Số phận trớ trêu khiến 2 ta đi ngược chiều vun vút
6 năm trước, tất cả đều biết đến Nguyễn Tuấn Anh. Cũng 6 năm trước ấy, chẳng mấy người đề cao cái tên Đỗ Hùng Dũng. Khi U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa cầu thủ khóa I của học viện HAGL - JMG, Tuấn Anh là một trong số những tài năng được người hâm mộ và giới chuyên môn ca ngợi. HLV Guillame Graechen từng miêu tả Tuấn Anh là “cầu thủ có bước chạy ở trình độ Champions League”.
Trước đó vài năm, ngay đến cả cựu HLV Arsene Wenger của Arsenal, người từng phát hiện và mài giũa biết bao ngọc thô của bóng đá thế giới cũng đã đánh giá Tuấn Anh rằng: “Đó là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mà tôi được chứng kiến. Cậu ấy chắc chắn sẽ là trụ cột của bóng đá Việt Nam sau này, cũng như giúp họ vươn tầm thế giới”. Năm 2012, ông Arsene Wenger thực tế đã viết một giấy giới thiệu bằng uy tín và mối quan hệ của mình để vạch đường dẫn lối cho Tuấn Anh đến Olympiakos. Giấc mơ châu Âu hiển hiện trước mắt chàng cầu thủ khi ấy mới 17 tuổi.
Nhưng. Chấn thương vỡ sụn chêm mức độ 25% và đứt dây chằng khiến Tuấn Anh không thể đến Hy Lạp. Và nó là sự khởi đầu cho một bản nhạc buồn dành cho chàng tiền vệ vẫn được người ta ví von như “Mozart trên sân bóng”. 12 ca chấn thương các loại với tổng thời gian nghỉ lên đến hơn 14 tháng là những gì người ta phải chứng kiến ở Tuấn Anh suốt 6 năm qua!
Thực tế, Tuấn Anh từng có giai đoạn rất khỏe trước khi chứng kiến mình phải trải qua 12 ca chấn thương như thế. Cụ thể là từ năm 2013 cho đến 2015. “Nhô” (biệt danh của Tuấn Anh) đá tới 50 trận từ U19, U23 Việt Nam đến HAGL ở V.League. Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn… những người đồng đội của Tuấn Anh cũng không phải thi đấu nhiều như thế. Cho đến khi, ác mộng chấn thương bắt đầu xảy ra liên miên. Hai đầu gối của Tuấn Anh chằng chịt những vết sẹo sau các ca phẫu thuật diễn ra như không ngớt.
Mùa 2019, Tuấn Anh đá 25/26 trận cho HAGL. Anh chơi cả 5 trận cho ĐTQG Việt Nam ở vòng loại World Cup, 1 trận ở King’s Cup. Trùng hợp thay, ngày 5/6 năm ngoái cũng là mốc kỷ niệm sau 521 ngày, Tuấn Anh mới được đá chính cho đội tuyển Việt Nam (tại King’s Cup). Tuấn Anh trở lại. Nhưng người ta vẫn… run rẩy như xưa mỗi khi thấy Tuấn Anh va chạm với cầu thủ đội bạn. Đôi chân pha lê của Tuấn Anh có thể vẫn tạo nên những pha đi bóng thoát pressing uyển chuyển. Nhưng nó đã giòn đi, yếu ớt hơn sau những lần phải lên bàn mổ như thế.
Chấn thương cũng là điều rẽ lối con đường giữa Tuấn Anh và Hùng Dũng. Như đã nói, 6 năm trước, chẳng nhiều người đánh giá cao Hùng Dũng. Thậm chí nói một cách nghiệt ngã, anh vô danh trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Khi lứa đàn em ít hơn mình 2 tuổi như Tuấn Anh khuynh đảo ở giải trẻ quốc tế, là trụ cột của CLB ở V.League thì Hùng Dũng vẫn phải vật lộn với từng động tác chạm bóng, thở không ra hơi khi trận đấu bước qua phút 60.
Giữa vách ngăn chia 2 đội hạng Nhất và V.League của Hà Nội ở những bữa ăn thời điểm 2013-14 (khi ấy chưa có Sài Gòn FC như hiện tại), Hùng Dũng chỉ có thể được nghe loáng thoáng tiếng nói chuyện của những ngôi sao chủ lực như Thành Lương, Văn Quyết, Dương Hồng Sơn.
"Tôi nhớ mãi chuyện hội trẻ con vẫn bảo nhau, rằng lên đội một Hà Nội T&T còn khó hơn lên tuyển Việt Nam. Vì đội một Hà Nội lúc ấy có lẽ hay hơn tuyển quốc gia. Tôi đã thấy Duy Long, Văn Thuận lên và không được đá. Tôi chẳng có gì hơn các anh thì đá làm sao nổi. Bởi thế, tôi chẳng hề tính tới việc sau này sẽ lên V.League. Bởi thế mà khi đội lớn gọi tôi về đá V.League cuối 2015, tôi nhất quyết không về. Ba lần, tôi gõ cửa phòng HLV Đức Thắng, xin ở lại đội. Đội lớn lúc ấy toàn sao, tôi làm sao có cửa”, Hùng Dũng thừa nhận như thế.
Nhưng sau khi… bất đắc dĩ lên đội lớn Hà Nội, khi Duy Mạnh chấn thương, Bùi Văn Hiếu về Quảng Ninh, Cao Sỹ Cường nghỉ thi đấu, Nguyễn Ngọc Duy vào miền Nam, Hùng Dũng tự dưng được đá chính, thậm chí là 25/26 trận ngay ở mùa giải đầu tiên. Đó là khởi điểm để Hùng Dũng có một sức bật phi thường ở khoảng thời gian sau đó.
Như đã nói, Hùng Dũng rất ít khi bị chấn thương. Vết đau ở ngón chân dẫn đến việc phải chia tay giữa chừng Olympic Việt Nam ở ASIAD 2018 có lẽ là lần hiếm hoi mà Hùng Dũng phải nghỉ thi đấu dài 2-3 tháng trời. Nhờ một khoảng thời gian được thi đấu liên tục, rèn luyện nỗ lực, áp dụng các biện pháp khoa học trong dinh dưỡng và tập luyện thể thao, Hùng Dũng trở thành “người không phổi” của Hà Nội FC và đội tuyển Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 2 năm thành công là 2018 và 2019. Riêng ở năm 2019, Hùng Dũng đá 62 trận trên 7 đấu trường. Không có một cầu thủ Việt Nam nào đá nhiều như thế ngoài Hùng Dũng - Đương kim Quả bóng vàng nam Việt Nam.
Bóng vàng, bao giờ đến với Tuấn Anh?
Từ một cầu thủ với xuất phát điểm thấp, Hùng Dũng đã có tất cả những gì mà một cầu thủ Việt Nam mơ ước. Anh vô địch V.League 3 lần với Hà Nội FC (2016, 2018, 2019), giành Cúp Quốc gia (2019), vô địch AFF Cup 2018, giành Huy chương Vàng SEA Games 2019. Và tất nhiên, Quả bóng vàng - danh hiệu chứng thực rõ ràng nhất cho Cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất năm cũng thuộc về Hùng Dũng.
“Thực ra, tôi... không quan tâm tới việc có giành giải hay không. Được thì cũng vui, nhưng không được cũng chả sao. Đời cầu thủ, tôi quan tâm nhất là hôm sau, tháng sau, năm sau, mình có còn được vào sân nữa không. Giải thưởng phản ánh kết quả của một năm, ghi nhận những nỗ lực của một mùa giải, nhưng không phải sự đảm bảo cho tương lai phía trước”, nền tảng đủ vững giúp Hùng Dũng sẵn sàng cho những tham vọng trong tương lai, thay vì bằng lòng với thành công hiện tại. Anh muốn cùng Hà Nội FC lần thứ 3 liên tiếp vô địch V.League, muốn cùng đội tuyển Việt Nam bảo vệ chức vô địch AFF Cup. Hùng Dũng cũng đã sẵn sàng tâm thế cho tương lai hậu cầu thủ. Đó là trở thành một HLV.
Con đường của Hùng Dũng càng rộng mở bao nhiêu, người ta lại càng tiếc cho con đường gập ghềnh đã khiến Tuấn Anh mất đi thanh xuân quý giá của mình. Chấn thương liên miên đã cướp đi của anh những gì? Đó là không được dự SEA Games 2015, AFF Cup 2016 rồi cả AFF Cup 2018. Đó là mất cơ hội góp mặt tại VCK U23 châu Á 2018 rồi ASIAD 2018. Bước sang tuổi 24, Tuấn Anh chẳng còn cơ hội được chơi ở giải trẻ. Chẳng ai có thể cam đoan rằng, sẽ lại có một SEA Games bất thường với việc được triệu tập cầu thủ trên 22 tuổi như trường hợp của Hùng Dũng, Trọng Hoàng năm 2019. Cũng chẳng ai có thể đảm bảo rằng, sau đây 2 năm tại ASIAD 2022, HLV Park Hang Seo có chọn Tuấn Anh vào danh sách 1 trong 3 cầu thủ trên 23 tuổi để cùng đội trẻ tranh tài ở Á vận hội.
Bản thân Tuấn Anh có lẽ cũng chẳng dám mơ mộng như thế. Những gì mà anh phải trải qua trên giường bệnh, những gì mà anh phải đau đáu chứng kiến qua cửa kính phòng tập ngăn cách bản thân với các đồng đội đang chơi bóng ngoài kia đủ để khiến Tuấn Anh thực tế hơn với đôi chân của mình. Đó là chỉ cần được thỏa mãn niềm đam mê chơi bóng mỗi ngày, bằng một sự lành lặn và an toàn nhất.
“Tôi vẫn cho rằng được trở lại chơi bóng là món quà cuộc sống. Số phận đã giúp tôi tiếp tục được chơi môn thể thao này. Lúc này, tôi chỉ đơn giản suy nghĩ, cứ được chơi bóng thôi là đã thỏa niềm đam mê và hạnh phúc”, chia sẻ của Tuấn Anh cách đây không lâu hẳn nhiên khiến nhiều người nghẹn ngào xen lẫn cảm giác tiếc nuối cho tài năng nhưng không may mắn của bóng đá Việt Nam.
Nhưng tất nhiên, sẽ vẫn có rất nhiều người yêu quý Tuấn Anh mong mỏi tiền vệ này nhận được Quả bóng Vàng một lần trong sự nghiệp. Vậy nhưng, thành công cùng ĐTQG như hiện tại có lẽ là không đủ để anh có thể chen chân với những đồng đội, đặc biệt là trong hàng ngũ Hà Nội FC. Một cái nhìn thực tế và chân thực rằng, lực lượng HAGL mà Tuấn Anh đầu quân là chưa đủ mạnh để sẵn sàng tham vọng cho chức vô địch V.League như những gì mà dàn sao của Hà Nội FC đang sở hữu. Phải sau 4 năm vật lộn ở nhóm dưới, HAGL của Tuấn Anh mới có lần đầu vươn lên nửa trên của BXH ở mùa 2019. Nếu vẫn cứ duy trì cách chơi như hiện tại, thiếu đi sự tham vọng cùng các bản hợp đồng nặng đô, thật khó để Tuấn Anh, Văn Toàn có thể cạnh tranh danh hiệu cá nhân với những Quang Hải, Hùng Dũng hay Văn Hậu.
Không ai ép buộc Tuấn Anh phải ra đi, khi HAGL cho anh quá nhiều điều. Nhưng nếu như HAGL muốn thành công hay ít ra là cá nhân của họ có được một sự định danh trong sự nghiệp thì bầu Đức (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức) cần mạnh tay hơn để đầu tư lực lượng, giống như ông từng đưa Kiatisak và dàn sao Thái Lan để trở thành số 1 Việt Nam cách đây 13 năm về trước.
Cái khiên và cây kiếm
Sự nghiệp của Hùng Dũng và Tuấn Anh vốn bắt đầu và bước đi trong 6 năm qua theo hướng ngược chiều nhau như thế. Và thú vị hơn nữa, cách mà hai cầu thủ này đã chơi ở mùa giải năm ngoái trong màu áo CLB cũng là một sự tương phản.
Thống kê dựa trên số liệu của InStat cho thấy rằng, Tuấn Anh có xu hướng phòng ngự, với những con số thiên về tắc bóng, cắt bóng và thoát pressing đến từ đối phương. Ngược lại, Hùng Dũng lại là mẫu tiền vệ luôn hướng lên trên. Anh sở hữu số đường chuyền chính xác vào vòng cấm trội hơn, khả năng kiến tạo và ghi bàn cũng nổi bật hơn. Cụ thể hơn về mặt con số, Hùng Dũng đóng góp 6 bàn thắng cho Hà Nội FC - gấp 3 lần so với những gì Tuấn Anh thể hiện ở mặt trận tấn công tại HAGL mùa trước.
Cái khiên mang tên Tuấn Anh và cây kiếm tượng trưng cho cách tấn công của Hùng Dũng cũng sẽ là tâm điểm cho trận cầu đáng chú ý nhất vòng 3 V.League 2020 tuần này. HAGL với Tuấn Anh là thủ lĩnh làm khách trên sân của Hà Nội FC mà Hùng Dũng đang là đầu tàu của đội bóng. Tất nhiên, trên khán đài, HLV Park Hang Seo sẽ chẳng thể bỏ qua màn so tài giữa hai tiền vệ hàng đầu mà ông đang sử dụng cho đội tuyển Việt Nam.
Chính từ sự đối lập trong cách chơi của Tuấn Anh và Hùng Dũng ấy mà HLV Park Hang Seo hưởng lợi. Sự tương phản khiến họ có một cách bù trừ cho nhau hợp lý về ưu nhược điểm giữa đôi bên khi đá cặp cùng nhau. Không phải ngẫu nhiên, 5 trận đấu đã qua ở vòng loại World Cup 2022, ông Park liên tục để Tuấn Anh và Hùng Dũng đá chính. Khả năng phòng ngự và thoát pressing tốt của Tuấn Anh giúp Việt Nam nhiều lần thoát khỏi các chơi vây ráp tầm cao của những Malaysia, Thái Lan hay UAE. Trong khi đó, Hùng Dũng trở thành một trạm chung chuyển giữa Tuấn Anh và các cầu thủ trên hàng công. Tình huống Hùng Dũng chọc khe, Quang Hải thả bóng để Tiến Linh nhận và sút xa thành bàn trong trận thắng 1-0 trước UAE là điển hình trong miếng tấn công mà ông Park kỳ vọng.
Trong đối lập có sự hợp ý, Tuấn Anh và Hùng Dũng như thể giống như cực bắc và cực nam của thỏi nam châm vậy. Khi họ lại gần nhau, sức hút của đôi bên tạo nên một tuyến giữa có cả công lẫn thủ cho đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park.
XEM THÊM
Chủ tịch 9x hạ chỉ tiêu phải thắng HAGL cho Hà Nội
Công Phượng lập công ty riêng, không muốn mang tiếng phụ thuộc bố vợ tương lai