức cả làng mở hội. Làn sóng CĐV áo vàng tập trung ở nhà văn hóa làng, rồi cùng đi bộ đến sân, đi đến đâu là rộn ràng huyên náo đến đó.
Người làng Triều Khúc nổi tiếng yêu bóng đá nên khi đội bóng gồm 100% thanh niên làng đi đá giải, họ coi đó là một lễ hội. CĐV đứng tràn cả xuống đường pitch, đánh trống hò hét, thổi kèn vang rền cả một khoảng trời. Cổ vũ hăng quá, nhiều CĐV còn đập méo cả biển quảng cáo của BTC.
Chưa hết, dân làng lập tức quyên quỹ ủng hộ đội bóng. Người đóng 1 triệu đồng, người 500 ngàn, các cụ già cũng ủng hộ 100-200 ngàn. Ai cũng hể hả khi đội bóng giành chiến thắng trong đó toàn “thằng Công con ông Thêu, thằng Đạt con nhà Điệp”, tinh những con cháu trong làng. Xem chúng nó đá “phủi” vui đáo để chẳng kém những màn hát “Con đĩ đánh bồng” làm nên danh tiếng của một làng Triều Khúc “chân chỉ hạt bột”.
Cứ như thế, sức Xuân của phong trào bóng “phủi” cứ bừng bừng như ngọn lửa gặp gió Đông. Chính sức sống mãnh liệt đó đã khiến tinh thần cao đẹp của môn bóng đá xây dựng nên những con người tràn đầy sức khỏe, tinh thần lạc quan cao thượng, ý niệm sống vì cộng đồng, vì niềm đam mê cứ lan tỏa mãi.
Đẹp lắm, bóng đá “phủi” ơi!
HPL là gì? HPL là tên viết tắt của giải Ngoại hạng Hà Nội (Hanoi Premier League), ra mắt lần đầu tiên năm 2013, quy tụ 12 đội bóng mini có truyền thống, tổ chức và chuyên môn hàng đầu tại Thủ đô. Đến năm 2014, HPL có thêm các đội bóng từ địa phương khác tham dự như Q9 (Nam Định), Moon (Thanh Hóa), Văn Minh (Nghệ An) và năm 2015 có Du Lịch (Lào Cai). Các đội đá vòng tròn tính điểm một lượt theo thể thức League với 11 vòng đấu, chọn ra nhà vô địch và hai đội xuống hạng. Từ dân lao động đến trí thức, nhân viên văn phòng và cầu thủ chuyên nghiệp đều có thể tham dự. Mỗi đội bóng được phép đăng ký tối đa 7 cầu thủ chuyên nghiệp và cho phép vào sân cùng lúc 3 người. Giải trở thành một hiện tượng trong đời sống thể thao tại Hà Nội khi ở mùa giải thứ 2, thứ 3 luôn xảy ra tình trạng “vỡ sân”. Theo ước tính của BTC, ở một số vòng đấu, lượng khán giả tới sân lên tới con số 7.000 người. |
Khi con gái yêu bóng đá phủi
Là fan của Liverpool nhưng khi đi xem HPL-S2 lần đầu, Hương Giang đã “trót yêu” đội bóng Thành Đồng bởi lối đá ban bật đẹp mắt, đầy quyến rũ. Kể từ đó, cô sinh viên ĐH Ngoại Thương chưa bỏ lỡ 1 trận đấu nào của Thành Đồng ở mọi giải đấu. Dù nắng hay mưa, cô gái này luôn đứng ngoài đường biên hò hét cổ vũ cho cầu thủ đội nhà.
Thấy Fanpage đội bóng “mốc meo quá”, Hương Giang nhận luôn vai trò làm admin để cập nhật thông tin, hình ảnh Thành Đồng cho các fan theo dõi. Không chỉ vậy, Giang còn lo nhiều chuyện vặt khác của đội như chuẩn bị hồ sơ tham dự các giải, mua nước uống, giặt quần áo...
Đạt “Triều Khúc” (trái) vẫn hăng say thi đấu khi cô vợ nhập viện, còn con gái ngủ ngoài sân
Những cầu thủ Thành Đồng thường gọi Giang là cô phóng viên dễ thương khi luôn là người chụp ảnh, quay lại video của đội. Để đảm bảo sức khỏe và thời gian cho học tập, Hương Giang cũng phải rất vất vả khi sắp xếp thời gian đi xem, cổ vũ Thành Đồng.
Những trận đấu của Thành Đồng cũng thường diễn ra vào cuối tuần nên Giang phải hy sinh cả những buổi hẹn hò với bạn bè, người yêu, hay những bữa cơm bên gia đình. Với cô, được nhìn thấy nụ cười của các cầu thủ trong đội là điều hạnh phúc nhất.
Dân nhà nghề cũng mê đá “phủi”
Bóng đá “phủi” cung cấp ngọc thô cho bóng đá chuyên nghiệp từ lâu nay. Nhưng đôi khi, sân chơi phong trào này còn cung cấp cả những viên ngọc đã mài dũa cho đấu trường đỉnh cao nữa. Điển hình như trường hợp của tiền đạo Nghiêm Xuân Tú của Than Quảng Ninh.
Chân sút sinh năm 1988 có hỗn danh trên sân “phủi” là Tú “ngựa” này vốn nổi như cồn trong giới “phủi” Hà Nội. Cơ may đến với Tú vào tháng 5/2013 khi anh được CLB Thanh Hóa chiêu mộ. Trong trận đầu tiên tại V.League, Tú “ngựa” đã làm rạng danh giới “phủi” bằng bàn thắng vào lưới SLNA. Và cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp cứ thế đến với Xuân Tú một cách tự nhiên,
Nghiêm Xuân Tú
Song niềm đam mê ở sân bóng “phủi” vẫn rất mạnh trong Tú “ngựa”. Tại 3 giải “phủi” Hà Nội, anh lại đầu quân cho FC Cường Quốc - đội bóng “phủi” đã làm đà bật cho anh nhảy lên V.League.
Các fan của bóng đá “phủi” cũng chẳng lạ gì Thành Lương, tuyển thủ quốc gia đang sở hữu 3 “Quả Bóng Vàng”. Hễ khi nào rảnh rỗi, là Lương “dị” lại xách giày ra sân “phủi” cũng những đồng đội của mình ở Hà Nội T&T như Văn Quyết, Ngọc Duy…
Có thể kể đến các gương mặt V.League đang hăng say đá bóng “phủi”. Như Khánh Lâm (Hải Phòng), Đức Trung (HN. T&T) đầu quân cho đội Tin Lớn & Anh Em…