Từ Quảng Ninh, Hải Phòng, qua Thanh Hóa, Nghệ An, vào Gia Lai, Bình Dương... đâu đâu người ta cũng thấy màn trình diễn chuyên nghiệp, đa sắc màu của những tín đồ túc cầu này.
Không khó để nhận ra sự cạnh tranh giữa các Hội CĐV trong việc ghi điểm trong mắt dư luận. Ưu thế luôn thuộc về những đội bóng có lực lượng CĐV hùng hậu, truyền thống, hay được tổ chức tốt như SLNA, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Thế nhưng, chính sự rầm rộ của đối thủ lại thôi thúc sự hoàn thiện của “đối thủ”. Nói đâu xa, tại Hà Nội T&T, đội bóng vốn lâu nay nổi tiếng vì có… ít CĐV, thì nay đã vào cuộc một cách nghiêm túc. Những fan cuồng đã được quy tụ lại trong một tổ chức chặt chẽ và có hẳn một đội ngũ truyền thông. Tại Hải Phòng, người ta cũng đang nỗ lực tái cơ cấu lại Hội CĐV nhờ những khoản đầu tư ý nghĩa. Ở B.BD, giữa Hội CĐV chính thức và nhóm “fan cuồng” đã tìm được tiếng nói chung sau thời gian khá dài xung đột về quan điểm. Cũng bất ngờ khi, dù đội bóng không có thành tích tốt nhưng CĐV Đồng Tháp, XSKT.CT, Sanna.KH… cũng rất biết cách siết chặt đội ngũ để không thua bạn kém bè.
Sân vận động giờ không chỉ là sân khấu để các đội bóng thi tài mà còn là nơi để các Hội CĐV biểu dương sự hoàng tráng, chuyên nghiệp. Đấy cũng là một tín hiệu tích cực và cần có của một nền bóng đá.
K.S