Những điểm cộng lớn của Văn Hậu
HLV Park Hang Seo có xu hướng lựa chọn những cầu thủ thiên về phòng ngự và hoạt động chính nơi phần sân nhà để làm đội trưởng cho các đội mà mình dẫn dắt. Ở VCK U23 châu Á 2018, Lương Xuân Trường - tiền vệ trung tâm của U23 Việt Nam được trao băng thủ quân. Tại giai đoạn cuối AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022, Quế Ngọc Hải được tin tưởng. Ở SEA Games 2019, khi Quang Hải dính chấn thương, Hùng Dũng làm thủ lĩnh của U22 Việt Nam. Ở đội U22 Việt Nam trong đợt tập trung vừa rồi, 2 cầu thủ được chọn là đội trưởng cũng đá ở hàng thủ. Đó là Dụng Quang Nho và Bùi Hoàng Việt Anh.
Tiêu chí chọn lựa của ông Park là muốn tìm những cầu thủ có thể bao quát các diễn biến trên sân. Và những người hoạt động ở trục dưới sẽ có tầm nhìn tốt hơn so với những gương mặt đá trên tiền tuyến. Vì vậy, với môt cầu thủ có thể đá trung vệ lẫn hậu vệ trái, Văn Hậu có điểm cộng về vị trí để được ông Park nhắm đến cho tấm băng đội trưởng U22 Việt Nam.
Tất nhiên, vị trí không phải là yếu tố tiên quyết. Văn Hậu còn nhỉnh hơn các đồng đội cùng lứa với mình ở nhiều mặt, đặc biệt là bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.
Suốt gần 3 năm qua, Văn Hậu luôn là lựa chọn hàng đầu nơi hàng thủ của U23/ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Cầu thủ sinh năm 1999 đã quá quen với việc được thi đấu thường xuyên bên cạnh các đàn anh hơn tuổi mình. Đấy là chưa kể chuyện anh cũng được tin tưởng tuyệt đối tại Hà Nội FC, nơi vốn quy tụ nhiều tuyển thủ quốc gia chất lượng.
Tiến bộ nhanh vượt trội so với các cầu thủ cùng lứa, được kinh qua và thành công ở nhiều giải khu vực đến quốc tế, Văn Hậu còn là trường hợp hiếm hoi của bóng đá Việt Nam sang châu Âu chơi bóng. Điều đó càng khẳng định cho tài năng của Văn Hậu, không chỉ gói gọn trong lứa 1999 - 2001 của U22 Việt Nam hiện tại mà còn là cả giới cầu thủ Việt Nam.
Nhưng…
Tuy nhiên, những điểm trên vẫn mới chỉ khẳng định rằng cá nhân Văn Hậu là vượt trội hơn so với các đồng đội cùng lứa. Tố chất đội trưởng, đặc biệt với HLV Park Hang Seo còn bao hàm nhiều hơn khả năng và sự phát triển của bản thân.
“Lớn tuổi nhất trong đội chỉ là một trong những điều kiện để tôi lựa chọn đội trưởng. Quan trọng là anh ta phải biết lắng nghe, nhận được sự tin tưởng của cả đội. Một người dè dặt thì không thể lãnh đạo được. Đội trưởng phải đại diện cho cả đội. Hơn nữa, anh ta phải có khả năng lãnh đạo, phải có tiếng nói. Khi làm đội trưởng thì anh ta cần cảm nhận được gánh nặng trách nhiệm. Tất nhiên, lời của đội trưởng có quyền lực ngang cả tôi. Nếu đội trưởng bảo cả đội chạy quanh sân 5 vòng khi không có HLV ở đó thì họ cũng phải nghe”, ông Park từng nói về tiêu chí chọn đội trưởng của mình.
Thực tế, Văn Hậu hiếm khi sát cánh với những cầu thủ cùng lứa với mình. Việc trưởng thành hơn độ tuổi khiến Văn Hậu thường được ưu tiên lựa chọn ở cấp độ cao hơn so với những cầu thủ cùng lứa. Tính đến hiện tại, giải đấu duy nhất mà Văn Hậu sát cánh với lứa 1999 - 2001 chỉ là VCK U18 Đông Nam Á 2017. Mà cụ thể ở đây chỉ là trận đấu giữa U18 Việt Nam với chủ nhà U18 Myanmar. Nhưng cay đắng thay, đó lại là trận đấu mà U18 Việt Nam thua ngược U18 Myanmar với tỷ số 1-2, dẫn đến việc bị loại khỏi VCK U18 Đông Nam Á 2017 một cách cay đắng. Việc chưa thể có một sợi dây liên kết đủ chặt chẽ giữa Văn Hậu và đa số các cầu thủ cùng lứa là một vấn đề. Anh chưa thể tìm ra tiếng nói chung, chứ chưa nói đến là trọng lượng trong tiếng nói với các đồng đội của mình.
Thêm vào đó, suốt 3 năm qua, Văn Hậu vẫn ở trong vị thế một “em út” trong gia đình vốn nhiều đàn anh từ 1993 - 1997 của đội tuyển Việt Nam hay rộng hơn là Hà Nội FC. Vậy nên, tố chất lãnh đạo, gánh vác trách nhiệm và mạnh mẽ trong tập thể chưa được Văn Hậu trui rèn.
Làm anh, lại còn là “anh cả” là chuyện không dễ. Vì vậy, Văn Hậu cần được tạo điều kiện trong những đợt tập trung nhất định của U22 Việt Nam trong vòng 1 năm tới đây, nếu như ông thực sự muốn trao băng thủ quân cho chàng trai người Thái Bình.
XEM THÊM
Đoàn Văn Hậu: 'Tôi đau đáu hướng về quê nhà'