Nhiều người bảo chấn thương lâu và dai dẳng của Đình Trọng bắt đầu từ việc quay lại thi đấu quá sớm ở VCK U23 châu Á 2020, sau ca phẫu thuật dây chằng gối tại Singapore hồi giữa năm 2019. Tuy nhiên, tôi lại thấy điều này đã bắt nguồn từ sau đợt phẫu thuật xương mu bàn chân hồi tháng 1 năm 2019 của Trọng tại Hàn Quốc.
Thời điểm ấy, quá trình hồi phục của trung vệ này chỉ mới hơn 1 tháng, chưa kể còn bị mưng mủ ở vết thương phải mổ lại lần nữa, nhưng Đình Trọng vẫn gật đầu vào sân thi đấu tại vòng loại U23 châu Á 2020 diễn ra hồi cuối tháng 3 cùng năm. Đau nhưng vẫn cắn răng đá với một thể trạng không tốt ở cấp đội tuyển, đương nhiên Đình Trọng không thể nói “không” khi về khoác áo thi đấu cho Hà Nội FC ở V.League. Kết quả là một chấn thương nặng hơn, khiến anh phải sang Singapore phẫu thuật như đã biết…
Theo các chuyên gia, việc Đình Trọng tái phát chấn thương bắt nguồn từ sức ép thành tích ở cấp đội tuyển, nhưng quan trọng là anh đã không biết nói “không” với HLV trưởng khi cảm thấy đôi chân của mình chưa có thể trạng tốt nhất. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam không chỉ có mỗi Đình Trọng gặp vấn đề này.
Lứa cầu thủ U23 cùng thời với Đình Trọng, có 2 trường hợp chấn thương dai dẳng và đến nay vẫn chưa thể thi đấu ổn định là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh. Đây được xem là 2 gương mặt trẻ tài năng của bóng đá xứ Nghệ trong thời điểm này, nhưng kể từ sau khi góp mặt ở đội Olympic Việt Nam tại Asian Games 2018 trở về, Văn Đức và Xuân Mạnh đã dính chấn thương khi thi đấu trong màu áo SLNA vì quá tải.
Hậu quả, Văn Đức đã nghỉ gần cả mùa giải 2019 và mới vừa trở lại ở V.League 2020. Còn Xuân Mạnh đá được vài trận ở mùa giải năm ngoái, rồi tiếp tục dính chấn thương cho đến nay vẫn chưa thể ra sân. Nguyên nhân là do 2 cầu thủ bị quá tải do thi đấu liên tục trong màu áo đội tuyển, rồi tiếp tục về “gánh team” ở CLB. Sau đó không hồi phục đầy đủ sau phẫu thuật, cộng thêm sự nóng vội muốn sớm được thi đấu đã khiến chấn thương của họ dai dẳng hơn.
Từ chuyện của 3 tuyển thủ trên, lại nhớ đến trường hợp của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh ở HAGL. Chấn thương liên miên đã khiến Tuấn Anh luôn vắng mặt ở những giải đấu quan trọng của ĐT Việt Nam. Chấn thương của Tuấn Anh ban đầu xuất phát từ việc chữa trị chưa tốt. Kế đến, thời gian hồi phục không đầy đủ và sự nôn nóng của đội ngũ y tế ở CLB lẫn bản thân Tuấn Anh đã khiến anh trở thành “chân thuỷ tinh”. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật dây chằng gối hồi tháng 3 năm 2018 tại Hàn Quốc, Tuấn Anh đã ở lại đây gần 1 năm để theo đến cùng quá trình trị liệu và hồi phục, đồng thời nói “không” với việc mạo hiểm thi đấu khi cảm thấy thể trạng không ổn. Vì vậy, thời gian qua Tuấn Anh đã có sự trở lại ấn tượng trong màu áo CLB và cả ĐTQG.
Không chỉ Tuấn Anh, các cầu thủ Văn Thanh và Xuân Trường vừa qua cũng đã tuân thủ rất kỹ việc hồi phục sau phẫu thuật và từ chối ra sân nếu cảm thấy thể trạng không ổn. Vì thế, để bảo vệ đôi chân của mình, các cầu thủ cần phải biết nói “không” khi cần thiết!
XEM THÊM
'Đình Trọng sẽ sớm trở lại, nhưng cần duy trì phương pháp đặc thù'