- PV: Thưa ông, trong bối cảnh V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung phải tạm hoãn, các trọng tài Việt Nam hoạt động như thế nào?
- Ông Dương Văn Hiền: Như các bạn đã biết, nhiều hoạt động phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. bóng đá tạm nghỉ thì trọng tài cũng phải dừng theo. Song chúng tôi không bị động. Chia sẻ với mọi người là các trọng tài có một nhóm sinh hoạt trên mạng xã hội. Và Ban Trọng tài VFF có thể trao đổi với anh em trọng tài qua nhóm đó.
Chúng tôi nhắc các trọng tài cần tuân thủ tuyệt đối chỉ thị của Chính phủ, hạn chế di chuyển, đi lại nếu không cần thiết. Bên cạnh đó, kể cả trong quãng thời gian giải đấu tạm hoãn thì các trọng tài vẫn phải cố gắng tập luyện, để qua đó khi giải đấu quay trở lại có thể bắt nhịp một cách như bình thường.
- Một số đội bóng có kế hoạch tạm thời là sau mốc thời gian 15/4, căn cứ vào tình hình của dịch Covid-19 sẽ tiến hành tập trung trở lại, nhằm có sự chuẩn bị khi V.League được phép diễn ra. Vậy với các trọng tài thì sao, thưa ông?
- Hiện tại, các trọng tài chủ động duy trì tập luyện tại nhà, đảm bảo thể lực của bản thân. Khi nào BTC thông báo thì anh em lên đường thôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng chờ giải đấu trở lại. Ngoài ý thức từ phía bản thân các trọng tài thì Ban Trọng tài cũng có giảng viên chuyên về thể lực để đưa ra các bài tập, giáo án nhằm giúp anh em trong giới cầm còi duy trì sức khỏe.
- Liệu các trọng tài có phải trải qua một đợt kiểm tra thể lực khi giải đấu quay trở lại không, thưa ông?
- Đúng là chúng ta chưa có tiền lệ về điều này. Thông thường mỗi năm, các trọng tài sẽ tiến hành kiểm tra thể lực vào 2 đợt. Thứ nhất là đầu mùa giải. Thứ hai là giai đoạn giữa lượt đi và lượt về mùa bóng. Tôi tin với trách nhiệm, ý thức công việc, các trọng tài luôn trong tâm thế sẵn sàng để trở lại với giải đấu, bắt đầu từ vòng 3 của V.League.
- Vậy còn thu nhập của các trọng tài, không bóng đá, họ có bị ảnh hưởng về lương, thưởng?
- 80-90% trọng tài Việt Nam đều làm cơ quan nhà nước như giảng viên hoặc cán bộ Trung tâm TDTT ở các Sở, Ban, Ngành. Đúng là họ sẽ mất một phần thu nhập do bóng đá không thể diễn ra nhưng không ảnh hưởng quá lớn.
- Rõ ràng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà V.League 2020 bị kéo quỹ thời gian tổ chức từ 8 tháng xuống còn khoảng 5-6 tháng, tùy vào tình hình cho phép có thể diễn ra. Bản thân các đội bóng vốn dĩ đã bày tỏ lo lắng rằng cầu thủ sẽ phải chơi với cường độ cao. Vậy còn phía trọng tài, lực lượng của chúng ta có đủ để đáp ứng số trận diễn ra với mật độ liên tục sắp tới?
- Thực ra chúng tôi luôn có một khoảng dự bị về lực lượng trọng tài, chứ không chỉ giới hạn ở một con số. Tôi tin số lượng và chất lượng trọng tài của Việt Nam có thể đáp ứng được khi giải trở lại.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
XEM THÊM
V.League trước đề xuất bỏ ngoại binh: Đừng đùa với luật!