2019 là năm thành công mỹ mãn với thể thao Việt Nam khi xếp thứ nhì tổng sắp SEA Games 30 với 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ, trong đó đoàn Việt Nam giành được rất nhiều HCV ở các môn thi trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi, vật, cử tạ, TDDC, đấu kiếm…
Đặc biệt, 2 chiếc HCV ở môn bóng đá nam và nữ đã tạo nên những cảm xúc rất lớn cho một kỳ đại hội thành công vượt mong đợi của những người làm thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, khép lại năm 2019 đầy thành công ở đấu trường SEA Games, thể thao Việt Nam bước vào năm mới 2020 với thách thức cực lớn ở đấu trường cao hơn và khó hơn rất nhiều là Olympic Tokyo sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Tổng cục TDTT Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cho thể thao Việt Nam là phải giành được HCV hoặc ít nhất là phải có huy chương ở Olympic Tokyo, nhưng trước mắt phải phấn đấu có 20 VĐV giành vé góp mặt ở sân chơi đỉnh cao này.
Thực tế, đây là nhiệm vụ không đơn giản, bởi cho đến thời điểm này chúng ta mới có 4 tuyển thủ giành vé đến Olympic là Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (TDDC) cùng 2 tuyển thủ môn bắn cung Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt.
Vậy nên, trong thời gian 6 tháng còn lại trước khi Olympic Tokyo 2020 diễn ra, việc giành thêm 16 suất chính thức có mặt tại Olympic là một thách thức cực kỳ lớn với các đội tuyển thể thao Việt Nam.
Việc giành vé để góp mặt ở thế vận hội đã không đơn giản, nên nhiệm vụ giành HCV hoặc ít nhất là có huy chương càng là bài toán hóc búa với ngành thể thao. Cách đây 4 năm tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giành được 1 HCV và 1 HCB, đấy cũng là số huy chương của đoàn Việt Nam ở kỳ đại hội ấy.
Tuy nhiên, từ sau thế vận hội ấy, thành tích của Hoàng Xuân Vinh đang tuột dốc thê thảm, thậm chí anh còn không giành được HCV SEA Games và đến nay vẫn chưa giành vé đến Olympic. Vì thế, nếu để hy vọng Hoàng Xuân Vinh tái lập lại kỳ tích của anh cách đây 4 năm, e không tưởng.
Nhìn vào 4 tuyển thủ đã giành vé có mặt ở Tokyo vào tháng 7 tới là Huy Hoàng (bơi 800 và 1.500m tự do), Thanh Tùng (TDDC nội dung nhảy chống), Phi Vũ và Ánh Nguyệt (bắn cung nội dung cung 1 dây) việc hy vọng có huy chương thực sự rất khó.
Nói thế, vì nếu Huy Hoàng và Thanh Tùng lọt vào đến chung kết các nội dung họ góp mặt đã là thành công lớn, trong lúc 2 tuyển thủ bắn cung Việt Nam gần như không có cửa so đọ với các hảo thủ thế giới. Vậy ai sẽ là niềm hy vọng huy chương Olympic của thể thao Việt Nam, đến giờ vẫn chưa có câu trả lời.
Sau những dự báo đầy khó khăn ở SEA Games 30, thể thao Việt Nam đã có cú vượt vũ môn ngoạn mục. Thế nên, mọi người vẫn hy vọng trong thời gian tới, thể thao Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm mới 2020.
Nhiệm vụ khó của bóng đá nam Ngoài những đội tuyển thể thao khác, các đội tuyển bóng đá nam năm nay cũng gánh trọng trách rất nặng nề. Theo đó, ĐT Việt Nam phấn đấu đi tiếp vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, giành suất dự VCK Asian Cup 2023, bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup… Trong lúc đội tuyển U23 Việt Nam cố gắng giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Để có mặt ở Tokyo, chí ít thầy trò HLV Park Hang Seo phải vào đến bán kết giải vô địch U23 châu Á 2020 sắp diễn ra tại Thái Lan. |
XEM THÊM
Con đường đến World Cup 2023 của ĐT nữ Việt Nam rộng mở thế nào?
HLV Mai Đức Chung: 'Rất mừng vì bóng đá nữ Việt Nam có thêm kinh phí'
Hướng đến World Cup 2023, các đội tuyển nữ Việt Nam được tài trợ 100 tỷ