Từ đội ngũ y tế đến sân bãi Việt Nam
Tuấn Anh và Đình Trọng có thể là điển hình cho vấn nạn chấn thương tồn tại ở bóng đá Việt Nam tính trong 1 thập kỷ qua. Với Tuấn Anh, người ta đã quá quen với hình ảnh một tiền vệ tài năng nhưng mẫn cảm với đủ loại chấn thương. Ngược lại, với Đình Trọng, tâm lý đón nhận vài lần lên bàn mổ trong thời gian gần đây của anh đối với nhiều người là một sự bất ngờ. Bởi trước năm 2019, Đình Trọng từng là “quái vật” với 60 trận chơi cho từ Sài Gòn FC đến Hà Nội FC trong 3 mùa V.League gần nhất. Đấy là chưa kể, Đình Trọng là 1 trong 8 hậu vệ chơi trên 2.000 phút trên nhiều đấu trường cho U23 Việt Nam và ĐTQG dưới thời ông Park Hang Seo.
Quay trở lại với Tuấn Anh, 12 ca chấn thương chỉ trong vòng 6 năm khiến những vết sẹo hiện diện một cách thường trực xung quanh 2 đầu gối của tiền vệ tài hoa này. Từ những chấn thương ở mức độ vừa như cơ lưng, cơ đùi, gân khoeo cho đến những chấn thương rất nghiêm trọng như dây chằng đầu gối hay sụn chêm, Tuấn Anh đều “lĩnh” đủ. Vấn đề ở đây là tại sao Tuấn Anh lại có một tiền sử chấn thương dày đặc và chi chít đến như vậy? Thậm chí, ông Nguyễn Văn Dung, bố đẻ của Tuấn Anh còn từng nghĩ đến chuyện thuyết phục con trai mình giải nghệ vì không thể chịu thêm những thông tin tiền vệ này dính chấn thương thêm nữa.
Bên cạnh những yếu tố liên quan đến chủ quan như tâm lý cầu thủ, mật độ thi đấu dày đặc dẫn đến quá tải thì những vấn đề khách quan đã và đang tồn tại nhiều năm ở bóng đá Việt Nam cũng là lý do để đôi chân mẫn cảm của Tuấn Anh dễ bị chấn thương hơn bao giờ hết.
Cựu HLV Hoàng Anh Tuấn của U19 Việt Nam từng nói rằng: “Tuyệt đại đa số các CLB tại Việt Nam không đầu tư cho 3 vấn đề mấu chốt sau đây: Một là chế độ dinh dưỡng, hai là chuyên gia thể lực và ba là bác sĩ chuyên ngành (chữa trị chấn thương, hồi phục cho cầu thủ). […] Các đội có thể chi nhiều tiền cho cầu thủ ngoại nhưng không dám bỏ tiền mời HLV thể lực và bác sĩ chuyên ngành. Thực tế thì tiền lương cho đội ngũ này ít hơn rất nhiều so với mua một cầu thủ ngoại. Nhưng 100% các CLB ở Việt Nam không làm điều này”.
Quả thực, chấn thương của Tuấn Anh có một phần lỗi từ việc nhận định, điều trị, vật lý trị liệu sau chấn thương chưa thực sự chuẩn xác của đội ngũ bác sỹ HAGL trong quá khứ. Và như quân domino đổ xuống, hệ lụy là cầu thủ này gặp phải tiền sử chấn thương dày đặc dù mới chỉ 25 tuổi. Và như đã thấy ở thời điểm hiện tại, mỗi lần Tuấn Anh va chạm với đối phương là BHL đội bóng phố Núi đều phải rùng mình và lo lắng.
Chưa hết, chất lượng sân bãi cùng lối đá rắn của nhiều đội bóng tại V.League cũng là lý do khiến không chỉ Tuấn Anh mà nhiều cầu thủ khác dễ chấn thương nặng. Không phải ngẫu nhiên mà HLV Lee Tae Hoon của HAGL cất cả Xuân Trường lẫn Tuấn Anh trên băng ghế dự bị khi HAGL làm khách trên sân Lạch Tray của Hải Phòng ở V.League 2020. Bởi 2 năm về trước, chính nền đất cứng tại Lạch Tray đã tác động không nhỏ dẫn đến việc Tuấn Anh bị đứt dây chằng, buộc phải nghỉ gần 1 năm.
Một đội tuyển mạnh dựa trên một giải đấu mạnh đào tạo nên những cầu thủ mạnh. Mà một giải đấu mạnh khi và chỉ khi những CLB mạnh trên nhiều phương diện chuyên môn. Tiếc rằng, V.League vẫn mới chỉ đang lọ mọ đi trên con đường ấy.
Sự vội vàng và khoảng trống kế thừa
Từ Tuấn Anh, chúng ta quay đến trường hợp của Đình Trọng. Rõ ràng, trung vệ 23 tuổi không phải là người có một tiền sử chấn thương “dài như sớ” giống Tuấn Anh. Nhưng trong vòng 1 năm gần đây, Đình Trọng phải lên bàn mổ tới 2 lần với tổng số thời gian vắng mặt cũng lên tới 1 năm. Đình Trọng mất đi điều gì? Nếu không phải vì dịch Covid-19, anh chắc chắn đã mất đi chiến dịch bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup cũng như các trận đấu tầm cỡ quốc tế của vòng loại World Cup.
Và cũng không cần đến những chữ nếu, Đình Trọng đã không thể góp mặt khi U22 Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games lịch sử. Đấy là chưa kể ở cấp CLB, anh coi như chẳng thể đóng góp được gì trong 2 mùa giải 2019 và 2020 của Hà Nội FC.
Chấn thương sụn mà Đình Trọng vừa tiến hành phẫu thuật hồi đầu tháng 8 có thể không khiến anh mất nhiều thời gian như chấn thương đứt dây chằng chéo trước. Nhưng một phần dẫn đến lý do sụn của anh bị rách cũng bởi việc tham gia thi đấu ở VCK U23 châu Á 2020 cùng U23 Việt Nam tại Thái Lan rồi sau đó là đợt tập huấn với các trận nội bộ cùng Hà Nội FC trước V.League 2020. Đó là một sự vội vàng.
“Như chúng ta đã biết thì Đình Trọng tiến hành phẫu thuật vào cuối tháng 6/2019. Đến giữa tháng 1/2020, Đình Trọng thi đấu trở lại: 36 phút trận gặp UAE, 53 phút trận gặp Jordan và 90 phút trận gặp Triều Tiên. Quá trình khi đó mới khoảng 7 tháng. Như thế là có phần vội vàng. Các cầu thủ chuyên nghiệp châu Âu phải mất từ 9-10 tháng để đảm bảo rằng mình có thể thi đấu.
Tất nhiên, kể cả mới phẫu thuật đứt dây chằng 3 tháng hoặc ngay cả đứt dây chằng không phẫu thuật thì người ta vẫn đá được. Nhưng đá được và hậu quả ra sao thì đó mới là vấn đề. Nhưng với cầu thủ chuyên nghiệp, việc quay lại sớm có thể sẽ dẫn đến tái phát chấn thương nặng hơn sau này”, anh Lê Tuệ Đăng, chuyên gia Y sinh học thể thao đã và đang điều trị vật lý trị liệu sau chấn thương cho các cầu thủ bóng đá chia sẻ.
Bản thân bác sỹ Choi Ju Yong của các đội tuyển Việt Nam cũng từng nói: “Tôi có nhiều thời gian làm việc với các cầu thủ, từ cầu thủ nam đến cầu thủ nữ, từ các đội tuyển trẻ đến đội tuyển quốc gia. Sau khi làm việc cùng các vận động viên nữ, tôi thấy họ có tâm trạng nóng vội hơn các cầu thủ nam. Các cầu thủ nữ rất mong nhanh chóng được hồi phục để ra sân. Tôi đã giải thích rõ hơn cho các cầu thủ về từng quá trình phục hồi, lúc nào có thể hoặc chưa thể ra sân”.
Thực tế, sự vội vàng này cũng bắt đầu từ một yếu tố, đó là khoảng trống kế thừa. Đình Trọng là một cầu thủ đặc biệt trong một sơ đồ đặc biệt mang tên 3-4-3 của ông Park Hang Seo. Với sơ đồ 3 trung vệ, ông cần một cầu thủ đủ khả năng đọc trận đấu thật tốt, sẵn sàng bọc lót ngay sau 2 trung vệ dập và can thiệp tình huống đúng lúc đúng chỗ. Đình Trọng là trường hợp hiếm hoi có thể đá được vị trí ấy. Và rất khó để tìm kiếm được một cầu thủ, đặc biệt trong diện dưới 23 tuổi, chơi được như Đình Trọng để thay thế được anh.
Khoảng trống kế thừa ấy lại là căn nguyên của việc lối chơi và hệ thống chiến thuật tại CLB vốn không đồng nhất với các đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park Hang Seo. Phần lớn các CLB đều sử dụng sơ đồ 4 hậu vệ (trong đó có 2 trung vệ) tại V.League. Một trong số đó thường là ngoại binh. Vậy là các trung vệ, đặc biệt là trung vệ trẻ vốn đã không có đất diễn, họ lại phụ thuộc quá nhiều vào khả năng tranh chấp của các ngoại binh dẫn tới những kỹ năng liên quan đến một trung vệ, đặc biệt là trung vệ thòng bị hạn chế.
Nói câu chuyện đồng nhất lối chơi và hệ thống từ cấp CLB và ĐTQG để thấy được rằng, vì sao VFF đang lên kế hoạch để sắp xếp một cuộc đàm thoại giữa tân GĐKT Yusuke Adachi và HLV trưởng Park Hang Seo. Bởi căn cứ từ cuộc nói chuyện ấy, họ mới manh nha chiến lược đồng bộ một cách tương đối. Có như thế, hiền tài của bóng đá Việt Nam mới có thể xuất hiện và phát triển, thay vì chúng ta lại phải đợi chu kỳ 10 năm nữa để hy vọng có một lứa tài năng như Đình Trọng, Tuấn Anh.
XEM THÊM
'Đình Trọng sẽ sớm trở lại, nhưng cần duy trì phương pháp đặc thù'