Sáng nay, tại khách sạn Melia Hà Nội, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 11 năm ngày thành lập (17/5/2011-17/5/2022).
Tham dự lễ có sự hiện diện của ông Trịnh Đình Dũng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ;
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Văn Hùng - Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân; GS Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội….
Buổi lễ kỷ niệm 11 năm ngày thành lập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam còn vinh dự nhận được các lẵng hoa chúc mừng của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và nhiều đồng chí lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh.
Về phía cơ quan quản lý báo chí có sự tham dự của ông Vũ Quý Cường: Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông. Và hơn 100 Tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng đại diện lãnh đạo các cục, vụ.
Về phía Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội; Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội; Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội...cùng lãnh đạo 200 trường Đại học, cao đẳng trên toàn quốc; lãnh đạo các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, cùng đông đảo các chuyên gia thân thiết của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trò chuyện cùng với các đại biểu tham dự buổi lễ.
Đại diện Tạp chí Bóng đá, Phó Tổng biên tập Thường trực Thạc Thị Thanh Thảo cũng đến chia vui với các đồng nghiệp Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày kỷ niệm đặc biệt. Bà Thạc Thị Thanh Thảo đã gửi lời chúc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển, đáp ứng kỳ vọng của bạn đọc và trở thành một thương hiệu mạnh trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.
Phó Tổng biên tập Thường trực Tạp chí Bóng đá Thạc Thị Thanh Thảo đến chia vui với các đồng nghiệp Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ôn lại chặng đường 11 năm xây dựng và phát triển.
"Ngày 17/5/2011, chúng tôi vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động số 748. Cũng chính ngày này, một cơ quan báo chí đã ra đời với tên gọi "Báo điện tử Giáo dục Việt Nam".
Ngày đầu chập chững ấy, với hơn 30 nhân sự trẻ trung, đầy nhiệt huyết với những người đứng đầu chỉ ngoài 30 tuổi đã bắt tay vào chuẩn bị từ những thứ nhỏ nhất như thuê địa điểm, mua sắm trang thiết bị và những công việc lớn hơn như định hình hướng đi về nội dung, chiến lược thu hút nhân sự, thu hút tài chính.
Trải qua thời gian, chọn cách đấu tranh trực diện, không ngại đụng chạm vào các vấn đề nóng, chúng tôi đã được bạn đọc biết đến như là một cơ quan báo chí chống tiêu cực với những tuyến bài theo sát những diễn biến thời sự, xã hội như loạt bài viết về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; tuyến bài về khu nhà bề thế trên khu đất rộng lớn của Bí thư tỉnh ủy Hải Dương, loạt bài phê phán về những phát biểu, chỉ đạo mang tính dân túy của một số quan chức cấp cao; các tuyến bài viết về những sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, y tế, giáo dục, về bằng cấp giả của một vài nhân vật có thế lực.
Có những bài viết thu hút đến vài triệu lượt truy cập từ bạn đọc khiến tập thể Báo hết sức lạc quan về triển vọng phát triển, những cột mốc về số lượng truy cập liên tục được phá vỡ đã tạo không khí hân hoan. Chúng tôi say sưa với những con số bạn đọc và sự tán dương của đồng nghiệp, của cộng đồng mạng.
Cũng vào những năm 2012, Báo Điện tử giáo dục Việt Nam vinh dự được đại điện Quỹ SIDa, một quỹ tài trợ đào tạo cán bộ của Chính phủ Thụy Điển đến phỏng vẫn và cấp học bổng trị giá hàng trăm ngàn USD cho 5 cán bộ của Báo đi học một khóa học Quản lý chiến lược kéo dài 10 tháng, trong đó có thời gian học tại quốc gia Bắc Âu.
Bước ngoặt trong nhận thức về một cơ quan báo chí chuyên biệt, chuyên sâu, đi vào thị trường ngách cũng bất đầu từ khóa học này.
Tại Thụy Điển, Ban biên tập báo đã bị các chuyên gia giảng dạy chất vấn về chiến lược phất triển, về xác định phân khúc mục tiêu của một tờ báo mang tên giáo dục, thuộc Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam – một tổ chức phản biện về giáo dục. Khi lãnh đạo Báo say sưa trình bày về các con số tăng trưởng bạn đọc, về các bài viết thu hút hàng triệu view liên quan đến các sự kiện xã hội, từ giới giải trí, từ các cuộc thi bình chọn ảnh cho các cháu học sinh .. thì những chuyên gia này ngắt lời, lắc đầu thậm chí nặng lời phê phán và cho rằng đó là cách làm báo thiếu trách nhiệm, thiếu bền vững và lợi dụng sự non nớt của các cháu học sinh để câu view.
Họ còn cảnh báo, nếu ở nước họ thì những bài viết soi mói vào đời tư, khai thác trí tò mò của trẻ em thậm chí là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền riêng tư, quyền trẻ em…
Thời gian tại Thụy Điển, lãnh đạo báo đã được đến thăm quan và học tập các cơ quan báo chí của nước này, chúng tôi đã đi từ lạ lẫm đến ấn tượng với cách làm báo khoa học, chuyên biệt thu hút bạn đọc và thu hút quảng cáo của những tờ báo, tờ tạp chí có phân khúc rất hẹp như Tạp chí thời trang trẻ em gái trong độ tuổi 4 - 14; Tạp chí ô tô cổ, Tạp chí cho cộng đồng dân tộc thiểu số chỉ 10000 dân...
Đi sâu tìm hiểu, lãnh đạo Báo biết những tạp chí này chỉ có rất ít nhân sự làm việc và nội dung thì chuyên sâu, không trùng với bất cứ tờ Báo, Tạp chí nào của đất nước Thụy Điển, thậm chí của cả khu vực Bắc Âu. Tạp chí ô tô cổ có 81 ngàn độc giả, nếu thêm hoặc bớt 1 độc giả thì ban biên tập biết người đó là ai, ở đâu và thậm chí biết độc giả này do ai giới thiệu? Toàn bộ thị trường quảng cáo sản phẩm ô tô cổ và các phụ kiện dành cho giới hâm mộ ô tô cổ đầu được và bắt buộc phải quảng cáo trên tờ tạp chí này mới có người mua.
Chúng tôi cũng biết rằng, ở đất nước Thụy Điển chỉ có hơn 9 triệu dân nhưng có tới hơn 420 cơ quan báo chí. Điều lạ lẫm đối với chúng tôi là, hơn 420 cơ quan báo chí này cơ quan nào cũng đứng số 1 trong phân khúc của mình, không có cơ quan báo chí đứng số 2. Nếu xác định là cơ quan báo chí đứng thứ 2 trong phân khúc thì sẽ không được đầu tư.
Sau chuyến đi đáng giá này, Ban biên tập báo đã có những buổi họp căng thẳng để xác định lại nội dung với 2 luồng quan điểm: Tiếp tục tham gia vào viết bài các sự kiện văn hóa xã hội, pháp luật, vào giới giải trí để lấy view hay đi sâu vào phân khúc mục tiêu, vào thị trường ngách giáo dục chuyên biệt, tạo chỗ đứng vững chắc trong phân khúc của mình?
Ban lãnh đạo Báo đã quyết định chuyển hướng tập trung vào 4 nội dung chính.
Thứ nhất là phân tích, phản biện, góp ý xây dựng và sửa đổi những chủ trương, bất cập về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.
Thứ hai, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến của các thầy cô, các chuyên gia, các em học sinh, sinh viên.
Thứ ba, đấu tranh chống những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức trong lĩnh vực giáo dục…
Thứ tư, thông tin tình hình đất nước theo yêu cầu từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và ngành giáo dục", Nhà báo Nguyễn Tiến Bình chia sẻ.
Thực hiện việc quy hoạch báo chí của Chính phủ, ngày 1/4/2020, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam được cấp giấy phép mới, với tên gọi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
"Cho dù với tên gọi nào, chúng tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và ngày càng chuyên sâu, chuyên biệt hơn", Tổng biên tập Nguyễn Tiến Bình nhấn mạnh.
Trải qua nhiều thăng trầm từ khi chập chững bước vào hệ thống báo chí cách mạng với những lúng túng trong việc lựa chọn định hướng nội dung, ảnh hưởng từ việc quy hoạch báo chí, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, những nhà báo, phóng viên của Tạp chí vẫn đang ngày đêm làm việc hăng say.
Các tuyến đề tài về giáo dục có chất lượng đã được bạn đọc đón nhận tích cực, được cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục tham khảo, lắng nghe và thậm chí ra các quyết định từ những ý kiến đóng góp trên trang báo của chúng tôi.
"Chúng tôi cảm nhận Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày càng trở thành một diễn đàn quen thuộc, không thể thiếu của nhiều chuyên gia, thầy cô, các nhà quản lý và bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực giáo dục", nhà báo Nguyễn Tiến Bình khẳng định.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Bình nhấn mạnh, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ phát triển mạnh mẽ hơn. Để khẳng định vững chắc vị trí là cơ quan báo chí uy tín, có nhiều độc giả gắn bó nhất trong lĩnh vực giáo dục, Ban biên tập đã lên kế hoạch năm 2022 - 2023 tuyển dụng thêm nhiều nhân sự mới để đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Tại buổi lễ Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy, các cô đã, đang làm việc tại Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, đặc biệt là Giáo sư Trần Hồng Quân, Nguyên Chủ tịch – người đã Sáng lập ra tờ báo này, Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội, Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội và các Thầy, cô vì sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình trong cả quá trình dài 11 năm qua.
Lãnh đạo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng gửi lời cảm ơn các chuyên gia, các cộng tác viên là các nhà khoa học, các thầy cô đã miệt mài đóng góp các bài viết, các ý kiến đầy tâm huyết, đầy chất lượng cho nội dung của Giáo dục Việt nam. Chính các bài viết này đã thay đổi theo hướng tích cực rất nhiều cho nền giáo dục nước nhà.
"Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến với các cán bộ, phóng viên, nhân viên đã, đang và sẽ tiếp tục đầu quân làm việc tại Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chính các bạn đã xây dựng nên bản sắc và chỗ đứng của Giáo dục Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn các doanh nghiệp, các đối tác và các trường Đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên cả nước đã giúp đỡ cung cấp nội dung, ký kết các hợp đồng hợp tác truyền thông và tin tưởng đặt thương hiệu của mình trên trang Báo của chúng tôi, nguồn nội dung và tài chính của các bạn đã giúp chúng tôi đứng vững và đầu tư trở lại cho nội dung.
Đặc biệt tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Báo chí đã giúp đỡ, động viên chúng tôi vượt qua khó khăn, uốn nắn kịp thời để giúp chúng tôi phát triển bền vững, đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng, cho sự phát triển chung của đất nước", Nhà báo Nguyễn Tiến Bình nhấn mạnh.