Ivan Zamorano vốn đã là chủ nhân của chiếc áo số 9 tại Inter. Khi gia nhập Inter vào năm 1998, siêu sao Roberto Baggio yêu cầu được trao chiếc áo số 10, của Ronaldo (Brazil). Inter đồng ý, và lấy lại chiếc áo số 9 của Zamorano để “đền” cho Ronaldo. Quá ám ảnh với việc chính mình phải có chiếc áo số 9, Zamorano bèn chọn áo số 18, sau đó thêm dấu cộng (+) vào giữa 2 chữ số.
Vâng, 1+8=9. Chuyện về số áo của Zamorano chỉ là như vậy. Nhưng từ cái nội dung hết sức nhỏ nhặt này, mỗi người lại có thể cảm nhận về Zamorano hoặc Inter theo mỗi cách khác nhau. Dù là thật hay ảo, cứ phải làm mọi cách để sở hữu chiếc áo số 9 thì... có gì là hay ho? Áo cà sa không làm nên thầy tu. Và chiếc áo số 1+8 đâu có giúp Zamorano ghi được mỗi trận 1 bàn!
Trong môn bóng đá, ai cũng biết chiếc áo số 9 danh giá vì đấy là số áo của trung phong cắm, của cầu thủ trên danh nghĩa là “vua dội bom” của đội. Vậy nên, giới quan sát có thể suy nghĩ về con người của Zamorano theo một cách khác nữa. Giả sử Zamorano thà bỏ áo số 9, lấy một số áo “tầm thường” hơn, vì số áo ấy liên quan đến một câu chuyện đặc biệt nào đó, người ta sẽ rất trân trọng. Đằng này, anh lại ám ảnh với cái vinh quang trên lý thuyết của áo số 9 thì đấy là câu chuyện đáng cười nhiều hơn. Zamorano là một nô lệ của ánh hào quang, và câu chuyện luôn nhắc để các thế hệ sau này biết rằng, trong một đội bóng có cả Ronaldo lẫn Roberto Baggio, thì Zamorano không đủ tư cách sở hữu chiếc áo số 9!
Giới hâm mộ Inter có thể nghĩ khác. Họ đánh giá cao Zamorano vì nỗ lực, tinh thần thi đấu hết mình, chứ không phải vì tài năng. Là một tiền đạo, Zamorano hiểu rõ ý nghĩa của chiếc áo số 9. Anh hiểu người mặc chiếc áo ấy sẽ chịu áp lực và trách nhiệm lớn như thế nào, phải cố gắng ra sao để xứng đáng với chiếc áo ấy. Xin nhắc lại, đây là câu chuyện của những cách cảm nhận khác nhau mà thôi.
Văn hoa một chút, người ta bảo phải xem Zamorano thi đấu thì mới hiểu hết giá trị của anh. Phải xem để cảm nhận tinh thần thi đấu của Zamorano. Đại khái, giá trị của Zamorano không nằm ở số liệu thống kê về số bàn thắng mà anh ghi được. HLV Gigi Simoni nói Zamorano là “linh hồn của đội bóng’. Ông bình luận: với Zamorano, mỗi trận đấu đều quan trọng như một cuộc chiến. Nhưng nhìn vào trận đấu để đánh giá Zamorano thì sẽ sai lầm. Đơn giản vì anh luôn luôn là cầu thủ giỏi, và đấy là điều độc lập với sự thể hiện của anh trong từng trận đấu!
Sao mà mâu thuẫn như thế (tóm lại, phải xem hay không xem Zamorano để đánh giá anh)? Hãy liên hệ với khẩu hiệu “hơn cả một CLB” của Barcelona.
Người ta nghĩ ra cái khẩu hiệu ấy trong thập niên 1960, khi Barcelona là một đội bóng thật sự tầm thường về mặt chuyên môn, thua rất xa kình địch Real Madrid và thậm chí thua cả Athletic Bilbao, Atletico Madrid. Đấy phải là một thực thể có ý nghĩa “hơn cả một CLB”, vì nếu chỉ là một CLB bóng đá thuần túy, Barcelona (giai đoạn 1960 - 1980) sẽ chẳng có gì để tự hào. Zamorano chỉ ghi cho Inter 26 bàn trong 101 trận đấu ở Serie A, và chẳng có danh hiệu đáng kể nào ngoài chiếc Cúp UEFA 1998 (ở Calcio, trong thập niên 1990, người ta rất xem thường Cúp UEFA). Vậy nên, cứ phải xem Zamorano thi đấu để “cảm nhận” anh, chứ đừng nhìn vào số liệu xem anh gặt hái được gì!
Thật ra, đấy là bức tranh chung về Inter trong thập niên 1990, chứ cũng không riêng gì Zamorano. Nói về AC Milan là phải nói về cơ man những lần vô địch Cúp C1/Champions League, với những chiến thắng 4-0 trong trận chung kết. Nói về Juventus là phải nói về kỷ lục vô địch Serie A. Nhưng ở Juventus hoặc Milan, chẳng có cầu thủ nào đáng khen, hoặc đáng nói, về số áo của họ. Việc của họ chỉ là chinh phục, dù nó không vui nhộn như việc của Zamorano.
Dàn tiền đạo “khủng” của Inter thời Zamorano Áo số “1+8” là có hợp lệ? 26. Trong vòng 5 năm khoác áo Inter ở Serie A, Ivan Zamorano ra sân 101 lần, ghi 26 bàn (tỷ lệ ghi bàn 26%). Đây là tỷ lệ ghi bàn tương đương với Roberto Baggio (26%), thua Alvaro Recoba (30%) và thua xa Christian Vieri, Ronaldo (70%). |
XEM THÊM
Món quà đầu tiên cho Rangnick là… Bennacer
Cristiano Ronaldo được bầu là tiền đạo vĩ đại nhất châu Âu trong thế kỷ 21