“Ở giai đoạn 2, V.League sẽ chia làm 2 nhóm tách biệt. Số trận đấu giữa 2 nhóm này có sự khác nhau. Ở nhóm 1, các đội chơi thêm 7 trận. Còn ở nhóm 2, các đội đá 5 trận. Điều đó khó tạo ra sự cân bằng cần thiết cho các cầu thủ đua danh hiệu Vua phá lưới”, Ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT, TGĐ VPF chia sẻ lý do V.League 2020 sẽ không có giải thưởng Vua phá lưới.
Người đứng đầu của VPF cho biết them: “Việc chia nhóm cũng tạo ra ranh giới về trình độ. Các CLB ở nhóm tranh vô địch tuy đá nhiều trận hơn nhưng vấp phải sự cạnh tranh về đẳng cấp lớn hơn so với các CLB ở nhóm còn lại. Điều đó khiến cho các cầu thủ thuộc đội nhóm 1 cũng sẽ khó khăn hơn trong mục tiêu ghi bàn”.
Sau khi bỏ danh hiệu Vua phá lưới, tổng số hạng mục giải thưởng ở mục Giải thưởng bình chọn toàn giải từ 12 được rút xuống còn 11. Có thể kể đến các hạng mục được giữ lại gồm: Giải phong cách, Đội hình tiêu biểu, CLB có thành tích trong công tác đào tạo trẻ tốt nhất, BTC trận đấu tốt nhất, Cầu thủ xuất sắc nhất, HLV xuất sắc nhất, Bàn thắng đẹp nhất…
Việc không có danh hiệu cá nhân, đặc biệt là giải thưởng Vua phá lưới chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến động lực thi đấu của các cầu thủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang phải trải qua một mùa giải đặc biệt thì việc không trao danh hiệu cho cầu thủ ghi bàn nhiều nhất mùa giải chỉ là phương án tạm thời.
Ở V.League 2019, tiền đạo người Brazil Bruno (Viettel) và Omar (Hà Nội) chia nhau giải thưởng Vua phá lưới. Trong khi đó sau 2 vòng đấu tại mùa giải năm nay, tiền đạo Xuân Nam (TP.HCM) là người đang tạm dẫn đầu danh sách nổ súng với 3 pha lập công.
XEM THÊM
Xuất hiện ở sân Hàng Đẫy, ông Gede bị đồn thổi về Hà Nội