Những năm qua, Thái League được xem là “thiên đường” của các cầu thủ Đông Nam Á. Ngoài việc sở hữu một giải đấu chất lượng, chuyên nghiệp hàng đầu châu lục, các CLB của Thái Lan cũng đưa ra những mức đãi ngộ đáng mơ ước để lôi kéo những ngôi sao hàng đầu khu vực sang chơi bóng.
Với mong muốn gia tăng tầm ảnh hưởng, thu hút NHM Đông Nam Á, những nhà tổ chức của giải đấu cũng đã điều chỉnh điều lệ bằng việc nới rộng số lượng cầu thủ ASEAN ở mỗi CLB (tối đa 3 cầu thủ). Chính sách này giúp Thái League trở thành điểm đến của hàng chục tuyển thủ Philippines, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia và Việt Nam.
Tuy nhiên, với việc thay đổi thể thức thi đấu mới đi ngược hoàn toàn hệ thống của khu vực và châu lục có thể khiến Thái Lan trở thành “ốc đảo” của Đông Nam Á. Các cầu thủ trong khu vực khi chọn sang Thái League chơi bóng, ngoài mong muốn được thi đấu ở giải đấu chuyên nghiệp, có chất lượng chuyên môn cao để nâng cao trình độ thì đây cũng được xem là bệ phóng để họ trở về đóng góp cho ĐTQG. Nhưng những sự bất cập trong cách vận hành giải đấu, cụ thể ở đây là các tuyển thủ khó có thể trở về đóng góp cho ĐTQG ở giải khu vực đang được xem là rào cản lớn của Thái League.
Có thể đưa ra ví dụ về trường hợp của Philippines, đội tuyển được xem sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có đến 12 tuyển thủ đang thi đấu ở Thái League hiện tại. Do AFF Suzuki Cup 2020 không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA nên các đội bóng của Thái Lan không chịu áp lực phải “nhả quân” cho các đội tuyển Đông Nam Á, trong đó có Philippines.
Khi đó, đoàn quân của HLV Scott Cooper sẽ chỉ còn vài người có kinh nghiệm, đủ điều kiện dự giải vô địch Đông Nam Á. Đó là những cầu thủ đang khoác áo các đội bóng trong nước, chủ yếu là từ CLB Ceres Negros. Với lực lượng như thế, Philippines khó có thể tranh với nhóm các đội bóng có trình độ tại Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia hay chính với cả đội hình B của Thái Lan.
Không chỉ riêng Philippines, các đội tuyển khác của khu vực cũng sẽ ít nhiều gặp phải những tổn thất về lực lượng ở AFF Suzuki Cup 2020 vì “hiệu ứng Thái League” gây ra.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Trí Thiện - Tiến sĩ Quản lý thể thao về bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam và Thái Lan, một người cực am hiểu Thái League cho biết: “Với trường hợp 24 cầu thủ Đông Nam Á (ngoài Thái Lan) đang chơi ở Thái League, các LĐBĐ sẽ phải làm việc với CLB chủ quản nếu như muốn lấy người cho AFF Suzuki Cup, tương tự như trường hợp Văn Hậu sang Heerenveen nhưng được trở về thi đấu tại SEA Games. Đây cũng là một yếu tố để người Thái chứng tỏ vị thế ở Đông Nam Á. Họ muốn khẳng định rằng mình đang có sức hút lớn, đủ hấp dẫn và chất lượng đối với nhiều cầu thủ trong khu vực”.
Không thể phủ nhận, Thái Lan đang tạo ra một cuộc “cách mạng” với mong muốn nâng tầm giải đấu ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, những thay đổi chưa mang tính đồng bộ này có thể khiến họ tự “đóng cửa” hội nhập với các nước trong khu vực.
Cầu thủ Thái Lan đi làm… bánh mì
Thời gian này các cầu thủ ở Thái League được “xả trại”. Nhiều người tranh thủ về quê phụ giúp gia đình. Tiền vệ Krailas Panyaroj đang khoác áo Samut Prakan gây sự chú ý đặc biệt với NHM khi không chỉ đá bóng hay mà vào vai “người vận chuyển”, đưa hàng cho khách cũng rất cừ. Nhà của Krailas có nghề bán bánh mì và đồ uống tại tỉnh Phra Nakhon Si Ayutthaya nên hằng ngày anh không ngần ngại xắn tay áo phụ gia đình sản xuất và đi đưa hàng. “Tôi đi đá bóng từ ngày nhỏ nên chỉ có quãng thời gian này mới có thể phụ giúp bố mẹ những công việc vất vả”, Krailas cho biết. |
XEM THÊM
HLV Park Hang Seo chắp bút cho cuốn sách của Xuân Trường