Một vấn đề về Juventus của Sarri ở mùa này mà các nhà chuyên môn mang ra mổ xẻ nhiều nhất, là mức độ linh hoạt của các ý tưởng chiến thuật. Sau giai đoạn đầu thử nghiệm với 4-3-3, Sarri chọn 4-3-1-2 là chiến thuật chủ đạo, và bám lấy hệ thống này từ đó đến nay.
Cách làm này trái ngược với Max Allegri trước đây. Ngay từ mùa 2014/15, mùa đầu tiên làm việc ở Juve, Allegri đã gần như không thay đổi hoặc áp đặt gì nhiều. Người ta dự đoán ông sẽ phải sử dụng mô hình 4-3-1-2 từng áp dụng tại AC Milan, nhưng Allegri đã tiếp quản các ý tưởng của Antonio Conte một cách rất linh hoạt. Ngoài 3-5-2 mà Conte đã dùng trước đây, Allegri còn sử dụng thêm 4-3-1-2, 4-3-2-1 và 4-3-3 trong suốt giai đoạn làm việc tại Juventus, khiến các đối thủ rất khó nắm bắt.
Juventus trong giai đoạn này làm người ta nhớ đến mùa giải duy nhất của Sarri ở Chelsea. Đó là mùa bóng mà Sarri bị phần lớn CĐV Chelsea tẩy chay vì nhiều lý do: “Sarri-ball” không “hợp mắt” họ; sử dụng N’golo Kante ở vị trí tiền vệ tấn công thay vì tiền vệ phòng ngự; không dùng các cầu thủ trẻ Ruben Loftus-Cheek và Callum Hudson-Odoi; khiến Chelsea thua đậm Man City 0-6 và Bournemouth 0-4... Nói chung đã ghét rồi thì có nhiều lý do để ghét. Thậm chí 1 tuần trước trận chung kết Europa League 2019, fan Chelsea vẫn hô lên tức tối “Chết tiệt Sarri-ball”...
Nhưng bất chấp những chống đối này, Sarri vẫn giúp Chelsea vô địch Europa League và vào Top 3 Premier League, tức là đạt chỉ tiêu. Sarri vẫn không nhân nhượng một milimét nào cho những kẻ chỉ trích, can thiệp vào chuyên môn và bức xúc với “Sarri-ball” của ông.
Tức là tại Juventus ở mùa này cũng sẽ như vậy. Sarri yêu cầu được xây dựng đội bóng theo ý ông, cho dù có làm Cristiano Ronaldo không vui, hoặc khiến các CĐV Juve sốt ruột.
Xây dựng “Sarri-ball” mất rất nhiều thời gian. Đây là lối đá thiên về kiểm soát bóng ở tốc độ cao, cần nhiều thời gian để cầu thủ nắm bắt và thực hiện nhuần nhuyễn các bài phối hợp. Mất 1 mùa giải tại Chelsea nhưng người ta cũng không dám nói thứ bóng đá Chelsea chơi khi ấy là “Sarri-ball” như những gì đỉnh cao đã xảy ra trước đó ở Napoli. Tại Juventus, Sarri cũng mới chỉ thay đổi hệ thống chiến thuật và áp đặt các ý tưởng mới trong vài ba tháng, tức là có thể thời gian cho “Sarri-ball” thành hình còn lâu hơn nữa.
Những ai hy vọng Sarri sẽ học theo Allegri, tổ chức một đội bóng có nhiều ý tưởng linh hoạt, chấp nhận sử dụng lại tàn dư của người tiền nhiệm, có lẽ nên thôi hy vọng. Bởi Sarri rất khác Allegri. Cũng có thể nói là ông bảo thủ hơn. Và như thế có nghĩa là không có khả năng để Sarri hài lòng với những miếng đánh không phải chủ đạo của “Sarri-ball”, như kiểu tạt cánh cho Ronaldo đánh đầu chẳng hạn, vì ứng biến kiểu đó thì chỉ có ở Allegri.
Napoli của Sarri trước đây cũng mất 1 mùa giải để “Sarri-ball” xuất hiện. Mùa đầu tiên của Sarri tại Napoli là 2015/16, họ ghi “chỉ” 80 bàn ở Serie A. Mùa tiếp theo 2016/17, Napoli của Sarri ghi tới 94 bàn, một kỉ lục trong lịch sử đội bóng này ở giải đấu. Nhưng đó là Napoli đã tin và cho Sarri thời gian, còn ở Juventus thì đó là chuyện chẳng ai dám chắc.
“Không ai tin tôi và Allegri” 12. Trong 17 vòng Serie A mùa này, Juventus của Sarri có 12 trận sử dụng sơ đồ 4-3-1-2, 5 trận còn lại dùng 4-3-3. Ở Champions League, 4/6 trận là Sarri dùng 4-3-1-2, 1 trận dùng 4-3-3 và 1 trận dùng 4-4-2 với hàng tiền vệ phẳng. |